Sau khi bị hiệu trưởng Siraj Ud Doula (ở giữa) quấy rối tình dục vào cuối tháng 3-2019, cô Nusrat Jahan, 18 tuổi đã làm đơn tố cáo ông này - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, cô Nusrat Jahan, 18 tuổi, đã phá vỡ sự im lặng khi khai báo với cảnh sát về việc mình thường xuyên bị hiệu trưởng Siraj Ud Doula quấy rối tình dục.
Vì lời tố cáo này, ngày 6-4, cô bị một nhóm người lừa đưa lên nóc ngôi trường Hồi giáo cô đang theo học. Tại đây, nhóm người này đổ dầu hỏa lên người Musrat, buộc cô rút lại đơn tố cáo. Khi cô kiên quyết từ chối, họ đã nổi lửa thiêu sống cô và tạo hiện trường giả là một vụ tự sát.
Tuy nhiên, Jahan thoát được ra ngoài kêu cứu. Cô bị bỏng 80% và qua đời 4 ngày sau đó. Trong những ngày cuối đời, biết mình khó qua khỏi, Nusrat nhờ người thân quay lại lời tố cáo của mình bằng điện thoại.
Cô chỉ đích danh tên của những kẻ đã tấn công mình và khẳng định "thầy đã sờ soạng tôi, tôi sẽ đấu tranh với hành vi phạm tội này cho đến hơi thở cuối cùng".
Di ảnh của nữ sinh Nusrat Jahan, 18 tuổi, người can đảm tố cáo kẻ thủ ác - Ảnh: Gia đình. Nusrat Jahan cung cấp
Vụ sát hại Nusrat gây rúng động đất nước Bangladesh, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình đòi công lý cho cô. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã đến thăm gia đình cô và khẳng định sẽ đưa tất cả những kẻ giết người ra công lý.
Theo BBC, đây là một trong những phiên tòa nhanh nhất ở Bangladesh vì những vụ xử tương tự trước đó thường mất vài năm.
Sau vụ việc, chính quyền đã hướng dẫn 27.000 cơ sở giáo dục thành lập các uỷ ban chống tấn công tình dục trong nhà trường.
Vụ sát hại Nusrat gây rúng động đất nước Bangladesh, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình đòi công lý cho cô - Ảnh: BBC
Cảnh sát cho biết chính hiệu trưởng Siraj đã ra lệnh giết Nusrat từ trong nhà tù khi đang bị tạm giam. Các bị cáo khác cũng bị kết án tử hình gồm hai nữ sinh cùng lớp và hai lãnh đạo của đảng Awami League cầm quyền.
Một số cảnh sát địa phương cũng cấu kết bằng cách phát tin đồn sai sự thật rằng Nusrat tự tử, nhưng những người này không nằm trong số bị kết án.
Trả lời phóng viên sau phán quyết của tòa án, công tố viên Hafez Ahmed cho biết bản án của tòa án chứng minh không ai đứng trên pháp luật.
Bà Shirin Akhtar, mẹ của nạn nhân Nusrat nói trong nước mắt khi hay tin về bản án: "Không một giây phút nào tôi có thể quên được con gái mình. Tôi vẫn cảm thấy nỗi đau đớn mà con tôi phải chịu đựng."
Mahmudul Hasan Noman, anh trai của Nusrat, cho biết anh mong muốn các bản án nhanh chóng được thực thi và chính quyền có biện pháp bảo vệ cho gia đình anh khỏi bị trả thù.
Anh Noman nói: "Gia đình tôi sống trong sợ hãi và luôn bị đe dọa, ngay cả ở trong phòng xử án ngày hôm nay."
Xâm hại tình dục không phải là chuyện hiếm ở Bangladesh. Tuy nhiên, dũng cảm lên tiếng như cô Nusrat là hiếm vì các nạn nhân thường bị cộng đồng chỉ trích, soi xét và nhận áp lực lớn từ dư luận lên bản thân và gia đình khi lên tiếng tố cáo về xâm hại, quấy rối tình dục.
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của tổ chức Bangladesh Mahila Parishad, một tổ chức vì quyền phụ nữ cho biết: số vụ hãm hiếp trong những tháng gần đây ở Bangladesh tăng lên đáng kể, với 217 phụ nữ và trẻ em bị hãm hiếp trong tháng 9-2019, con số cao nhất của một tháng kể từ năm 2010.
Luật sư bào chữa Giasuddin Nannu cho biết các phạm nhân sẽ kháng án lên toà tối cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận