03/04/2025 17:00 GMT+7

Một công ty kinh doanh bột ngọt bị tạm dừng lưu thông

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế ra thông báo tạm dừng lưu thông hàng hóa đối với bột ngọt KJMOTO và HAN'EI SURU.

Một công ty kinh doanh bột ngọt bị tạm dừng lưu thông - Ảnh 1.

Bột ngọt HAN'EI SURU tạm dừng lưu thông do vi phạm quy định về ghi nhãn - Ảnh: TL

Bột ngọt đóng gói lại không rõ xuất xứ

Thông báo được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra ngày 1-4-2025 vừa qua, trong đó đề nghị tạm dừng bán, lưu thông và sử dụng hàng hóa đối với 4 lô bột ngọt (Monosodium L - Glutamate) của công ty TNHH Liên Sen do vi phạm quy định về ghi nhãn, bao gồm: Monosodium L - Glutamate Han'ei Suru với số lô D2502060-13X, ngày sản xuất 26-2-2025 và hạn sử dụng đến 25-2-2028, số lượng 839 bao (25kg/bao); Monosodium L - Glutamate Han'ei Suru với ngày sản xuất 26-2-2025 và hạn sử dụng 25-2-2027 (loại 1kg/túi); Monosodium L - Glutamate Han'ei Suru với ngày sản xuất 26-2-2025 và hạn sử dụng 25-2-2027 (loại 300g/túi); và Monosodium L - Glutamate Kjmoto với ngày sản xuất 26-2-2025 và hạn sử dụng 25-2-2027 (loại 350g/túi).

Các sản phẩm này vi phạm quy định về ghi nhãn, bao gồm các thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác về nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin cần thiết khác để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Trong đó có sản phẩm bột ngọt KJMOTO và HAN'EI SURU do Công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8, TP.HCM nhập từ một công ty Trung Quốc là Hulunbeier NorthEast Fufeng Boitechnologies Co.LTD., sau đó san chia, đóng gói lại và bán ra thị trường.

bột ngọt - Ảnh 2.

Mặt sau bao bì sản phẩm bột ngọt HAN'EI SURU và KJMOTO không ghi xuất xứ của sản phẩm theo quy định - Ảnh: TL

Hiện nay, trên thị trường vẫn còn đến hơn 30 nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại nhưng trên bao bì không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.

bột ngọt - Ảnh 3.

Một số nhãn hiệu bột ngọt san chia, đóng gói lại đang bán tràn lan trên thị trường - Ảnh: TL

Nhận biết bột ngọt san chia, đóng gói lại

Người tiêu dùng có thể xác định liệu một sản phẩm có phải là bột ngọt được san chia, đóng gói lại hoặc các nguồn không rõ ràng hay không bằng cách kiểm tra thông tin trên mặt sau của bao bì sản phẩm.

Nếu trên mặt sau bao bì có ghi các nội dung như: Đóng gói tại, hoặc phối trộn tại, hoặc hoàn tất tại, hoặc cơ sở đóng gói… thì đây là loại bột ngọt được các tổ chức, cá nhân tự trộn lẫn, san chia, đóng bao vào nhãn hiệu tự tạo ra, sau đó bán cho người tiêu dùng.

Như trường hợp của bột ngọt KJMOTO và HAN'EI SURU vừa bị xử lí, trên bao bì chỉ ghi Cơ sở đóng gói: 17 Phạm Đức Sơn, Phường 16, Quận 8, TP.HCM.

Hay sản phẩm bột ngọt SELA của Công ty TNHH MTV Sela Tím (Tỉnh An Giang), trên bao bì ghi Đóng gói tại Việt Nam.

bột ngọt - Ảnh 4.

Bao bì sản phẩm của một số loại bột ngọt san chia, đóng gói lại - Ảnh: TL

Với bột ngọt được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, trên mặt sau của bao bì chỉ thể hiện một trong các nội dung sau: Xuất xứ: Việt Nam, hoặc Sản xuất tại: Tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam.

Hiện nay có các công ty sản xuất bột ngọt trực tiếp tại Việt Nam thông qua quá trình lên men các nguyên liệu tự nhiên như mía, khoai mì… đó là Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công Ty TNHH Miwon Việt Nam.

bột ngọt - Ảnh 5.

Mặt sau bao bì của bột ngọt được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam - Ảnh: TL

Chỉ trong một năm, thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ của hơn 30 nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, rất cần các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.

A.D
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên