Nghị quyết trung ương vừa qua yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là điều cần thiết nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn.
Thực tế để xây dựng thiết chế mới không đơn giản và dễ làm, bởi thiết chế đó phải phù hợp với thể chế chính trị cũng như thực tiễn của nước ta. Tuy nhiên dù khó nhưng vẫn có thể làm được. Điều quan trọng nhất phải xác định rõ nguyên tắc quan trọng là mọi quyền lực cần phải được kiểm soát bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm.
Cơ chế ở đây chính là các quy định của Đảng, chính sách, quy định pháp luật. Trong đó Đảng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định cụ thể, chi tiết để làm sao kiểm soát được quyền lực của các đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời phải xác định quyền lực, vị trí càng cao, việc kiểm soát quyền lực càng phải được coi trọng, nhấn mạnh.
Cùng với đó phải thể chế hóa việc kiểm soát quyền lực bằng các chính sách pháp luật cụ thể. Pháp luật phải làm sao xác định rõ những hành vi bị cấm, không được làm và những hình phạt thích đáng đối với những hành vi lạm quyền, lộng quyền, sử dụng quyền lực để trục lợi cho bản thân, gia đình.
Tới đây khi xem xét sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng cần thêm những quy định cụ thể hơn để xác định rõ vấn đề kiểm soát quyền lực với cán bộ, công chức.
Khi xây dựng thiết chế mới kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên, phải kiểm soát cho được cả với người thân, người nhà của họ. Thời gian qua không ít cán bộ, đảng viên đã chuyển tiền, tài sản tham nhũng sang cho bố mẹ, vợ con, anh em nhằm che giấu, tẩu tán.
Chưa kể nhiều người còn cậy thế, cậy quyền "làm quan" của người thân để có hành vi trục lợi, nhận hối lộ... Vì vậy phải xác định từ "một người làm quan cả họ được nhờ" thì cũng cần kiểm soát quyền lực với "cả họ".
Một vấn đề khác cần quan tâm là phải kiểm soát cho được thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đây là vấn đề thời gian qua còn nhiều hạn chế và từ việc chưa kiểm soát tốt đã tạo "kẽ hở" cho tham nhũng, tiêu cực.
Hiện nay ở không ít nước, nếu cán bộ, công chức có tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc sẽ bị tịch thu, xử lý. Tuy nhiên ở nước ta việc này chưa thực hiện được do vướng các quy định pháp luật. Do vậy cần xem xét sửa đổi các quy định để các cơ quan kiểm soát tài sản có thể tịch thu được tài sản bất minh của cán bộ công chức khi phát hiện ra.
Bên cạnh đó việc bốc thăm để xác minh tài sản, thu nhập hằng năm với số người được chọn phải bảo đảm ít nhất 10% số có nghĩa vụ kê khai hằng năm mới chỉ là giải pháp ngắn hạn. Còn lâu dài phải kê khai, xác minh hằng năm đối với tài sản, thu nhập của tất cả cán bộ, công chức, đảng viên. Làm tốt được việc này sẽ góp phần kiểm soát quyền lực.
Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý sử dụng tài chính, tài sản công. Đồng thời phải thực hiện cho được "4 không" trong phòng, chống tham nhũng gồm "không thể, không dám, không cần, không muốn".
Bên cạnh đó phải phát huy cho được vai trò tham gia giám sát quyền lực của nhân dân, báo chí. Khi toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội đồng lòng thì hiệu quả của công tác này sẽ đạt cao nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận