20/10/2018 19:13 GMT+7

Mưa sao băng nhân tạo: mất nhiều hơn được?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Mưa sao băng nhân tạo, dự án của công ty Astro Live Experiences (ALE) mới nghe qua đã thu hút sự tò mò của nhiều người bởi trong tương lai chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự kiện đẹp mắt này tùy thích.

Mưa sao băng nhân tạo: mất nhiều hơn được? - Ảnh 1.

Nhiều lo ngại cho rằng nếu mưa sao băng bị thương mại hóa thì hiện tượng này sẽ không còn thú vị - Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, các nhà khoa học lại xem xét kỹ hơn và cho thấy nhiều vấn đề bên trong những ngôi sao băng này.

Lo ngại về môi trường

Chia sẻ trên trang Buzzfeed, Patrick Seitzer - một nhà nghiên cứu vũ trụ học thuộc ĐH Michigan, Mỹ cho rằng mưa sao băng nhân tạo có thể gây nguy hiểm cho các thiết bị đang ở trên quỹ đạo của Trái Đất, nhất là trong giai đoạn bùng nổ số lượng vệ tinh hoạt động ngoài không gian.

Điển hình trong 10 năm tới, công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk dự kiến đưa vào quỹ đạo Trái Đất đến 7.500 vệ tinh, ở độ cao khoảng 338km, ngay dưới vệ tinh tạo sao băng của ALE.

"Với tốc độ khủng khiếp, nếu có sai sót, các vật thể sao băng nhân tạo có thể xuyên thủng lớp kim loại bảo vệ các vệ tinh và gây ra những hậu quả khó lường kèm theo", ông Seitzer cho biết.

Ông Seitzer nói thêm hiện xung quanh quỹ đạo Trái Đất đã có khoảng 500.000 thiết bị bay các loại, do đó việc đưa thêm hàng ngàn viên kim loại lên không gian chỉ để phụ vụ cho thú vui của một số người sẽ làm tăng thêm nhiều rủi ro cho các hoạt động khác như viễn thông hay dự báo thời tiết.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường trên không gian. Có thể một ngôi sao băng đơn lẻ nhân tạo để lại lượng đáng kể khói bụi ảnh hưởng đến bầu khí quyển Trái Đất, nhưng nếu được sử dụng trên diện rộng và trong thời gian dài thì chắc chắn sẽ để lại những tác động tiêu cực.

Một khía cạnh khác mà các nhà khoa học quan tâm là tâm lý chờ đợi, bởi một trong những lý do người ta yêu thích sao băng là do sự kiện ít khi xảy ra và thường rất khó đoán.

Trong tương lai, nếu việc xem sao băng dễ dàng như xem một buổi diễn pháo hoa thì chắc hẳn không còn ai cầu nguyện điều ước khi thấy những ngôi sao may mắn này nữa.

"Cha đẻ" mưa sao băng nhân tạo nói gì?

Mưa sao băng nhân tạo: mất nhiều hơn được? - Ảnh 2.

Mô phỏng vệ tinh dự kiến làm nhiệm vụ vận chuyển các viên mưa sao băng - Ảnh: ALE

Josh Rodenbaugh - một chuyên gia của ALE, cho biết công ty đang tìm cách chứng minh những tai nạn ấy là cực kỳ hi hữu.

Theo đó, cả 2 vệ tinh có tuổi thọ khoảng 2 năm, mỗi chiếc sẽ được lập trình trước để thả bóng đúng vị trí, tốc độ, hướng cần thiết để phát ra ánh sáng dễ nhìn thấy, nhất là trong các khu vực nổi tiếng ô nhiễm ánh sáng như Tokyo.

"Vệ tinh của chúng tôi sẽ bay thấp hơn Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) và các viên thiên thạch sẽ chỉ được thả ở độ cao khoảng 354km xuống đến khoảng 59,5km mới bắt đầu bốc cháy.

Chúng tôi sẽ khiểm soát được phạm vi hoạt động với các vệ tinh lân cận, nếu có nguy cơ va chạm, chúng tôi chắc chắn sẽ hủy bỏ những sự kiện đang tổ chức", ông Rodenbaugh cho biết.

Rodenbaugh chia sẻ thêm công ty ông đã kham khảo ý kiến của nhiều cơ quan vũ trụ như NASA, ESA hay các cơ quan hàng không của Trung Quốc, Nga trước khi bắt tay vào thực hiện dự án lớn này. Ông cho biết công ty đang gấp rút hoàn thành những chi tiết cuối cùng trước ngày khởi hành.

Hiện nay, không chỉ chờ đợi ALE, người Nhật còn kỳ vọng vào rất nhiều dự án chinh phục không gian tham vọng khác có thể trao cho đất nước mặt trời mọc vai trò dẫn đầu xu hướng công nghệ vũ trụ toàn cầu.

Mưa sao băng nhân tạo: mất nhiều hơn được? - Ảnh 3.

Ngành hàng không vũ trụ của Nhật Bản đang có những bước phát triển đáng kể và hứa hẹn sẽ cạnh tranh sòng phẳng với 'ông lớn' Mỹ trong tương lai - Ảnh: JAXA

Theo The Washington Post, trước đây các công ty khởi nghiệp về không gian mọc lên như nấm, đặc biệt là ở Mỹ và xu hướng này đang bùng nổ ở Nhật Bản.

Năm 2017, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe chấp thuận những chính sách mới nhằm thúc đẩy nghiên cứu hàng không vũ trụ, nhất là sử dụng trong quốc phòng. Hành động này không những tiếp sức cho hoạt động vũ trụ trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc mà còn thúc đẩy nhiều công ty tư nhân cũng đang muốn chinh phục không gian.

Cụ thể, vào tháng 3 vừa qua, công ty Astroscale - có trụ sở ở Singapore, đang thực hiện dự án dọn rác vũ trụ, đã nhận thêm số tiền đầu tư 35 triệu USD, trong đó có đến 30 triệu USD từ Nhật.

Cùng thời gian đó, Cơ quan không gian quốc gia Nhật Bản cho biết đang làm việc với các công ty kỹ thuật để tạo ra những robot có kích thước cỡ côn trùng để khám phá mặt trăng.

"Rồi có một ngày Nhật sẽ giành được ngôi vị số 1 của ngành công nghiệp vũ trụ thế giới", Rodenbaugh nói.

Trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2018 Trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2018

TTO - Trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2018 có tên là Quadrantids, sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4-1.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên