24/10/2015 10:31 GMT+7

Một năm sau vụ nổ kinh hoàng...

MAI HOA - ĐỨC THANH (maihoa@tuoitre.com.vn)
MAI HOA - ĐỨC THANH (maihoa@tuoitre.com.vn)

TT - Nhắc về vụ nổ hóa chất cách đây tròn một năm ở Công ty Đặng Huỳnh (P.Thới An, Q.12, TP.HCM) vào ngày 17-10-2014, những người dân địa phương giờ vẫn còn rùng mình ám ảnh...

Hàng chục căn nhà bị sập, nứt tường khi xảy ra vụ nổ chiều 17-10-2014      Ảnh: HỮU KHOA
Hàng chục căn nhà bị sập, nứt tường khi xảy ra vụ nổ chiều 17-10-2014 - Ảnh: Hữu Khoa

Vụ nổ kinh hoàng đã khiến 3 người chết, 7 người bị thương, 7 căn nhà sập hoàn toàn, 106 căn hư hại.

Một năm trôi qua, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ nổ vẫn mong mỏi được bồi thường, hỗ trợ để ổn định cuộc sống.

Mảnh đất Công ty Đặng Huỳnh thuê giờ đây vẫn còn là đống đổ nát, hoang vắng. Người ta đã đổ xà bần san bằng hố thuốc nổ khoét sâu xuống lòng đất.

Chúng tôi tìm đến nhà ông chủ đất Nguyễn Văn Súp, 70 tuổi, khi ông đang ăn cơm trưa. Trong vụ nổ năm ngoái, con cháu đã phải lùng sục trong đống đổ nát để lôi ông ra khi ông bị đè dưới cái giường gỗ, cũng may không bị thương tích quá nặng.

Làm sao mà lại sản xuất một thứ nguy hiểm như thế giữa khu dân cư đông người? Ai cấp phép cho họ?

Chị NGUYỄN PHẠM PHƯƠNG TRANG

Sống sót

Ông Súp đã già yếu và hơi chậm chạp, nhất là sau tai nạn ấy. Một người cháu của ông là anh Tôn Ngọc Tấn ra tiếp khách. Nhắc chuyện cũ, anh Tấn rầu rĩ: “Ổng (ông Huỳnh Văn Hải, giám đốc Công ty Đặng Huỳnh) sang đây xin lỗi hoài nhưng tui nói chuyện lỡ xảy ra rồi, biết làm sao được”.

Ông Hải thuê nhà xưởng khoảng năm 2004-2005. Thời gian đó vừa ra trường, anh Tấn đi lái xe hỗ trợ công ty ông Hải. Nhà xưởng ngay sát nhà, ngày vụ nổ xảy ra, người nhà gọi điện báo, run cầm cập chỉ nói được xưởng bị nổ, về ngay.

Anh còn tưởng nổ bình gas, nhưng về tới đầu đường thấy công an chặn đường, người bu đông bu đỏ là anh biết có chuyện lớn. Mãi hơn nửa năm sau, gia đình anh mới sửa sang được căn nhà.

Trường hợp sống sót thần kỳ nhất có lẽ phải kể tới hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy Vân (32 tuổi) và bé Thùy Dương khi ấy mới 3 tuổi. Lưng nhà chị Vân giáp với nhà xưởng. Vị trí hai mẹ con gặp nạn chỉ cách nơi ba công nhân tử nạn mấy mét.

Chị Vân nhớ lại: “Lúc đó tôi đang nằm võng, còn bé đang ngủ ở phòng trong. Tôi vừa đứng dậy thì nghe một tiếng nổ khủng khiếp.

Tôi chỉ thoáng thấy ngực mình như bị ép muốn vỡ tung rồi té xỉu. Một lát thì tôi gượng dậy xem con có sao không nhưng không nhúc nhích được, lúc ấy mới nhận ra đang nằm dưới một đống đất đá.

Rồi tôi nghe tiếng hàng xóm qua kiếm mẹ con tôi. Lúc người ta lôi bé ra được, nghe nó khóc gọi mẹ ơi mẹ ơi, biết là con còn sống tôi mừng quá mới la lên được để người ta bới đất lên kiếm mình”.

Chị Vân bị giập khuôn mặt, nứt xương chậu, ống chân gãy làm ba đoạn. Bé Thùy Dương thì máu chảy ròng ròng qua hai bên lỗ tai, một bên má cũng bị cày nát.

Chồng chị Vân, anh Nguyễn Văn Hưng, đang đi làm nghe người nhà gọi điện báo, về thấy nhà sập tan tành, vợ con đã vô bệnh viện. Ông Nguyễn Văn Nhuận (48 tuổi, quê Quảng Bình) nói: “Nhà ấy phúc vẫn còn lớn lắm”.

Ông Nhuận thuê một phần căn nhà chị Vân để mở hiệu sách, cũng là người biết chính xác trong nhà chị Vân còn hai mẹ con để mọi người vào cứu. Vụ nổ xảy ra gần 4g chiều, ông bảo nếu chậm chút nữa mấy trường học gần đó tan học thì hậu quả chắc không lường được.

Những căn nhà liền kề xưởng của Công ty Đặng Huỳnh sập hoàn toàn, những căn xung quanh hư hỏng nặng. Còn trong bán kính nửa cây số hầu như nhà nào cũng bị ảnh hưởng, nhà thì nứt, bay mái, nhà rớt cửa, vỡ cửa kính... Con đường TA19 (P.Thới An, Q.12) đầy đất đá, mảnh vỡ.

Chị Vân đứng tại tầng 2 của căn nhà bị nứt tường nhìn xuống hiện trường vụ nổ hóa chất cách đây một năm             Ảnh: ĐỨC THANH
Chị Vân đứng tại tầng 2 của căn nhà bị nứt tường nhìn xuống hiện trường vụ nổ hóa chất cách đây một năm - Ảnh: Đức Thanh

Chưa thôi ám ảnh

Bây giờ ngoài thửa đất vốn là nhà xưởng Đặng Huỳnh còn bỏ không, thêm một căn nhà kế bên chỉ còn trơ lại nền và hai trụ cổng, hầu hết nhà cửa xung quanh đều đã được sửa sang, xây mới. Hiệu sách của ông Nhuận cũng mở cửa trở lại ở một vị trí khiêm tốn hơn, cách chỗ cũ vài trăm mét.

Vụ nổ làm toàn bộ hàng hóa bị vùi lẫn trong đổ nát. Rồi cơn mưa sau đó chừng nửa tiếng đã phá hủy cả gia tài của ông.

Dù không bị thương tích gì mấy sau vụ nổ, người đàn ông quê miền Trung ấy vẫn bị ám ảnh. Ngồi trong tiệm, một chiếc xe máy vụt qua nẹt pô ầm ĩ cũng khiến ông giật mình.

Nhưng dù sao ông cũng là người lớn. Có những gia đình phải bán gấp nhà đi nơi khác chỉ vì những đứa trẻ quá sợ hãi, ám ảnh, như nhà chị Nguyễn Phạm Phương Trang. Hai bé gái sinh đôi của chị năm nay học lớp 2.

Hồi năm ngoái, khi được đưa vào bệnh viện, hai bé phải điều trị tâm lý vì tinh thần hoảng loạn. Ba tuần sau, chị Trang đưa con về nhà lấy quần áo, mới tới trước cửa nhà là bé con run cầm cập, nhất định “không vô nhà nổ đâu”.

Vài phút trước tiếng nổ, hai mẹ con chị Vân còn ở chơi bên nhà chị Trang. Hai cô bé vừa hít khói độc vừa chứng kiến cảnh người ta đưa hai mẹ con bác Vân ra, rồi cả những mảnh thi thể bay từ bên nhà xưởng qua đã bám lấy đầu óc của chúng tới bây giờ.

Chị Trang phải bán nhà, đưa con về sống ở nhà ông bà. Đi xin học cho con, chị trình bày những sang chấn tâm lý của con, mang theo cả tờ giấy xác nhận của phường. Cô bé Thùy Dương cũng hồi phục hoàn toàn vết thương trên mặt dù vẫn còn sẹo.

Cô bé xinh xắn, trắng trẻo nhưng thấy người lạ là trốn mất. Ba em ngồi nhậu với bạn trong nhà, cười lớn tiếng một chút là em nép vào góc nhà run rẩy. Sau vụ nổ, nửa đêm đang ngủ em còn vùng dậy chạy trốn, miệng la hét khiến cả tháng trời ông ngoại phải thức canh.

Ông Nhuận rút ra kinh nghiệm là có mướn nhà cũng phải đi tìm hiểu xem xung quanh nhà là cái gì rồi mới thuê. Nhưng vậy cũng khó. Chỉ cách nhà xưởng một bức tường ngăn, nhưng chị Vân cũng không biết xưởng bên kia sản xuất thứ gì.

Thường ngày không nghe tiếng máy móc ồn ào, chỉ chiều chiều ngửi mùi hôi thoảng qua, nhưng chị cũng không để ý. Anh Tôn Ngọc Tấn thì dù là chỗ quen biết, lại là nhà chủ, nhưng cũng chỉ biết những công nhân cùng quê Đồng Tháp với vợ chồng ông Hải, đều là người nhà.

Lúc cao điểm, công ty có chừng 7-8 người làm, khi ít việc thì chỉ vài người. Ba người thiệt mạng hôm đó có hai người là mẹ con.

Hỏi chị mong muốn điều gì sau một năm nhìn lại, chị Trang trầm ngâm bảo ngoài chuyện muốn được bồi thường, hỗ trợ để ổn định cuộc sống, chị còn muốn sự việc phải được xử lý thật nghiêm.

“Làm sao mà lại sản xuất một thứ nguy hiểm như thế giữa khu dân cư đông người? Ai cấp phép cho họ? Cần phải xử lý nghiêm để cảnh cáo, làm gương, để không ai còn bị vạ lây như chúng tôi nữa” - chị Trang nói.

Mỏi mòn chờ được bồi thường

Ngày 16-10, thượng tá Cao Xuân Lợi, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM, cho biết công tác điều tra vụ nổ xảy ra tại Công ty Đặng Huỳnh đang trong giai đoạn kết thúc điều tra.

Hiện các cơ quan chức năng đang giám định về mức độ thiệt hại tài sản do vụ nổ gây ra.

Cùng ngày, ông Hồ Quốc Việt - bí thư kiêm chủ tịch UBND P.Thới An - cho biết Công ty TNHH SX-DV-TM Đặng Huỳnh (P.Thới An) là một đơn vị kinh tế, chuyên về sản xuất phân bón. Trong quá trình sản xuất thì để xảy ra vụ nổ, cháy lúc 15g45 ngày 17-10-2014.

Ông Việt khẳng định chuyện Công ty Đặng Huỳnh phải đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại, ảnh hưởng trong vụ nổ, cháy do công ty này gây ra là chuyện đương nhiên.

Tuy nhiên việc đền bù này sẽ được thực hiện khi Công an TP có kết luận điều tra, đề nghị truy tố, chuyển sang tòa án xét xử... đến giai đoạn thi hành án thì phía cơ quan chức năng sẽ xác định mức thiệt hại cụ thể của từng hộ dân để có quyết định đền bù.

Ông Việt nói thêm sau khi xảy ra vụ nổ ở Công ty Đặng Huỳnh, lãnh đạo quận, phường, khu phố đã cùng chung tay với các hộ dân bị thiệt hại, ảnh hưởng từ vụ nổ và có những bước khắc phục ban đầu.

Đối với các hộ có người tử vong, bị thương, có nhà bị thiệt hại... phía quận, phường đã đến thăm hỏi, động viên và trích một phần ngân sách của địa phương để hỗ trợ.

Vụ nổ xảy ra ngày 17-10-2014, ngay sau đó ông Huỳnh Văn Hải (giám đốc Công ty Đặng Huỳnh) bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”.

Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra cho ông Hải tại ngoại để ông này tập trung vào việc bồi thường, khắc phục hậu quả và do ông Hải không có dấu hiệu bỏ trốn.

Nhưng theo phản ảnh của các nạn nhân trong vụ nổ, ngoài sự hỗ trợ không nhiều từ chính quyền địa phương và những người hảo tâm thì phía Công ty Đặng Huỳnh chưa có động thái nào đền bù thiệt hại, khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Người dân đã gửi đơn lên phường đề nghị xem xét nhưng phường không nhận đơn, cho rằng trách nhiệm bồi thường là của Công ty Đặng Huỳnh. Ngày 16-10, các hộ dân được mời lên phường làm việc nhưng nội dung trả lời của phường vẫn không thay đổi.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về những phản ảnh, bức xúc của những hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại trong vụ nổ, ông Huỳnh Văn Hải cho biết:

“Hiện vụ việc cơ quan điều tra đang làm, tôi cũng không biết nên nói cái gì, có gì thì anh cứ hỏi thông tin bên đó giùm tôi. Khi họ công bố xong xuôi thì tôi mới có thể nói điều gì đó được”.

MAI HOA - ĐỨC THANH (maihoa@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên