28/02/2021 08:19 GMT+7

Mua 'hải sản tươi ngon' qua Facebook, trả tiền xong khui hàng thấy toàn... đá cục

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Trả tiền mua ghẹ tươi và cá mú xong, cả nhà anh Linh háo hức đợi, nhưng hàng nhận được là thùng xốp chứa... đá cục. Tức giận liên hệ lại nơi bán, anh bị họ thách thức và chặn luôn Facebook...

Mua hải sản tươi ngon qua Facebook, trả tiền xong khui hàng thấy toàn... đá cục - Ảnh 1.

Khách chỉ nên mua qua mạng với các sản phẩm có giá trị thấp, tại những địa chỉ kinh doanh uy tín - Ảnh minh họa: Q. ĐỊNH

Nhiều bạn đọc cho biết đã bị lừa tiền khi mua sắm tết qua các nền tảng xã hội, phổ biến nhất là trên Facebook. Mặt hàng bị lừa đảo nhiều là hải sản, yến sào, thời trang... với quảng cáo 'giá tốt, chất lượng đảm bảo'.

Hầu hết các giao dịch này đều yêu cầu người mua chuyển khoản đặt cọc trước, nhưng khi nhận được hàng thì không đúng như mô tả: mua yến sào thì nhận rau câu, mua hải sản nhận đá cục...

Bán hàng xong, chặn Facebook

Anh Linh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết để chuẩn bị sớm và tươm tất cho các bữa tiệc sum họp gia đình vào những ngày cận tết, anh vào một trang Facebook chuyên bán hải sản ở Vũng Tàu để tìm hiểu. Anh thấy người bán hàng còn quay cả clip cua, ghẹ, cá bơi lội để khách tin tưởng.

"Nhìn thấy hải sản tươi, ngon và người bán khá thiện chí nên tôi mới đặt mua ghẹ tươi và cá mú để đãi khách", anh Linh kể. Sau khi chốt được đơn hàng và giá, người bán hàng yêu cầu anh chuyển khoản trước 500.000 đồng làm tin để đóng gói hàng và chuyển nhà xe. Ngày hôm sau khi "hàng vừa được gửi đi", người bán yêu cầu chuyển số tiền còn lại gần 2 triệu đồng vì đây là hàng tươi sống.

Trả tiền xong cả gia đình háo hức đợi hàng, nhưng kết cục nhận được là thùng xốp bên trong chỉ có... đá cục. Tức giận vì bị lừa, anh Linh và người nhà liên hệ lại địa chỉ trên Facebook thì chỉ nhận được những thách thức từ người bán. Sau đó anh cũng phát hiện nhiều người bị lừa giống mình và bị chặn Facebook ngay sau khi đăng phản hồi.

"Tôi lướt các group chuyên về kinh doanh hải sản thấy nhiều người cũng bức xúc về tình trạng lừa đảo này", anh Linh nói.

Một mặt hàng khác cũng được nhiều người mua hàng tố giác lừa đảo phổ biến là yến sào. Đây là mặt hàng có nhu cầu rất cao trong dịp tết. Theo nhiều người mua hàng, thông thường chọn mua trên những fanpage có lượt người theo dõi cao, có địa chỉ kinh doanh cũng như số điện thoại công bố rõ ràng nhưng yếu tố ấy vẫn chưa đủ tin cậy để không mua phải "trái đắng".

Bà Phú (Q.Phú Nhuận) cho biết dù dùng yến sào lâu năm nhưng bà vẫn bị lừa một vố khá đau khi mua qua Facebook nhưng bị giao nấm tuyết. "Khi nhìn thấy giá rao bán trên một trang Facebook, yến sào giảm 70% với nhiều lời rao hút hàng, hình ảnh rất thuyết phục, tôi nghĩ họ thanh lý hàng nên mua ăn thử. Giao dịch xong người bán trở mặt, chặn luôn Facebook của tôi", bà Phú nói.

Khá nhiều người đã bị lừa khi mua yến sào trên mạng xã hội. Không chỉ mua yến sào bị giao nấm tuyết, mà có người còn nhận rau câu. Nhiều người tưởng bị giao nhầm, khi liên hệ lại với người bán thì bị thách thức hay chặn liên lạc.

Cân nhắc mua hàng trên mạng xã hội

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), xu hướng kinh doanh trên mạng xã hội vẫn tăng đều trong những năm qua vì đây là một kênh hiệu quả với chi phí thấp, thu hút sự quan tâm không chỉ cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ mà cả những doanh nghiệp lớn muốn xây dựng một kênh cộng đồng và chăm sóc khách hàng thường xuyên.

Tuy nhiên, các khiếu nại về chất lượng hàng hóa, những cảnh báo rủi ro về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên nền tảng này cũng cao hơn rất nhiều so với các hình thức thương mại điện tử khác.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, chủ một cửa hàng điện tử ở Q.Tân Bình, cho biết với hình thức mua hàng trên mạng xã hội, người mua và người bán chỉ có thể thỏa thuận với nhau bằng sự tin tưởng do không có đơn vị trung gian đứng ra bảo đảm. Nhưng nhiều người vẫn thích vì tiện lợi, giao dịch nhanh chóng.

Theo các chuyên gia, để tránh trường hợp bị lừa, mua phải hàng kém chất lượng trên Facebook, người mua phải trang bị cho mình một số kinh nghiệm mua hàng nhất định. Nếu thấy các shop bán hàng quá rẻ so với thị trường, khách hàng nên xem lại. Nếu hàng quá rẻ mà trên ảnh lại đẹp long lanh, nhiều khả năng người mua đang bị lừa.

Với shop đòi hỏi chuyển khoản trước, nếu không có thông tin chính xác về người bán thì người mua sẽ dễ bị các đối tượng xấu lừa đảo, dù phát hiện cũng sẽ khó có thể truy lùng, nhận dạng đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó cần tránh những giao dịch mà mình không nắm rõ hay mua các mặt hàng khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Việt Nam hiện có khoảng 65 triệu người sử dụng Facebook, phần lớn là người dùng trẻ như học sinh, sinh viên đến giới văn phòng. Đây là đối tượng có nhu cầu mua sắm cao kéo theo các hoạt động buôn bán, rao vặt sôi động trên những nền tảng xã hội. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, người tiêu dùng ngày càng có tâm lý thoải mái, dễ dàng lựa chọn mua hàng online.

Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), nhiều người xem Facebook như một kênh mua sắm chính. Tuy nhiên, nhiều người bán và mua đều không biết mặt nhau nên các giao dịch mua bán trên Facebook tiềm ẩn rủi ro cao.

"Cần xem các trang mạng xã hội như là nơi thay cho việc liên lạc truyền thống bằng giao tiếp thư có ảnh và hệ messenger thông thoại, hạn chế các giao dịch với người không xác tín được hay chuyển số tiền lớn", luật sư Đức nói.

Khiếu nại mua hàng trên mạng tăng nhanh

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương, trong năm 2020 ước tính tỉ lệ kiến nghị, khiếu nại của người dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử chỉ chiếm 1,5%, nhưng đây là con số đáng lưu ý khi năm trước nhóm này không xuất hiện trong thống kê.

Bộ phận tiếp nhận phản ảnh của người tiêu dùng ghi nhận khoảng 40% cuộc gọi người tiêu dùng đã được tư vấn cách thức mua, tiêu dùng đúng cách, hiệu quả, cảnh báo những trường hợp cần lưu ý trong giao dịch mua, bán với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là những giao dịch trên môi trường mạng như giao dịch qua mạng xã hội, qua điện thoại...

Bên cạnh các yêu cầu tư vấn, hỗ trợ có liên quan đến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổng đài tư vấn của cơ quan này còn tiếp nhận được một số yêu cầu tư vấn nằm ngoài phạm vi, thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết của tổng đài, như yêu cầu tra cứu mã vận đơn mua hàng trực tuyến hoặc mã vận đơn vận chuyển bưu phẩm, hỗ trợ yêu cầu đơn vị vận chuyển không chuyển tiền cho bên bán trong các giao dịch thương mại điện tử...

Tưởng bán hàng qua mạng cho Tưởng bán hàng qua mạng cho 'Tây' được giá cao, ngờ đâu lừa đảo

TTO - Bỗng một ngày có người tự xưng là người nước ngoài hỏi mua hàng. Tưởng bán được giá cao, ai ngờ dính vào thì mất tiền, mất của.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên