PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - chia sẻ trong tọa đàm - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngày 29-9, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "An cư lạc nghiệp ở đô thị sáng tạo". Nhiều chuyên gia, cán bộ, giảng viên đã chia sẻ những tâm tư về nơi ở, điều kiện môi trường sống cho những cư dân của TP sáng tạo, tương tác cao trong tương lai.
Nhu cầu về an cư rất lớn
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ ông đánh giá cao chủ đề an cư lạc nghiệp trong khu đô thị sáng tạo.
Theo ông Quân, một trong những mục tiêu ĐHQG TP.HCM đề ra cho giai đoạn 2020-2025 là trở thành một hạt nhân của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP. Trong đó, hướng phát triển xoay quanh ba mục tiêu: đô thị xanh, thông minh, thân thiện.
Với quy mô hiện nay, ĐHQG TP có hơn 6.000 cán bộ, giảng viên, người lao động làm việc. Nếu cộng với số cán bộ, giảng viên, người lao động các trường lân cận sẽ có khoảng 10.000 người. Ngoài ra, ĐHQG TP có khoảng 70.000 sinh viên, trong đó có 35.000 sinh viên ở tại khu đô thị. Do vậy, theo ông Quân, nhu cầu về an cư là rất lớn.
Chia sẻ câu chuyện thực tế, anh Nguyễn Văn Toàn - trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG) - cho biết trước đây anh ở Tân Bình, mỗi ngày phải mất 3-4 tiếng đi đến ĐHQG làm việc.
Sau này để tiện đường đi làm, anh phải chuyển xuống thị xã Dĩ An (Bình Dương) ở. Nơi ở chỉ cách nơi làm 5km nên việc đi lại dễ dàng hơn. Nhưng từ Dĩ An đi vào trung tâm TP.HCM chưa có nhiều tuyến xe buýt.
Anh Toàn cho rằng để kéo giảng viên, chuyên gia về khu vực phía đông sinh sống cần phải đầu tư đường sá, bệnh viện, trường học tốt hơn. Ngoài ra phải mở rộng các tuyến xe buýt liên tỉnh, liên tuyến.
Bà Phạm Thị Thanh Bình - trưởng Phòng quản lý đô thị quận 9 - cũng chia sẻ hiện nay trên địa bàn quận có nhiều dự án nhưng hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa được hoàn thiện, kết nối.
Nhiều thầy cô muốn về khu vực này ở nhưng đường sá đi lại chưa thuận tiện, trường học, bệnh viện chưa đủ chuẩn.
Do vậy, bà Bình chia sẻ mong muốn có sự quan tâm của TP để đầu tư hạ tầng đường sá, trường học, bệnh viện... ở khu vực phía đông tốt hơn, nhiều tiện nghi hơn để cán bộ, giảng viên các trường ĐH trong khu vực có thể về ở, rút ngắn khoảng cách đi lại từ chỗ ở đến nơi làm.
Tập trung chất lượng cuộc sống
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hưng, phó trưởng phòng quản lý quy hoạch khu trung tâm Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, cho biết khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP chiếm 1/4 diện tích đô thị TP.
Theo ông Hưng, việc lựa chọn phía đông làm hướng phát triển hạt nhân cho 20 năm tới là do khu vực này có vị trí chiến lược nằm trong vùng phát triển trọng điểm, có nhiều lợi thế. Về điều kiện hiện trạng, khu vực này đã có sẵn những hạt nhân như: ĐHQG, Khu công nghệ cao, Thủ Thiêm.
Theo ông Hưng, mục tiêu cốt lõi khu đô thị sáng tạo, tương tác cao sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hóa lần thứ 4 dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.
Trong đó xây dựng một khu vực phát triển đô thị gắn liền với kinh tế tri thức và công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của TP.
Cùng với đó, nâng tầm các trường ĐH đạt chuẩn quốc tế và phát triển thêm các khu ĐH mới. Tạo ra khu vực mà các trường ĐH, viện nghiên cứu, doanh nghiệp... có thể liên kết mật thiết để sản phẩm được gia tăng giá trị, mang lại lợi ích lớn hơn.
Quan trọng hơn, tập trung vào chất lượng cuộc sống để đạt mục tiêu phát triển con người toàn diện. Nơi đây sẽ tạo ra môi trường làm việc, học tập, sinh sống thuận lợi của các chuyên gia, nhà khoa học, lực lượng lao động có chất lượng cao và cộng đồng dân cư sáng tạo.
Các giải pháp tập trung vào việc cải thiện giao thông và môi trường, tăng các không gian nghỉ ngơi, tương tác, giải trí, cây xanh. Thiết lập cơ chế chính sách để quản lý, thu hút đầu tư phù hợp với các quy tắc và thông lệ quốc tế.
"Chương trình phát triển đô thị sáng tạo nhấn mạnh cơ chế đồng sáng tạo, không chỉ Nhà nước thực hiện dự án mà trong đó còn kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Quy hoạch không cứng nhắc từ trên xuống, mà lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và người lao động để kế hoạch thực hiện sát thực tế hơn" - ông Hưng nhấn mạnh.
Theo tôi, việc thực hiện dàn trải trên diện tích lớn như hiện nay sẽ khó khăn vì không đủ nguồn lực. Nên tập trung phát triển kết nối liền mạch khu ĐHQG và Khu công nghệ cao để có sự tương tác cao. Trong đó nâng cấp ĐHQG trở thành nơi nghiên cứu, chế tạo thử, thực nghiệm, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM)
Ưu tiên làm từng khu vực
Trao đổi tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM - chia sẻ cả chuyên gia, người dân và cơ quan chức năng vẫn còn nhiều băn khoăn về đề án xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.
Sau khi sáp nhập ba quận, TP Thủ Đức sẽ chiếm 1/10 diện tích đất tự nhiên và khoảng 1/10 dân số TP.
Đây là một đơn vị hành chính cực kỳ lớn. Dẫn chứng một số khu đô thị sáng tạo trên thế giới đã xây dựng thành công, ông Hòa cho rằng điểm chung của các TP này là xây dựng hoàn toàn trên khu đất không có dân cư, diện tích không lớn và dân số không đông, thường chỉ dưới 300.000 dân.
Dân cư sống trong các khu này có học vấn, tri thức và mức sống rất cao. Mặt khác, những khu đô thị này được chính quyền quyết tâm thực hiện cao và đầu tư rất lớn, cùng với đó là sự tham gia đầu tư của tư nhân.
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ - giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP) - chia sẻ khu vực phía đông là nơi có hạ tầng tương đối để phát triển một động lực của chính quyền đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Vũ, định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao trên khu vực diện tích lớn nhưng khi làm thì nên làm theo lộ trình, phát triển theo từng cụm nhỏ.
Trước mắt nên tập trung vào đầu tư làm trước hạ tầng kết nối khu ĐHQG và Khu công nghệ cao. Khu vực kết nối có thể tạo những không gian để các chuyên gia, giảng viên, sinh viên... của hai khu này có thể gặp gỡ, trao đổi, thảo luận... những ý tưởng.
Những cái này rất quan trọng để những ý tưởng vươn ra, trở thành hiện thực. "Yếu tố quyết định nhất vẫn là con người. Con người sẽ quyết định thể chế, dòng tiền và sự khả thi của đề án" - ông Vũ nói.
Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Không ai bị bỏ lại phía sau
Tôi biết giảng viên đại học trước năm 1975 ở làng đại học cũng thuộc quận Thủ Đức hiện nay được tiêu chuẩn ở nhà biệt thự, đi ôtô.
Còn giảng viên đại học bây giờ có khi đi xe buýt chung với sinh viên. Tôi tình cờ đến thăm nhà một cặp vợ chồng là giảng viên đại học, căn nhà ở xã hội hơn 40m2.
Tôi rất trăn trở vì sao những gia đình giáo sư, giảng viên đại học, những "cỗ máy cái" đào tạo con người lại phải ở trong những căn nhà với điều kiện chật vật như vậy.
Trong góp ý về sửa Luật nhà ở, chúng tôi đã đề xuất Bộ Xây dựng cần có nhà ở thương mại giá thấp để khi một đô thị phát triển, không có ai bị bỏ lại phía sau, một phần cho người dân bản địa nơi đây, một phần để phục vụ những cán bộ giảng viên của khu ĐHQG khi nơi đây trở thành khu đô thị sáng tạo.
Như vậy, khu đô thị sáng tạo lúc đó sẽ trở thành nơi an cư lạc nghiệp cho những người đang làm việc và sinh sống ở địa bàn này hay những người nơi khác đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận