20/11/2017 15:00 GMT+7

Một số câu hỏi về chủng ngừa

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Mọi người đều cần phải chủng ngừa để được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Một số câu hỏi về chủng ngừa - Ảnh 1.

1. Cần phải chủng ngừa những bệnh nào?

Hiện nay, nhiều bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh, nhờ đó số người bị những bệnh này đã giảm xuống rõ rệt. Một số các bệnh cần chủng ngừa như:

- Các bệnh được chủng ngừa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia:

+ Tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi: phòng bệnh Lao, Bại liệt, Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà, Viêm màng não do Hib, Viêm gan B, Sởi.

+ Tiêm chủng cho trẻ trên 1 tuổi: phòng bệnh Viêm não Nhật Bản. Ngoài ra còn tiêm bổ sung, nhắc lại phòng bệnh Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà; Sởi và Rubella cho trẻ được 18 tháng tuổi.

+ Tiêm chủng cho phụ nữ có thai: phòng bệnh Uốn ván cho thai phụ và Uốn ván sơ sinh cho trẻ mới sinh.

- Chương trình triển khai miễn phí và được thực hiện tại tất cả các trạm y tế phường xã, các bệnh viện công lập có khoa Nhi và khoa Sản.

Ngoài ra tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân được phép tổ chức tiêm ngừa như tại các bệnh viện, các trung tâm y tế thuộc hệ dự phòng, các trung tâm y tế quận huyện có thực hiện tiêm nhiều loại vắc xin phòng bệnh có thu phí cho tất cả những người có nhu cầu tiêm chủng phòng bệnh như Viêm gan A, Viêm gan B, Viêm não Nhật Bản, Thương hàn, Quai bị, Sởi, Rubella, Thủy đậu (Trái rạ), Viêm màng não mủ do não mô cầu hoặc phế cầu, Cúm, Viêm phổi, vắc xin phòng Dại…

2. Ngoài những tác dụng có lợi, chủng ngừa có thể dẫn đến những tác dụng phụ nào và những tác dụng phụ đó ra sao?

Cũng như các loại thuốc khác, vắc xin có thể gây ra một số tác dụng phụ còn gọi là những phản ứng sau tiêm chủng. Các phản ứng phổ biến sau tiêm chủng: sốt và sưng - đỏ - đau tại chỗ tiêm; những phản ứng này thường nhẹ và sẽ khỏi 2-3 ngày sau tiêm ngừa. Những phản ứng nặng có thể xảy ra như sốc phản vệ; nhưng những phản ứng này rất hiếm khi xảy ra.

Trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế sẽ trao đổi với người được tiêm chủng hoặc cha mẹ của trẻ về tiền sử bệnh và những phản ứng sau tiêm chủng trước đó để có thể hạn chế đến mức thấp nhất các phản ứng sau tiêm vắc xin.

Nhưng một điều quan trọng cần lưu ý là bị bệnh truyền nhiễm thì sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với những phản ứng do việc tiêm chủng gây ra.

3. Những đối tượng nào cần phải chủng ngừa?

Mọi người đều cần phải chủng ngừa để được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các đối tượng cần ưu tiên được chủng ngừa bao gồm: trẻ em; thai phụ; phụ nữ trong tuổi sinh đẻ; người lớn có nguy cơ tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, nhất là ở người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi có bệnh mãn tính. Những đối tượng này, nếu mắc bệnh thì có nhiều nguy cơ bệnh trở nặng.

Việc tiêm ngừa có thể hoãn tạm thời đối với những người đang có tình trạng nhiễm trùng cấp tính hoặc chống chỉ định tiêm chủng đối với người dị ứng với những thành phần của vắc xin hoặc có phản ứng nặng với mũi tiêm vắc xin trước đó.

Các vắc xin sống thường không được tiêm cho phụ nữ có thai. Vì vậy trước khi tiến hành tiêm ngừa cho một người cần có bác sĩ thăm khám và chỉ định lịch tiêm chủng phù hợp.

4. Xử trí như thế nào khi bị những tác dụng phụ sau chủng ngừa?

Tất cả các trường hợp tiêm vắc xin cần phải được theo dõi sức khỏe ít nhất trong vòng 24 giờ.

Tuỳ theo loại tác dụng phụ sau khi chủng ngừa sẽ có những cách xử trí khác nhau.

- Đối với những phản ứng nhẹ như sưng đau tại chỗ tiêm và sốt nhẹ: có thể xử trí tại nhà và các biểu hiện này sẽ khỏi trong vòng 1, 2 ngày.

- Đối với trẻ nhỏ, dưới 1 tuổi

+ Cho trẻ uống nhiều dịch, cho bú hoặc uống nhiều hơn.

+ Có thể cho uống thuốc hạ sốt như Paracetamol.

+ Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm vì có thể gây nhiễm trùng.

- Đối với những phản ứng nặng hơn như sốt cao, co giật, tím tái, nổi ban, khó thở, thở khò khè, khóc nhiều không dứt… cần phải đưa đến ngay bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị thích hợp.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên