Cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam) đoạn qua huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Cao tốc Bắc - Nam dài 654km được chia ra 8 dự án thành phần có tổng mức đầu tư ban đầu gần 120.000 tỉ đồng. Sau đó được đề xuất giảm còn gần 100.000 tỉ đồng, giảm khoảng 20.000 tỉ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng có thể giảm nhiều hơn nữa khi chuyển sang đầu tư công và tổ chức đấu thầu cạnh tranh.
Rủi ro và nỗi lo chất lượng
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chỉ định thầu theo nguyên tắc chọn nhà thầu có năng lực đảm bảo chất lượng công trình cũng như tiến độ thi công, ưu tiên giao cho các doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng thực hiện.
Thế nhưng chỉ định thầu không có cạnh tranh liệu có thể chọn được nhà thầu có năng lực tốt nhất để có công trình chất lượng tốt nhất không? Dù rằng đã có cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát nhưng nhiều dự án không qua đấu thầu khó đạt hiệu quả cao nhất cũng như xác định được đúng giá thành thật sự. Các dự án được chỉ định thầu rủi ro rất cao, thiệt hại xã hội gánh chịu.
Dự án BOT quốc lộ 1 đoạn qua Bình Thuận báo cáo quyết toán hơn 2.193 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư là 2.608 tỉ đồng. BOT quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai báo cáo quyết toán 1.943 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư là 2.085 tỉ đồng.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có vốn đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ một tháng đã xuất hiện chi chít "ổ gà". Quốc lộ 1 chạy qua Phú Yên làm xong khai thác chưa lâu đã lõm nhiều chỗ. Cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh - Hải Phòng đầu tư 7.000 tỉ đồng vừa thông xe đã lún.
Chậm tiến độ dễ thấy nhất là dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 đã nhiều lần lỡ hẹn, dù được triển khai từ năm 2017. Đến nay cũng chỉ mới lắp đặt xong 40/44 trạm, còn 4 trạm trên các tuyến cao tốc chưa thực hiện được.
Nhiều nguyên nhân chậm trễ hẳn có nguyên nhân chỉ định thầu. Trước đó, dù được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư có tên tuổi lớn xin tham gia, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chỉ định liên danh Tasco - VETC làm nhà thầu dự án này theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Trong quá trình triển khai thực hiện, nhà thầu đưa ra nhiều đòi hỏi và tăng vốn, không được chấp thuận thì kiến nghị trả lại dự án, chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.
Được và mất
Nếu cứ tiếp tục viện lý do "cấp bách" để kịp tiến độ dự án mà áp dụng chỉ định thầu tràn lan, liệu có tránh khỏi hậu quả lãng phí, kém hiệu quả? Chưa kể cái mất lớn hơn là niềm tin trong nền kinh tế thị trường lại thiếu sự cạnh tranh, những nhà thầu có năng lực mất cơ hội nhận dự án qua đấu thầu.
Thực tế cho thấy giữa chỉ định thầu và đấu thầu rút ngắn thời gian không đáng kể. Điển hình theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải trong tổ chức thực hiện 3 dự án đầu tư công cao tốc trước đó, thời gian kể từ thời điểm lập hồ sơ mời thầu đến phê duyệt kết quả đấu thầu mất khoảng 3 tháng, nhưng nếu chỉ định thầu thì mất khoảng 2,5 tháng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam được nhiều nhà thầu trong nước quan tâm, kể cả lúc tổ chức sơ tuyển đấu thầu quốc tế đã có 15 bộ hồ sơ của các nhà thầu có tên tuổi, kinh nghiệm và năng lực đã tham gia và còn nhiều nhà thầu khác có khả năng tài chính và các tập đoàn nổi tiếng chưa tham gia...
Điều rất dễ thấy trong đầu tư, kinh doanh, mua bán sẽ không bao giờ có giá thị trường trong bất cứ trường hợp chỉ định thầu nào, mà chỉ có duy nhất đơn vị hoặc cá nhân được tham gia. Một khi tổ chức đấu thầu, nhà thầu tham dự sẽ tính toán kỹ lưỡng và tận dụng những lợi thế sẵn có như công tác tổ chức quản lý sao cho hiệu quả, công nghệ, thiết bị, nhân công rồi đưa ra giá dự thầu thích hợp để có cơ hội trúng thầu.
Cao tốc Bắc - Nam dù được đầu tư theo hình thức PPP hay đầu tư công cũng có điểm chung thuận lợi để tổ chức đấu thầu, đó là đã có nhiều nhà thầu tư nhân vượt qua vòng sơ tuyển 7/8 dự án. Nếu chỉ định thầu hẳn sẽ phải hủy bỏ kết quả sơ tuyển, lãng phí công sức trong thời gian dài, ít nhiều giảm sút uy tín và niềm tin trong thu hút kêu gọi đầu tư.
8 dự án cao tốc Bắc - Nam có rất nhiều gói thầu xây lắp, các đoạn tuyến quan trọng có yếu tố an ninh quốc phòng có thể được chỉ định thầu cho doanh nghiệp xây dựng của Bộ Quốc phòng. Những đoạn tuyến còn lại nên áp dụng đấu thầu rộng rãi để tạo cơ hội cạnh tranh công bằng, chọn nhà thầu có năng lực tốt nhất, thay vì chỉ định thầu tất cả. Hơn nữa, dự án đang vướng giải phóng mặt bằng, khâu này thường mất nhiều thời gian. Rút ngắn thời gian thực hiện dự án không chỉ ở giai đoạn chọn nhà thầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận