04/05/2009 10:53 GMT+7

Mười cô gái Lam Hạ - Kỳ 5: Giữ vững ngọn cờ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Chiến tranh trôi qua đã lâu nhưng ông Ngô Tiến Vạnh vẫn rưng rưng xúc động nhớ ngày 1-10-1966, ông đang là trợ lý trinh sát tiểu đoàn 6 phòng không ở Phủ Lý thì nghe tin trận địa Đình Tràng trúng bom. Ông thắt ruột gan nhớ từng gương mặt cô dân quân trẻ trung, hồn nhiên mà ông mới còn cười trêu hôm trước.

Khi ông và đồng đội chạy qua thì không còn tin vào mắt mình nữa. Trận địa xanh um cây lá ngụy trang chỉ còn màu đất và màu máu bị bom đạn cày xới. Thi hài chiến sĩ ngổn ngang trên trận địa.

2aimhzTE.jpgPhóng to
Mẹ Nảy khóc đến cạn nước mắt vì những người con ra đi không về - Ảnh: Quốc Việt
Kỳ 1:Ngày quyết tửKỳ 2: Tiếc gì tuổi xuânKỳ 3:Tóc dài quấn khẩu pháoKỳ 4:Đừng buồn nhé, mẹ ơi!

Người trước ngã xuống, người sau đứng lên

Trong danh sách trên đài bia tưởng niệm, mười cô gái liệt sĩ đều cùng quê và cùng chiến đấu trên mảnh đất Lam Hạ, nhưng họ không cùng hi sinh trong một ngày. Sáu cô Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Phạm Thị Lan và Vũ Thị Phương hi sinh trong ngày quyết tử 1-10-1966. Ba cô Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp và Nguyễn Thị Oánh ra đi trên trận địa sau đó tám ngày. Và Đặng Thị Chung là cô gái Lam Hạ thứ mười hi sinh ngày 7-7-1967.

Tin các cô dân quân và bộ đội hi sinh ở trận địa Đình Tràng, xã Lam Hạ nhanh chóng lan truyền sang các trận địa khác. Chiến sĩ động viên nhau phải nén đau buồn để chiến đấu mạnh mẽ hơn mà trả thù cho đồng đội đã hi sinh. Và đó là ngày chiến đấu quyết tử mà những ai còn sống sẽ không thể nào quên được trong đời chiến sĩ của mình.

Ở trận địa vườn hoa thị xã, đại đội trưởng Ngô Xuân Sơ hiên ngang đứng thẳng người trên mâm pháo phất cờ lệnh chiến đấu mặc máy bay Mỹ giội bom xuống trận địa. Ba lần cán cờ bị bom phạt gãy, nhưng anh lại thay cán cờ khác để tiếp tục phất cao. Khẩu đội trưởng Quý bị trúng mảnh bom ở ngực, máu đỏ đẫm người, vẫn kiên cường đứng chỉ huy bắn cho đến lúc quỵ xuống hi sinh.

Các trận địa khác cũng có người hi sinh, nhưng những chiến sĩ bị thương vẫn quyết tử giữ vững vị trí chiến đấu đến phút cuối cùng. Bà Trương Thị Nhàn, người nữ trung đội trưởng dân quân Lam Hạ năm xưa, đến giờ vẫn nhớ mãi giây phút tiễn đồng đội về nơi yên nghỉ: “Những người còn sống bặm môi đến bật máu để nén khóc. Không ai nhắc ai nhưng mọi người đều nhớ lời đồng đội đã hi sinh: Những người còn sống phải chiến đấu gấp đôi, gấp ba để thay cho bạn bè đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc”.

Sau ngày 1-10-1966, các nữ dân quân Lam Hạ lại tiếp tục chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ. Và trong trận chiến tám ngày sau, máu xương ba cô gái Lam Hạ lại hòa cùng mảnh đất quê hương. Sáng hôm đó mặt trời còn ẩn trong mây mù, các tốp máy bay Mỹ lại ồ ạt kéo đến. Chúng chia làm bảy phi đội với 60 chiếc máy bay dồn dập giội bom, bắn rôcket xuống các mục tiêu hạ tầng và trận địa cao xạ.

Ở Lam Hạ, các cô dân quân Nhàn, Tình, Hồ, Mên, Mến, Thảo, Mạn, Thuận, Thẹp, Oánh, Chung... nhanh chóng có mặt trên trận địa chiến đấu. Họ cùng lời thề chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ quê hương và trả thù cho đồng đội đã hi sinh. Trận chiến giữa máy bay trên trời và pháo cao xạ dưới đất càng lúc càng ác liệt. Không quân Mỹ lợi dụng số đông và bom hạng nặng cố tiêu diệt các mục tiêu chống trả.

Ở trận địa pháo 57 ly thôn Đường Ấm, xã Lam Hạ, các cô dân quân Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đang phối hợp cùng bộ đội kiên cường giáng trả từng loạt đạn pháo thì trúng bom. Máu ba cô cùng các bộ đội trung đoàn phòng 233 văng ướt sũng ụ pháo. Ngày đó Thuận mới 17 tuổi. Cô bị mảnh bom vào người và phạt chân gần lìa. Đến bây giờ, cô dân quân Nguyễn Thị Mạn, cũng bị thương vào trán trong ngày quyết chiến đó, vẫn chưa quên Thuận vào trạm xá còn an ủi mẹ: “Đừng lo mẹ ơi. Con cụt chân thì mai mốt cũng làm cô bán hàng ở hợp tác xã được mà”. Rồi cô thiếp đi vì mất nhiều máu và không dậy được nữa. Gần một năm sau, máu đỏ của cô dân quân Lam Hạ thứ mười Đặng Thị Chung lại nhuộm thắm mâm pháo trong trận chiến ngày 7-7-1967. Mảnh bom phạt mất đầu, cô chết đứng trong tư thế đang quay cự ly nòng pháo để bắn máy bay.

cAdNgePw.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Oánh hi sinh, anh Lê Văn Chắc xin ở lại Lam Hạ chiến đấu rồi cũng hi sinh. Bây giờ họ nằm gần nhau mãi mãi... - Ảnh tư liệu của gia đình

Tiếp bước hi sinh

Về Lam Hạ bây giờ, mẹ Hoàng Thị Nảy của liệt sĩ Đặng Thị Chung đã tròn 90 tuổi, bị liệt và mù từ lâu lắm rồi. Con gái mẹ hi sinh, anh trai của cô tình nguyện vào chiến trường Quảng Trị để chiến đấu rồi cũng hi sinh. Mẹ khóc thương các con, đôi mắt mờ dần. Kể lại chuyện xưa, nước mắt mẹ lại ứa ra và cứ nhắc: “Các con mẹ ngoan hiền lắm”.

Mẹ Nảy kể cảnh nhà nghèo lắm, Chung xin mẹ cho đi dân quân chiến đấu, nói rằng: “Con chiến đấu để gia đình và đất nước mình hết chiến tranh, đỡ phải nghèo khổ nữa”. Những ngày không tham gia sản xuất hay chiến đấu trong đội nữ dân quân, Chung ở nhà đi mò hến, đào củ dong, củ chuối cho mẹ và các em ăn. Nửa đêm trước buổi sáng cuối cùng ra trận, cô còn thức vớt bèo ngoài kênh cho mẹ nuôi heo. Lúc còi báo động hụ lên chiến đấu, Chung còn đang rang ngô cho các em. Cô chạy ra khẩu đội pháo cao xạ ở thôn Hòa Lạc, xã Lam Hạ thì gặp mẹ đang gánh khoai về. Cô còn nói với: “Thôi, mẹ cứ để đấy. Lát chiến đấu xong con sẽ gánh về”.

Mẹ vừa đi khuất thì bom đạn rền vang. Lát sau nghe tin trận địa trúng bom, mẹ chạy ra thì thấy con gái đã hi sinh. Đầu Chung bị văng mất, nhưng thân mình vẫn đứng trong vị trí đang quay cự ly cho nòng pháo hướng về quân thù. Trước đó tám ngày, bạn Tuyết chiến đấu với Chung cũng bị trúng mảnh bom văng mất đầu, nhưng ba ngày sau người cha tìm thấy được đầu con. Còn lần này, mẹ và đồng đội đã không thể tìm thấy đầu Chung! Và lễ kết nạp Đảng muộn đã được tổ chức ngay bên nấm mộ của người nữ dân quân anh hùng.

Ba ngày sau, người anh trai Đặng Văn Hòa của Chung đang làm công nhân đã cắt máu tay viết đơn xin đi chiến đấu tiếp bước em. Mẹ Nảy lại tiễn con trai ra trận. Lúc chia tay mẹ ở bến sông, anh vừa khóc vừa nói với mẹ: “Đừng buồn nữa mẹ ơi! Con đi chiến đấu là vì em, vì nước nhà. Hết chiến tranh con lại về với mẹ!”. Rồi xương máu của anh đã hòa cùng đất Quảng Trị. Đến nay mẹ vẫn chưa biết con đang nằm ở đâu.

Cùng ngày Chung hi sinh, trận địa pháo Hòa Lạc cũng loang đỏ máu của anh bộ đội Lê Văn Chắc, chồng cô dân quân Nguyễn Thị Oánh. Họ mới cưới, chưa kịp có con thì chiến tranh nổ ra ác liệt. Oánh làm cô giáo nhưng tình nguyện đi dân quân chiến đấu và hi sinh ngày 9-10-1966. Hôm cô hi sinh, anh Chắc đang chiến đấu ở trận địa khác. Về ôm thi thể vợ trên tay, anh nuốt nước mắt xin ở lại Lam Hạ để chiến đấu. Rồi gần một năm sau anh cũng hi sinh. Họ được đưa về nằm gần nhau trong nghĩa trang liệt sĩ Lam Hạ, nơi có ngọn cờ Tổ quốc ngày ngày phủ bóng chiến sĩ đã hi sinh vì đất nước.

_________________

Hằng năm đến ngày 1-10, những cựu dân quân Lam Hạ còn sống lại trở về họp mặt, thắp hương cho mười đồng đội đã hi sinh. Mỗi người đều có nỗi niềm, kỷ niệm không quên về bạn bè. Và mỗi người đều cùng chung một ước nguyện thiêng liêng.

Kỳ tới: Ước vọng bất tử

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên