20/05/2019 08:00 GMT+7

Một nhà giáo sống trọn vẹn chữ nhân

Kim Ngân
Kim Ngân

Dưới các đời vua Khải Định và Bảo Đại trong triều đình Huế có một Hàn Lâm Viện Học sĩ, chức vụ Biên Tu tên là Lê Viết Mưu. Ông có dáng mạo tao nhã, học thức uyên thâm

100 NĂM - NHỚ VỀ MỘT NHÂN CÁCH

Ông thường được nhà vua mời dự các buổi tiếp khách nước ngoài. Ông cùng người vợ của mình là Bà Trần Thị Ngô đã hạ sinh được 7 người con gồm 5 trai và 2 gái.

Ông Lê Viết Mưu là đời thứ 6 của dòng họ Lê Viết di cư từ Thanh Hóa vào Nam. Bảy người con lần lượt có tên là Tùng, Đào, Huệ, Vân, Hoàng, Nguyên, Quán.

Trong số những người con ấy có Nhà giáo Lê Mộng Đào, Pháp danh Tâm Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Tư thục Bồ Đề - Huế, Nguyên Chủ tịch Danh dự Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Ông sinh ngày 5-5-1919 tại làng Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thiếu thời Ông học trường Chaigneau, trường An Cựu và trường Quốc học Huế.

Ông đỗ Tú tài, thông thạo và là thầy dạy tiếng Pháp. Đến năm 1942, Ông kết hôn cùng Bà Trần Thị Tuyết và sau đó hạ sinh được 13 người con. Đến nay còn lại 11 người con và tổng cộng có đến 76 con, cháu, chắt và dâu rể.

Trước năm 1975, Ông là thành viên sáng lập Niệm Phật đường Phú Lâu thuộc Tỉnh hội Việt Nam Phật học Thừa Thiên - Huế. Đến năm 1952, Cư sĩ Lê Mộng Đào được cử làm Hiệu trưởng trường Trung học Tư thục Bồ Đề - Huế cho đến năm 1967. Ông là cư sĩ duy nhất giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Bồ Đề; một trường thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

Ông đã sát cánh với Hoà Thượng Thích Trí Quang trong suốt thời kỳ tranh đấu của Phật giáo tại Huế. Trong chức vụ hiệu trưởng

Ông không chỉ phát triển trường Bồ Đề Huế từ một dãy nhà tranh thành một ngôi trường đồ sộ hai tầng đúc bê tông cốt thép mà còn phát triển thêm một chi nhánh trường Bồ Đề Đệ Nhị cấp (nay gọi là trường trung học cấp 3) bên Hữu ngạn sông Hương và còn giúp Giáo hội mở rộng mô hình trường Tư thục Bồ Đề ở nhiều tỉnh thành khác trong miền Nam.

Với tính khiêm nhường, chưa bao giờ Ông nói về công trạng của mình nhưng rõ ràng thành công của Ông trong việc giúp Giáo hội mở rộng ảnh hưởng của văn hoá Phật giáo qua việc nhanh chóng phát triển hệ thống trường học là một trong những nguyên nhân khiến chế độ Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách kỳ thị tôn giáo.

Năm 1964, với uy tín cao, Ông đã được bầu vào Hội đồng Nhân dân Thị xã Huế và được cử làm chức vụ chủ tịch. Trong chức vụ này Ông đã làm được nhiều việc cho Huế, trong đó có việc chỉ đạo lập dự án và đích thân vận động Bộ Công chánh cho xây Cầu Phú Xuân.

Năm 1967, Ông vẫn tiếp tục đứng về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam đấu tranh cho nhân quyền và đã bị chế độ cũ cách chức Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Huế. Trong hoàn cảnh đó, mặc dù tình quê hương rất sâu nặng, Ông Bà đã có một quyết định dũng cảm là đưa cả gia đình vào Nam sinh sống.

Nơi đất khách quê người, với một số vốn ít ỏi nhờ sự giúp đỡ hết lòng của Hoà Thượng Thích Trí Quang và bà con bạn bè thân hữu; Ông Bà đã bươn chải, tảo tần sinh sống bằng nghề bán thuốc tây, mở trường, dạy học, làm bánh, mứt và sản xuất hộp quà tết để lo cho con ăn học thành tài.

Người con trai thứ hai Lê Viết Hào sau khi đỗ ưu hạng Tú tài 2 đã trở thành một trong ba sinh viên xuất sắc nhất được chính phủ Nhật cấp học bổng và đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành điện tử tại Nhật.

Ông Lê Viết Hào là người sáng lập và là Chủ tịch Công ty CIC (Content Interface Corporation) nổi tiếng với phần mềm lưu trữ và truy xuất hình ảnh tốc độ cao theo trực quan. Con trai thứ ba Lê Viết Hải là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam.

Cháu đích tôn Lê Viết Minh (con Ông Lê Viết Hưng) tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc và nay là giáo sư tin học tại Đại học Monash Melbourne Australia. Ông Lê Viết Hà, con trai út, cũng có một người con trai xuất sắc tên Lê Nguyễn Thuận An (ANLE Photographer) là một nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng tại New York, Mỹ.

Ông đã mất vào ngày 4 tháng Tư năm 2006. Từ năm 2008, Quỹ Hỗ trợ Giáo dục mang tên Ông do Bà Trần Thị Tuyết và các con đồng sáng lập, hằng năm trao tặng hàng ngàn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó.

Ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc chấn hưng Phật giáo bao gồm hỗ trợ trùng tu xây dựng chùa chiền, xây dựng học viện, ấn tống kinh sách, tài trợ học bổng cho tăng ni sinh. Riêng đối với con cháu và Các thành viên Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Ông đã làm trọn vẹn vai người Cha, người Ông, người Chủ tịch gương mẫu cho hậu thế noi theo.

TP.HCM tặng Bằng khen cho Quỹ HTGD Lê Mộng Đào

Tối ngày 16/05, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã tổ chức "Đêm Tưởng niệm 100 năm ngày sinh Nhà giáo - Cố Chủ tịch Danh dự Lê Mộng Đào (5-5-1919 - 5-5-2019).

Một nhà giáo sống trọn vẹn chữ nhân - Ảnh 3.

Ông Lê Viết Hải trình bày ca khúc "Ru Cha" do chính ông sáng tác

Tại Đêm Tưởng niệm 100 năm ngày sinh của ông, UBND TP.HCM đã trao tặng Bằng khen cho Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Lê Mộng Đào với những thành tích trong công tác chăm lo cho giáo dục và công tác xã hội thiện nguyện của thành phố trong 10 năm qua.

Năm 2008, thực hiện tâm nguyện của Nhà giáo - Cố Chủ tịch Danh dự Lê Mộng Đào, gia đình và tập đoàn Hòa Bình đã thành lập Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Lê Mộng Đào. Hơn 10 năm hoạt động, Quỹ đã trực tiếp trao tặng hàng ngàn suất học bổng "Đồng hành Chắp cánh ước mơ", tiếp sức cho hàng ngàn học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trên 33 tỉnh thành trong cả nước.

Riêng trong ba năm (từ 2016-2018), Quỹ trao tặng 2.861 suất học bổng với tổng giá trị 7,17 tỷ đồng cho các học sinh sinh viên hiếu học.

Một nhà giáo sống trọn vẹn chữ nhân - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Kim Thoa, nguyên Chủ tịch Điều hành Quỹ HTGD Lê Mộng Đào, đại diện nhận bằng khen của UBND TP.HCM

Tại buổi lễ, Tập đoàn và Quỹ Hỗ trợ Giáo dục Lê Mộng Đào đã trao tặng 100 suất học bổng cho con em của CBCNV Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đạt thành tích học tập xuất sắc trong năm học 2018-2019.

Đặc biệt, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland trao tặng 100 tủ sách thư viện cho các trường học vùng sâu, vùng xa; phối hợp cùng chùa Vạn Đức (TP.HCM) trao tặng 100 giếng nước sạch cho vùng sâu, vùng xa; đồng thời triển khai cải tạo và nâng cấp 100 nhà vệ sinh cho các trường học các vùng nghèo khó. Các chương trình này sẽ được tập đoàn thực hiện trong những năm tới.

Một nhà giáo sống trọn vẹn chữ nhân - Ảnh 5.

Tiếp tục đồng hành các chương trình thiện nguyện

Đêm Tưởng niệm là dịp tri ân và tưởng nhớ ông, một nhân cách cao cả đã đặt nền móng đến văn hóa doanh nghiệp đầy tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ngày hôm nay.

Một nhà giáo sống trọn vẹn chữ nhân - Ảnh 6.

Khách mời xem triển lãm về thân thế và sự nghiệp nhà giáo Lê Mộng Đào tại sự kiện

Chia sẻ tại đêm tưởng niệm, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xúc động bày tỏ: "Một thế kỷ với bao thăng trầm của đất nước, nhìn lại cuộc đời ông cũng là lúc ta ôn lại một trăm năm của lịch sử nước nhà. Nhớ lại một thời nhiều biến cố và đầy gian khó của đất nước chúng ta. Trong đó cha tôi cụ ông Lê Mộng Đào cũng là một phần của lịch sử. Cả đời ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hết lòng phụng sự cho xã hội".

Ca khúc Ru Cha và Ru Mẹ do ông Lê Viết Hải sáng tác và trình bày tại đêm tưởng niệm.

BÀI HÁT RU CHA

BÀI HÁT RU MẸ

Kim Ngân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên