13/12/2020 08:12 GMT+7

Một ngày nồng ấm hương vị phở

NHƯ BÌNH - THIÊN ĐIỂU
NHƯ BÌNH - THIÊN ĐIỂU

TTO - Hôm qua 12-12 - Ngày của phở, những người yêu phở Việt ở Hà Nội đã được sống một ngày trọn vẹn trong không khí náo nức, nồng ấm của hương vị phở.

Một ngày nồng ấm hương vị phở - Ảnh 1.

Ông Vũ Ngọc Vượng (bên trái) chủ cửa hàng phở Ngọc Vượng đang giới thiệu cho các vị khách mời cách tạo ra những miếng bánh phở thơm ngon - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Các gian hàng phở hết "sạch sành sanh", phải tiếp tế liên tục và phở cũng đã trở thành cái cớ để bắt đầu những câu chuyện rôm rả.

Tôi vẫn mong có những doanh nhân giỏi nâng phở Việt lên tầm mới, giá trị gia tăng cao hơn. Những người này thuyết phục được thực khách sẵn sàng bỏ 1 triệu, 2 triệu đồng để ăn phở, để có thương hiệu phở cao cấp. Đó không chỉ là ăn một bát phở mà cả những giá trị văn hóa hàm chứa trong đó.

Ông Trương Gia Bình (chủ tịch Tập đoàn FPT)

Từ sáng sớm 12-12, không gian Ngày của phở tại trung tâm AEON Mall Hà Đông đã thơm lừng hương phở. Đó là phở của 8 thương hiệu danh tiếng như phở Thìn, phở Ngọc Vượng, phở Đạo, phở Sâm Ngọc Linh, phở Nam Định... cùng 20 hương phở của 20 thí sinh của cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2020".

Phở "cháy hàng"

Hàng ngàn bát phở đã được phục vụ những thực khách, người yêu phở với giá 10.000 đồng. Tất cả số tiền thu được sẽ được dành tặng cho trẻ em vượt khó, học giỏi tại huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Các tiệm phở đều "cháy hàng" sớm khi đến giữa trưa, nhiều gian hàng phở đã không còn nước dùng, phải điều động nước dùng phở, thịt ở nhà tiếp tế. Càng về chiều, lượng người đổ về khu vực diễn ra Ngày của phở càng đông. Trước các hàng phở, dòng người xếp hàng chờ mua với vẻ háo hức.

Gia đình nhà bà Tâm (Hà Đông) cho biết đã đến ngày hội từ trưa và thưởng thức được 3 bát phở nhưng của cùng một thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ. "Ăn phở là theo gu, nhà tôi rất thích nước xúp của phở Thìn Bờ Hồ nên hôm nay tranh thủ ăn cho đã" - bà Tâm cho biết. Điều thú vị là hai cháu của bà Tâm đi cùng thích món mì trộn của Acecook.

Tiệm phở Nam Định xưa bán chạy đến mức chỉ trong gần 30 phút, cả trăm bát phở được tiêu thụ sạch. Gian hàng phở Ngọc Vượng cũng phải tăng nước dùng phở liên tục từ 200 lên 300 bát nhưng vẫn không đáp ứng kịp đành "đóng cửa" sớm.

Anh Vũ Ngọc Vượng, chủ quán phở Ngọc Vượng, cho biết nhiều năm gắn bó Ngày của phở và qua mỗi lần tổ chức, người tham dự lại đông hơn, không chỉ là người yêu phở mà cả những người sành phở, am hiểu về phở. "90% người Việt đều biết đến món phở nhưng tự hào phở như món ăn đại diện cho dân tộc, văn hóa VN lại chưa nhiều. Và Ngày của phở trở thành nơi tập hợp các cộng đồng này lại" - anh Vượng nói.

Tại gian hàng phở Nam Định, ông Đặng Ngọc Bích - thí sinh đoạt giải Hoa hồi vàng năm 2019 với món phở xốt vang trứ danh - luôn tất bật thái thịt, tưa sợi phở sẵn sàng phục vụ thực khách. "Năm ngoái tôi là thí sinh cao tuổi nhất (70 tuổi) và năm nay tôi quay lại với vai trò gian phở đồng hành cùng ban tổ chức, sẵn sàng phục vụ hơn 200 bát phở trong ngày hôm nay" - ông Bích cho biết.

Năm thứ hai tham gia chương trình Ngày của phở, phở Sâm Ngọc Linh mang đến những bát phở ngon miệng và bổ dưỡng từ vùng đất phương Nam thết đãi người dân thủ đô, đây là gian phở "cạn nước" sớm nhất. Chị Trần Thị Lan - đại diện thương hiệu phở Sâm Ngọc Linh - cho biết Ngày của phở đã xóa đi khoảng cách nghi ngại phở Bắc - Nam của những người kinh doanh phở, trở thành sân chơi, nơi giao lưu cho giới trong nghề.

Một ngày nồng ấm hương vị phở - Ảnh 3.

Cả ngàn thực khách thưởng thức phở tại Ngày của Phở ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Tôn vinh nông sản Việt

Quan sát các gian hàng phở, ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty Acecook VN - cho biết rất thích các gian phở trong năm nay. Từ nguyên liệu thịt đến cách bài trí, phong cách chủ quán... đều rất chuyên nghiệp và rất hấp dẫn. "Tôi nhìn thấy sự tự hào, háo hức của những người đến dự hôm nay" - ông Kajiwara Junichi nói.

Là vị khách bất ngờ đến Ngày của phở, ông Trương Gia Bình - chủ tịch Tập đoàn FPT - cho biết mình là "fan cuồng" của món phở và "bật mí" phở còn là cứu tinh cho những thương vụ làm ăn lớn của FPT những ngày đầu. Theo ông Bình, sau những lần thất bại khi bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế, ít ai biết rằng thành công của doanh nghiệp này lại đến từ ẩm thực VN.

Việc đưa một món ăn đặc trưng của dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế, cũng là cách để thúc đẩy gia tăng giá trị cho những nguyên liệu, nông sản tạo nên món ăn đó.

"Rất nhiều đối tác nước ngoài từng nghi ngại về sản phẩm công nghệ của VN, nhưng sau khi được thưởng thức món ăn VN, họ hiểu người Việt rất tinh tế. Nếu đã giỏi về nấu ăn, sở hữu một kho ẩm thực ngon lành như thế thì ắt hẳn cũng sẽ tinh tế về sản xuất phần mềm. Và thực tế, thành công của ngành sản xuất phần mềm hôm nay có dựa phần nào vào ẩm thực Việt" - ông Trương Gia Bình nói.

Cũng theo ông Bình, phát triển ẩm thực là để gia tăng giá trị nông sản Việt. Nếu người nước ngoài mê nem (chả giò) Việt họ sẽ mua bánh đa, mê phở thì sẽ mua bánh phở. Đó là những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn hạt gạo rất nhiều và không ai có thể cạnh tranh những sản phẩm như vậy của VN. Cách phát triển này cũng là bệ đỡ cho xuất khẩu nông sản.

Nhìn lại các chuỗi hoạt động Ngày của phở vừa qua, ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng Ngày của phở "năm sau đông vui hơn năm trước" là niềm vui cho những người thực hiện khi món phở đã được lan tỏa, nhiều người biết đến hơn. "Chúng ta càng hiểu hơn rằng tôn vinh phở cũng là tôn vinh nông sản, ẩm thực Việt, đưa món phở không chỉ đi xa mà còn nâng cao giá trị văn hóa, kinh tế" - ông Lê Xuân Trung nói.

Tối 12-12, gala phở "Thăng hoa ẩm thực Việt" đã vinh danh 10 quán phở được ưa thích nhất năm 2020. Đây là những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.

"Đi tìm người nấu phở ngon 2020"

* Vinh danh 10 Hoa hồi vàng

Theo đại diện ban tổ chức, cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2020" đã ghi nhận tinh thần, sự nhiệt huyết của các thí sinh và cả người nhà thí sinh. Sự đồng hành này đã nói lên tình yêu phở của những người tham gia, góp phần lan tỏa món phở trong đời sống.

Trải qua nhiều giờ thi đầy cam go với sự tận tâm của những người nấu phở, ban giám khảo đã chọn ra những người nấu phở ngon nhất 2020. Nghệ nhân Ánh Tuyết, thành viên ban giám khảo, cho biết hoàn toàn bị các thí sinh chinh phục không chỉ ở nước phở ngon mà tinh thần, tình yêu của họ dành cho món phở.

"Phở ngon không chỉ nằm ở kỹ thuật nấu, chọn nguyên liệu nấu mà chính là ở "cái tay" hay "cái tâm" người nấu. Những đầu bếp ngày hôm nay đã thể hiện được sự chân thành ấy" - bà Ánh Tuyết nói.

* Top 5 Hoa hồi vàng dành cho những người nấu phở chuyên nghiệp:

Nguyễn Hữu Dương, Nguyễn Tiến Đức, Lê Đức Huy, Nguyễn Ngọc Khánh Thy, Nguyễn Tự Tin.

* Top 5 Hoa hồi vàng dành cho những người nấu phở bán chuyên:

Đỗ Biên, Nguyễn Thị Thanh Hà, Nguyễn Thị Trúc Linh, Phạm Hồng Tân, Nguyễn Thị Khánh Thủy.

Chân dung những Hoa hồi vàng 2020

ngaycuapho

Ban tổ chức trao giải thưởng hoa hồi vàng 2020 (bảng dành cho các thí sinh chuyên nghiệp) cho các thí sinh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Người vui nhất khi giành Hoa hồi vàng hạng mục chuyên nghiệp năm nay có lẽ là Nguyễn Tự Tin. Bởi trong hai năm liên tiếp, hai anh em Tự Tin của thương hiệu phở Sâm Ngọc Linh đều lần lượt giành giải Hoa hồi vàng.

Tuy thế, anh cho biết dù được giải hay không cũng rất vui bởi anh "quá thích chương trình Ngày của phở của báo Tuổi Trẻ bởi nó quá ý nghĩa". Anh đi thi vì muốn được sống trong không khí yêu phở, tôn vinh phở và nông sản Việt ở Ngày của phở cũng như ý nghĩa nhân văn của chương trình này khi mang phở ngon đến với trẻ em nghèo.

Tham dự Ngày của phở hai năm nay, Tự Tin cho biết đã học hỏi được rất nhiều từ những người rất nhiệt huyết và có tâm với việc tôn vinh ẩm thực Việt, nông sản Việt. Đặc biệt, anh đã được truyền cảm hứng rất nhiều để nuôi dưỡng khát vọng mang phở và nhiều nông sản tuyệt vời của VN ra khắp năm châu.

Nguyễn Tiến Đức cũng là một Hoa hồi vàng đặc biệt của năm nay khi cháu của anh cũng giành Hoa hồi bạc hạng bán chuyên. Từng làm công việc marketing khá thuận lợi, nhưng vài năm trước hai vợ chồng anh Đức quyết định bỏ nghề, tự mày mò học nấu phở để mở thương hiệu Phở Nhà, hiện đã có vài cơ sở tại TP.HCM.

Nấu phở sạch, chất lượng như nấu cho nhà mình chính là bí quyết kinh doanh của anh. Ngoài ra, bát phở của anh cố gắng trung hòa giữa vị phở Nam và phở Bắc để chiều lòng được thực khách rất đa dạng ở TP.HCM. Anh đang nuôi tham vọng sẽ mang thương hiệu Phở Nhà đi nhiều nước trên thế giới để quảng bá và vinh danh phở Việt.

Mới mở quán Phở Thy tại TP.HCM và lần đầu dự thi nấu phở ngon tại sự kiện Ngày của phở, nhưng chị Khánh Thy đã xuất sắc giành danh hiệu Hoa hồi vàng. Thương hiệu Phở Thy của chị cũng lọt vào top 10 thương hiệu phở được yêu thích nhất.

Vốn học sư phạm chuyên ngành hóa học nhưng chị Khánh Thy vì quá đam mê nấu ăn và đam mê với món phở mà chị đã nghỉ công việc chuyên môn để mở quán phở thỏa lòng yêu thích. "Nghỉ công việc nhàn hạ để tất bật với quán phở, gia đình tôi ai cũng phàn nàn nhưng hiểu niềm đam mê của tôi nên cuối cùng mọi người cũng vui vẻ ủng hộ" - chị Khánh Thy nói. Ngày chị ra thi, cả gia đình gồm bố mẹ, chồng và hai con đều khăn gói từ TP.HCM ra Hà Nội cổ vũ chị dự thi. Cậu con trai 3 tuổi của chị thấy mẹ vui say nấu phở dự thi cũng xin mẹ cho học nấu phở, khiến chị càng hạnh phúc hơn với tình yêu phở của mình.

Phạm Hồng Tân cũng là một Hoa hồi vàng đặc biệt khác của năm nay. Người đàn ông không biết nấu bất cứ món gì khác ngoài món phở và chỉ mở quán phở cách đây 1 tháng ở Đồng Nai đã xuất sắc lọt vào top 5 người nấu phở ngon nhất hạng bán chuyên.

Chuyện mở quán phở của anh cũng thật đặc biệt, chỉ để thỏa mãn giấc mơ mỗi sáng đều được ăn phở và uống một lon bia của cha anh. Vốn đang có công việc tốt ở TP.HCM nhưng trong một lần đi bỏ mối thịt bò cho các nhà hàng ở TP.HCM, nghe cha mình kể ước muốn từ thuở còn nghèo khó rằng mỗi sáng sẽ được ăn một bát phở và uống một lon bia như ông hàng xóm, anh Tân đã quyết định mở quán phở trước tiên chỉ để phục vụ cho cha mình.

Là một người không biết nấu ăn, anh Tân có công thức nấu phở rất đơn giản nhưng lại rất ngon và anh mong muốn được chia sẻ công thức của mình cho tất cả chị em phụ nữ để tự nấu phở cho gia đình mình.

THIÊN ĐIỂU - NHƯ BÌNH

Truyền tình yêu "gia truyền" với phở đến các con

ngaycuapho

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hà (bảng dành cho thí sinh bán chuyên) đang chế biến một tô phở trước ban giám khảo, kết quả chung cuộc chị Thanh Hà đã giành được Hoa hồi vàng 2020 (dành cho thí sinh bán chuyên) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong khuôn khổ sự kiện Ngày của phở 12-12, một tọa đàm với chủ đề Chuẩn hóa phở nhà với nghệ nhân dân gian Phạm Ánh Tuyết cùng Nguyễn Thị Khánh Thủy và Nguyễn Thị Bình - 2 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm 2020 (bảng B, dành cho người nội trợ, người yêu phở) - đã mang đến những câu chuyện thú vị, xúc động về tô phở trong những mái nhà ấm cúng.

Trong gia đình bà Tuyết, phở trở thành một "đại sứ" kết nối cả gia đình thông qua những bữa ăn phở sum vầy, tràn trề hạnh phúc. Bởi bát phở nhà cho chồng con không chỉ là bát phở ngon mà còn là những bát phở đong đầy tình cảm mà người nấu - nghệ nhân Ánh Tuyết đặt trong đó.

Phở còn trở thành một "nhân tố bí ẩn" gắn kết gia đình nhiều thế hệ, gắn kết mẹ chồng nàng dâu trong câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Bình. Chị Bình cho biết đã học nghề phở từ chính mẹ chồng, một người phụ nữ rất giỏi các món ăn truyền thống. Chính mẹ chồng, bằng tình yêu với nấu ăn và với món phở, đã truyền niềm đam mê với phở cho nàng dâu, để nàng dâu lại tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu phở chung trong cả gia đình.

Chị Nguyễn Thị Khánh Thủy lại được truyền tình yêu với món phở và những công thức nấu phở đặc biệt từ người mẹ ruột và đến lượt mình, chị lại truyền tình yêu "gia truyền" với món phở của gia đình đến các con. Theo chị Thủy, chính món phở đã "thức tỉnh" chị về chuyện gắn kết gia đình, dành thời gian cho các con.

Trước đó, chị Thủy quá bận bịu với công việc, những bữa ăn gia đình thường qua quýt. Và đến một ngày, khi nghe con bảo "ước gì có mẹ ở nhà mẹ nấu phở cho con ăn", chị Thủy mới giật mình nhìn lại cuộc sống, bắt đầu sắp xếp công việc và bất cứ lúc nào có thời gian là tranh thủ nấu phở cho các con ăn.

Cả 3 người phụ nữ yêu nấu ăn thuộc 3 thế hệ khác nhau và đến từ các vùng miền khác nhau đều có những bí quyết nấu phở riêng. Với bà Ánh Tuyết, nghệ nhân nấu phở ở Hà Nội, bát phở không chỉ có các nguyên liệu phải rất tươi ngon, mà phải là các nguyên liệu từ VN để hứng đón đủ hương vị của nắng, gió, đất, nước quê hương. Và sẽ hoàn hảo nếu bát phở có được những cọng rau thơm, rau mùi trồng ở làng Láng.

Trong khi đó, bát phở Nam của chị Thủy lại hấp dẫn bởi những thứ rau tươi ngon của vùng đất phương Nam. Bát phở của chị Bình lại ngon ngọt từ thịt, xương bò tươi rói của quê hương Thái Bình.

10 quán phở Việt nào được yêu thích năm 2020? 10 quán phở Việt nào được yêu thích năm 2020?

TTO - Tối 12-12, gala phở 'Thăng hoa ẩm thực Việt' đã vinh danh 10 quán phở được ưa thích nhất năm 2020. Đây là những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.

NHƯ BÌNH - THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên