04/04/2023 08:15 GMT+7

Mua SIM rác - rước phiền vào thân

Sau 31-3, thuê bao di động thông tin chưa chuẩn đã bị khóa một chiều. Nhưng SIM rác vẫn được mua bán tràn lan, mua SIM này hên xui ráng chịu!

Mua SIM rác - rước phiền vào thân - Ảnh 1.

Bán SIM kích hoạt sẵn ở cửa hàng trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chiều 3-4 - Ảnh: Đ.TH.

Chiều 3-4, dạo một vòng quanh nhiều cửa hàng bán SIM điện thoại di động từ lớn đến nhỏ lẻ tại TP.HCM, chúng tôi ghi nhận SIM rác (SIM đã được đăng ký thông tin cá nhân và kích hoạt sẵn) vẫn có bán nhiều.

"Gọi được hay không thì hên xui nhé!"

Tại một cửa hàng chuyên điện thoại, SIM, thẻ (cào) nhỏ trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), ngay khi vừa nghe chúng tôi hỏi mua SIM điện thoại, người bán đã hỏi ngay: "Có đem chứng minh nhân dân không?".

Tại một cửa hàng nhỏ khác trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh) có treo biển điểm bán hàng của cả bốn nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone và Vietnamobile, người bán cho biết "SIM nhà mạng nào cũng có nhưng gọi được hay không thì hên xui nhé!" khi chúng tôi hỏi mua SIM kích hoạt sẵn.

Người bán lấy SIM ra cho chúng tôi xem. "SIM Viettel đã đăng ký và kích hoạt sẵn, tài khoản có 90.000 đồng, giá 200.000 đồng. SIM Vinaphone 170.000 đồng. SIM MobiFone 100.000 đồng", người bán vừa nói vừa gắn SIM Viettel còn nguyên trong thẻ vào thiết bị đọc SIM kết nối với điện thoại. 

Đây là loại thiết bị đọc SIM đa năng dùng để đăng ký và kích hoạt SIM trên điện thoại mà không cần phải tháo SIM ra khỏi thẻ như cách phổ biến của người dùng cuối.

Nhìn trên màn hình, người bán cho biết: "Không được rồi, SIM này đã bị khóa, phải đi đăng ký mới gọi được". Kết quả kiểm tra các SIM khác cũng tương tự. Người bán gợi ý: "SIM Vietnamobile chắc chắn được". Chúng tôi ra vẻ nghi ngờ và yêu cầu người bán đưa vài SIM kiểm tra để còn lựa số.

Người bán vừa kiểm tra SIM vừa thông tin giá bán SIM Vietnamobile 60.000 đồng, tài khoản khuyến mãi 200.000 đồng, mỗi ngày được 10GB dữ liệu... Các SIM đều đã được đăng ký và kích hoạt sẵn, người dùng chỉ việc gắn vào điện thoại là gọi được ngay. Thử kiểm tra trên điện thoại thì rõ ràng đã có thông tin người đăng ký sở hữu SIM đầy đủ.

Khóa cuộc gọi thôi chưa đủ

Hiện tất cả các điểm bán hàng lớn hoặc hệ thống bán lẻ như FPT Shop, Thế Giới Di Động, 24hStore... đều có liên kết trực tiếp với các nhà mạng di động

Người dùng đến mua SIM tại các nơi này đều phải thực hiện quá trình đăng ký thông tin, chụp ảnh chân dung và gửi đến hệ thống kỹ thuật nhà mạng để kích hoạt mới được sử dụng SIM - tương tự quy trình khi đến các điểm giao dịch chính thức của nhà mạng. Khách phải có mặt tại quầy mới kích hoạt được SIM.

SIM đã được đăng ký thông tin và kích hoạt sẵn (hay thường gọi là SIM "rác") chỉ còn ở các đại lý "ôm" SIM từ trước đây (trước đây, nhiều đại lý thường mua "thầu" SIM theo "lô" với số lượng rất lớn về phân phối lại cho các đại lý nhỏ hơn hoặc các cửa hàng bán lẻ. Các đại lý phải đăng ký và kích hoạt SIM, đăng ký các gói khuyến mãi lớn khi có chương trình của các nhà mạng để bán lại cho người dùng với giá cao...).

Vì sao SIM "rác" vẫn còn và được bày bán và hoạt động bình thường? Lãnh đạo một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) tiết lộ với Tuổi Trẻ: "Đó là do quy định tại nghị định 49 của Chính phủ cho phép một cá nhân được đăng ký đứng tên trên nhiều SIM khác nhau cùng một nhà mạng, có thể đến hàng nghìn SIM. Điều này đã khiến nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ tận dụng để dùng thông tin chính xác của một cá nhân đứng tên đăng ký cho hàng nghìn SIM mà không vi phạm quy định pháp luật". 

Chỉ cần dùng các giấy tờ đáp ứng yêu cầu là có thể đăng ký thông tin.

"Đối với số thuê bao thứ tư trở lên, thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động", nghị định nêu rõ. Như vậy, nhiều khả năng những SIM "rác" như trên đều là SIM đã được đăng ký thông tin đúng và có hoạt động, thời hạn sử dụng đúng theo quy định nên không thuộc diện bị khóa một chiều.

Kẽ hở quy định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo nhà mạng nêu trên cho biết đã nhiều lần đề xuất sửa đổi quy định thành "mỗi cá nhân chỉ được đứng tên tối đa 5 số điện thoại mỗi mạng" thay vì để tồn tại "kẽ hở" như hiện nay.

Khi đó, một cá nhân chỉ có thể sở hữu tối đa 15 SIM của ba nhà mạng lớn - chẳng thể nào kiếm lợi được gì với mục đích bán SIM "rác". Tuy nhiên, mọi việc đến nay vẫn chỉ đang nằm trên dự thảo chứ chưa được quyết định ban hành.

Mua hàng nghìn sim rác, lập ví điện tử chiếm đoạt hơn 2,6 tỉ đồng khuyến mãiMua hàng nghìn sim rác, lập ví điện tử chiếm đoạt hơn 2,6 tỉ đồng khuyến mãi

TTO - Lợi dụng các chương trình khuyến mãi như tặng tiền cho các tài khoản ví điện tử mới lập, Võ Anh Tuấn đã mua hàng nghìn sim rác điện thoại, lập khống hàng nghìn tài khoản ngân hàng để chiếm đoạn số tiền này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên