Xe buýt trên đường Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng chủ nhật, ngày cuối tuần khá rảnh rỗi, bỗng dưng tôi muốn dạo vòng quanh TP.HCM bằng xe buýt như một kiểu "du lịch" vừa tranh thủ trải nghiệm xem có thể chọn xe buýt làm phương tiện đi làm sau này.
Tôi đi bộ ra trạm xe buýt trước Bệnh viện Thống Nhất, quận Tân Bình để bắt đầu cuộc hành trình trong khi còn bỡ ngỡ không biết phải bắt chuyến nào để đi sân bay. Một bạn sinh viên cùng đứng chờ xe đã giới thiệu tôi phần mềm BusMap.
Chỉ cần nhập điểm đi và điểm đến, số lần muốn chuyển trạm, ứng dụng sẽ hiển thị tuyến xe buýt phù hợp cho người dùng. Không chỉ vậy, tôi dễ dàng tra cứu được những nơi xe buýt đi qua, theo dõi lịch trình cũng như đánh giá chất lượng mỗi xe.
Tôi chợt nhớ lần đi xe buýt đầu tiên của mình, nếu biết có phần mềm BusMap sớm hơn có lẽ tôi đã không bỏ cả buổi học vì bắt nhầm hướng xe buýt đến trường.
Phần mền BusMap giúp hành khách thuận tiện tra cứu tuyến xe - Ảnh: THẢO LÊ
Tôi lên xe tuyến 119 sau hơn 15 phút đợi tại trạm. Tôi mua vé giá 12.000 đồng/nửa chặng để đến ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.
Vì giờ trưa nên chiếc xe khá vắng, tôi chọn ngồi hàng ghế cuối cùng trên xe. Trên dãy ghế là vỏ chai nước lau sàn, dưới lối đi là dụng cụ vệ sinh, các thùng hàng lớn đặt lung tung. Tôi lấy chân hất chúng qua một bên và ngồi vào ghế.
Dụng cụ vệ sinh đặt lung tung trên chuyến xe buýt số 119 - Ảnh: THẢO LÊ
Chiếc xe nhìn phía ngoài khá mới với màu vàng nổi bật nhưng chất lượng lại khá kém. Xe rung lắc mạnh, tiếng cọt kẹt rõ to kèm theo đó là tiếng trò chuyện ồn ào của tiếp viên và tài xế. Chưa kể mùi hôi của hàng hoá còn phảng phất cùng mùi máy lạnh nghe buồn nôn.
Tôi tò mò nhìn những chiếc hộp màu đỏ gắn trên xe. Chú hành khách trung niên ngồi cạnh bảo với tôi rằng: "Hộp đựng gậy đập kính đấy, hộp thì có mà gậy thì không thấy. Hướng dẫn cũng bằng tiếng Anh luôn, bó tay". Tôi cười và liếc nhìn xung quanh, đúng thật, lần đầu tiên tôi biết đến chiếc hộp dựng gậy đập kính thoát hiểm này.
Mất khoảng 15 phút từ Bệnh viện Thống Nhất đến Sân bay Tân Sơn Nhất. Xe dừng tại bến khá lâu để nhân viên nhà xe thay ca, chuyển các thùng hàng. 15 phút trôi qua, tiếp viên ca 2 lên xe và bán lại vé.
Điểm đến tiếp theo cho hành trình của tôi là Bệnh viện Răng Hàm Mặt (quận 5) với chiếc vé 20.000 đồng vừa mua. Mất gần 30 phút di chuyển, tôi xuống trạm bệnh viện, một trạm khá cũ và bẩn. Bản tra cứu lộ trình đặt tại trạm dính đầy bụi, xung quanh là rác thải của những xe bán hàng, sàn nứt nẻ, ghế đầy vết bẩn. Tôi đứng ra phía lề đường để tiếp tục tra cứu BusMap để tìm chuyến xe đi Công viên 23 Tháng 9.
10 phút đợi, xe tuyến 45 cuối cùng cũng đến. Vì đoạn đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) khá đông đúc, xe khó vào trạm nên chỉ dừng chớp nhoáng giữa đường, chị tiếp viên thò đầu qua cửa sổ thúc giục: "Lẹ chân em ơi, kẹt xe quá!".
Phía trước xe là một nhóm bạn trẻ ngồi chiếm luôn phần ghế dành cho người già và người khuyết tật. Lát sau, một bà cụ lên xe, nhóm bạn trẻ này ngẩng mặt rồi... làm ngơ. Cụ già vừa lên, xe đã phóng đi lập tức, cụ hốt hoảng níu vào một thanh sắt và khó khăn di chuyển đến tận cuối xe để tìm chỗ ngồi.
Tôi hỏi một bạn sinh viên ngồi cạnh: "Sao mấy bạn kia không nhường chỗ cho cụ nhỉ? Đó là phần ghế dành cho cụ mà". Bạn nữ hồn nhiên trả lời: "Xe vẫn còn chỗ trống mà, bao giờ xe hết ghế thì mấy bạn ấy mới nhường. Dán mấy cái hình cho vui vậy thôi chứ nào giờ có thấy phân biệt chỗ ngồi cho người già đâu".
Cụ ngồi phía trên tôi một ghế, thoáng thấy cụ cũng phải trả 6.000 đồng để mua vé. Tôi thắc mắc hỏi cụ: "Cụ nhiêu tuổi rồi ạ? Cụ không được miễn phí vé ạ?".
Cụ trả lời: "À bà 76. Bà không thường xuyên đi xe nên không biết. Lâu lâu đi khám bệnh thôi. Mà có 6.000 bà trả cho nhanh chứ có nhiều đâu". Tôi ngỡ ngàng trước câu trả lời của cụ, không biết nói gì thêm rồi im lặng nhìn dòng xe tấp nập.
Xe ghé trạm Công viên 23 Tháng 9, tôi đi bộ đến trạm Hàm Nghi, quận 1 để bắt xe về Tân Bình. Trạm Hàm Nghi sạch đẹp, bảng điện tử chỉ dẫn lắp đặt khá hiện đại và tiện nghi. Tôi ngồi trạm khá lâu để quan sát.
Thấy ai trên xe xuống cũng mang ba lô ra phía trước, tôi hỏi một chú bên cạnh: "Xe móc túi nhiều lắm hay sao mà mọi người đều mang ba lô ngược vậy chú?". Người đàn ông trả lời: "Đúng rồi con, xe buýt móc túi ghê lắm. Tụi nó đi thành nhóm ấy chứ. Nhiều lúc thấy tụi nó móc mà mình còn không làm gì được, mấy đứa đi cùng nhìn mình chằm chằm. Con đi xe 8, 148, xe đông đông tí là dễ mất đồ lắm".
Nghe chú chia sẻ, tôi cũng đôi chút lo lắng, quay ba lô ra phía trước và tiếp tục quan sát những chiếc xe nối đuôi nhau vào trạm. Ngồi trạm hơn nửa tiếng, tôi lên xe số 4 để về đường Cách Mạng Tháng Tám.
Chuyến xe khá chật chội, đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám lại thường xuyên kẹt xe, bác tài có chút bực bội bóp kèn inh ỏi. Nhiều lúc xe lấn qua làn xe máy, len lách từng khe hở trên đường. Ngó đồng hồ, thời gian trôi nhanh mà đoạn đường xe đã đi ngắn ngủn.
Ôm chặt chiếc ba lô phía trước, tôi ra hiệu dừng xe. Chiếc xe khó khăn mới ghé trạm, tôi vừa xuống là một nhóm người khác lại ào lên. Chiếc xe đã chật nay lại càng không có chỗ thở, dưới đường tôi còn nghe tiếng quát của chị nhân viên: "Ai chưa mua vé?" "Tránh đường cho chị đi qua!".
Tôi nhìn hành khách đông đúc trên xe, lại nhìn dòng xe máy chen chúc dưới đường mà phân vân: Tình hình này, chọn xe buýt để đi học, đi làm liệu có khả thi?
Ai có kinh nghiệm đi học, đi làm bằng xe buýt, cho tôi lời khuyên với!
Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông
Chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc email: chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn .
Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận