09/06/2020 12:01 GMT+7

Một tỉnh Trung Quốc 3 năm làm 2.000km cao tốc, Việt Nam 35 năm hơn 400km

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích, không còn lý do để chậm trễ. Chính phủ đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn, chỉ đợi Quốc hội thông qua là triển khai ngay và hoàn thành cuối năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Một tỉnh Trung Quốc 3 năm làm 2.000km cao tốc, Việt Nam 35 năm hơn 400km - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm về việc làm dự án cao tốc Bắc - Nam tại thảo luận tổ Quốc hội sáng 9-6 - Ảnh: N.A.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày sáng nay 9-6 kiến nghị Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Theo đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỉ đồng, trong đó: vốn ngân sách khoảng 78.461 tỉ đồng (55.000 tỉ đồng đã bố trí và cần bổ sung 23.461 tỉ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỉ đồng. Chính phủ khẳng định việc chuyển sang dự án đầu tư công "đảm bảo chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính lãi vay".

Còn nhiều băn khoăn, lo đội vốn chậm tiến độ

Đồng tình với việc phải làm đường cao tốc càng nhanh càng tốt, đại biểu Đỗ Văn Sinh - ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội - phát biểu tại thảo luận tại tổ trong sáng 9-6 rằng Nhà nước cần phải làm những gì khó khăn mà doanh nghiệp không làm, còn lại nên ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội đang xây dựng và phê chuẩn Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại biểu "rất băn khoăn" việc Chính phủ nêu lý do khó huy động vốn, nhưng thực tế cho thấy đã có 19 nhà đầu tư và đều cam kết vào được.

"Chính phủ cho rằng chuyển đầu tư công tiến độ nhanh hơn, giải ngân tốt hơn, nhưng tôi rất khó tin, bởi có chuyển sang cũng không thể nhanh thế được. Trong khi còn có 3 tháng thì anh giải ngân được bao nhiêu, chẳng qua ký hợp đồng xong.

Chưa kể xảy ra hệ lụy là vai trò uy tín của nhà nước, đấu thầu quốc tế 2 lần hủy, nhiều nhà đầu tư tâm tư thì nếu ta làm như vậy liệu có giải quyết được vấn đề hay không?", ông Sinh dẫn chứng đã có những dự án đầu tư công chất lượng công trình và tiến độ dự án kéo dài như đường sắt đô thị kéo dài mấy nhiệm kỳ, bị đội vốn.

Phản biện quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đất nước đang trong quá trình phát triển, nhu cầu đầu tư hạ tầng là rất lớn. Tuy nhiên nguồn lực từ ngân sách rất hạn chế, quy mô nền kinh tế cũng như phát triển còn khó khăn, ngân sách chưa đáp ứng được nên chủ trương phải xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội.

Thực tế thời gian qua đã thực hiện chủ trương này, huy động nguồn lực thực hiện các dự án BOT, thay đổi diện mạo giao thông rất tốt. Tuy nhiên, mặt trái để lại nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, quy hoạch chưa tốt, lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng BOT, năng lực cơ quan nhà nước... đều có vấn đề, gây nên tiêu cực, thất thoát và bức xúc trong nhân dân.

Thay đổi từ cốt lõi, làm cao tốc sớm và không thể chậm trễ

Trong khi đó việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam mang lại nhiều lợi ích lớn, 60% dân số được hưởng lợi, kết nối nhiều hạ tầng sân bay, cảng biển, khu du lịch, văn hóa... góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng nhưng thực tế ta chưa làm được, cả nước mới có 1.039km.

Ông Dũng cho hay nước nào muốn phát triển đều phải làm cao tốc rất nhanh. Đơn cử như Trung Quốc trung bình 3 năm qua chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km. Hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm, "mà lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm đã làm xong rồi".

"Đất nước hôm nay không còn phải thế này nữa, đi từ Vinh 300km ra đây 6 tiếng đồng hồ làm sao có giá thành cạnh tranh, làm sao hội nhập? Phải nhìn từ yêu cầu đất nước, phải thay đổi và từ cốt lõi của nền kinh tế, nên cần phải làm, làm sớm và không còn lý do gì để chậm trễ nữa, đừng bàn chủ trương gì nữa. Chủ trương đã có, quy hoạch có, tiền cũng không vấn đề gì", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Cơ sở để chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công, theo ông Dũng là thực hiện Nghị quyết 52 của Quốc hội, trong trường hợp nếu không đấu thầu được thì chuyển từ PPP sang đầu tư công.

Ông Dũng khẳng định với dự án này, Chính phủ bàn nhiều lần nên chỉ cần Quốc hội cho phép thì tháng 8 khởi công và cuối năm 2021 là xong 3 tuyến này, cũng như bố trí thêm vốn cho 700km còn lại.

Cao tốc Bắc - Nam xin chuyển sang đầu tư công: Chắc chắn triển khai thành công Cao tốc Bắc - Nam xin chuyển sang đầu tư công: Chắc chắn triển khai thành công

TTO - Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông được kiến nghị Quốc hội điều chỉnh 3 dự án hợp phần sang hình thức đầu tư công với số vốn cần bổ sung lên tới hơn 23.000 tỉ đồng.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên