14/11/2005 06:46 GMT+7

Một cô gái vô tiền khoáng hậu...

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Không thể tìm thấy một người thứ hai như cô Như Mai. Không chỉ là người phụ nữ vô địch bóng bàn VN đầu tiên, cô còn là người phụ nữ VN đầu tiên vô địch đua xe đạp, xe gắn máy, đua xe hơi, lái máy bay... và nổi danh ở cả lĩnh vực sân khấu!

RuamCk74.jpgPhóng to
Bà Như Mai (thứ hai từ trái sang) bên cạnh các nghệ sĩ Lệ Thủy, Kim Hoàng, Bạch Tuyết
TT - Không thể tìm thấy một người thứ hai như cô Như Mai. Không chỉ là người phụ nữ vô địch bóng bàn VN đầu tiên, cô còn là người phụ nữ VN đầu tiên vô địch đua xe đạp, xe gắn máy, đua xe hơi, lái máy bay... và nổi danh ở cả lĩnh vực sân khấu!

55 năm trước…

Cách đây đúng 55 năm, vào ngày 11-11-1950, đoạn ven sông Sài Gòn từ cầu Tân Thuận đến bến Bạch Đằng đông nghịt người hâm mộ. Người ta đến để xem cuộc thi bơi 3.000m trên sông. Kỳ thú hơn, cuộc thi không chỉ dành cho nam giới, mà lần đầu tiên có cả giới nữ tham gia. Dĩ nhiên, số vận động viên (VĐV) nữ không nhiều, chỉ trên chục người và phần lớn là người nước ngoài. Trong số rất ít phụ nữ VN tham gia, cô Như Mai là ứng cử viên số một.

Cuộc thi xuất phát tại một sà lan đặt trên sông Sài Gòn khúc cầu Tân Thuận. Các VĐV bơi đến trước khách sạn Cửu Long bây giờ và quay về. Như Mai không chỉ về nhất phía nữ mà còn qua mặt vô số các đấng nam nhi! Nhờ thế, cô được Tổng cuộc Bơi lội Pháp - Việt cấp một giấy chứng nhận đã hoàn thành cự ly bơi ở sự kiện đầu tiên này.

Chuyện bơi không chỉ cho vui, cho khỏe mà là một nghề kiếm sống của Như Mai. Ngoài giờ đi làm trợ lý cho một dược sĩ, cô còn dạy thêm bơi lội. Lịch sử bơi lội VN không chỉ ghi tên Như Mai như là người đầu tiên bơi vượt sông, mà năm 1964 cô còn được cử sang Nhật học một lớp đào tạo huấn luyện viên (HLV) bơi lội quốc tế, nhân dịp nước này tổ chức Olympic 1964. Năm 1965, cô tham dự SEAP Games 3 tại Malaysia với tư cách là HLV đội bơi VN. Hiện cô vẫn còn giữ chiếc bằng HLV bơi lội quốc tế do Ủy ban Olympic Nhật cấp.

Chưa hết, trong ngày lễ khánh thành hồ bơi An Đông, cô đã làm mọi người tròn mắt ngạc nhiên bằng màn biểu diễn... nhảy cầu ở vị trí cao nhất!

XsJcLqdc.jpgPhóng to
Về đích cuộc đua xe đạp năm 1950 trước Nhà hát TP
Chỉ né bóng đá và quyền anh!

Nào chỉ có bóng bàn, bơi lội, nhảy cầu, cô Như Mai còn tham gia đua xe đạp, xe gắn máy (các loại Mobylette, Solex) và đều qua mặt tây đầm để đoạt giải nhất. Cô cho tôi xem một loạt ảnh chụp ở một cuộc thi xe đạp vào năm 1950 mà vạch xuất phát lẫn đích đến đều ở trước Nhà hát thành phố bây giờ. Trong ấy, tôi đặc biệt thích tấm ảnh cô Mai về nhất “một mình một ngựa”, và cạnh đó là một ông tây đang ra sức phất chiếc cờ ô vuông đen - trắng.

Dù chỉ là kẻ hậu sinh, không được chứng kiến cảnh ấy, nhưng sao trong tôi vẫn trào dâng một cảm xúc bồi hồi khó tả. Chả trách sao nhiều độc giả lớn tuổi khi xem lại những tấm ảnh cũ kỹ, nhòe nhoẹt trong loạt bài “Đấu trường vinh quang - ngày ấy & bây giờ” đều gọi điện cho biết không cầm được nước mắt.

Trở lại cuộc đua xe đạp của cô Mai, thật thích thú khi được nghe chuyện ban tổ chức ngày ấy muốn các nữ VĐV vẫn phải giữ được cái duyên con gái, bằng cách cứ đua đến trước cổng Sở thú (Thảo cầm viên bây giờ) là phải dừng xe lại, có người phát cho một cây kim và sợi chỉ. VĐV phải xỏ kim xong mới được leo lên xe chạy tiếp!

Cô Mai cười ngất kể: “Tụi tôi đua tất cả 12 vòng (tổng cộng 30km), nghĩa là phải qua 12 lần xỏ kim. Mấy vòng đầu còn đỡ, đến mấy vòng cuối quá mệt nên tay cứ run bần bật, xỏ mãi mới được. Nhưng cũng nhờ cái trò này mà tôi mới thắng được mấy bà đầm. Họ đạp khỏe lắm, nhưng đến lúc xỏ kim là lóng nga lóng ngóng làm mãi không xong”.

Vẫn chưa hết, cô Mai còn chơi luôn cả xe hơi. Nhờ ngày ấy đi làm cho các hãng dược, rồi đi dạy bơi, tiền bạc cũng rủng rẻng, cô bèn mua một chiếc xe hơi để đi làm. Năm 1954, Tổng cuộc Xe hơi VN tổ chức một cuộc đua xuất phát từ Sài Gòn lên Đà Lạt, xuống Nha Trang, quay trở lại Đà Lạt rồi về Sài Gòn với tổng chiều dài 1.040km. Có trên 100 người tham gia cuộc tranh tài, và không chỉ có VN mà rất nhiều khách quốc tế cùng dự.

Như Mai ở cuộc đua ấy sử dụng chiếc Fregat mang biển số NBF342, và số xe dự thi là 24. Thân gái dặm trường qua Prenn, xuống rồi lên Ngoạn Mục và về đến Sài Gòn an toàn. Trên đường đi, có một lần xe cô suýt rơi xuống vực ở đèo Ngoạn Mục. Ban tổ chức đã hoảng hốt lao đến hỏi có rút lui không? Lạnh lùng lắc đầu, cô cùng người thợ máy hì hụi cứu chiếc xe đã xìa một bánh xuống bờ vực, sau đó lên ôm vôlăng chạy tiếp! Dĩ nhiên, Mai đã đứng nhất phía nữ và trên không ít phái nam ở cuộc đua xe hơi đầu tiên tại VN ấy.

Cũng nhờ lần thử thách xe hơi này thành công, Như Mai xin và được giới thiệu đi học lái máy bay nhỏ. Cô đã từng điều khiển máy bay trên ba giờ liên tục, nhưng cuối cùng phải bỏ vì ông bà thân sinh sợ phải đi nhận tiền tuất!

Bà lão gần bát tuần ngồi trước mặt tôi cười lớn bảo: “Sự nghiệp thể thao của tôi chỉ còn thiếu mỗi bóng đá và quyền anh. Hai thứ đó thì tôi không dám đụng đến vì sợ vẹo mũi, xấu chết!”.

Jx2V4wef.jpgPhóng to
Như Mai (giữa) với chiếc cúp vô địch đua xe gắn máy
Sứ giả Việt - Nhật

Mạnh mẽ, táo bạo, yêu thích khám phá những điều mới mẻ - đó là đặc tính của cô Như Mai. Bên cạnh đó, trong cô còn có tính cách của một người nghệ sĩ. Đã vậy, cô còn được má Bảy Phùng Há coi như con trong nhà (vì chơi thân với người con má là bà Lý Bửu Trân - tự Bửu Chánh), nên trong cô Mai luôn có chỗ rất lớn dành cho sân khấu, không kém thể thao. Nghiệp nghệ sĩ của cô thì các báo lĩnh vực sân khấu đã nói rất nhiều, khi cùng người bạn tri kỷ Kim Hoàng (một cô đào thương có tiếng của gánh Năm Phỉ lừng danh) lập nên Đoàn ca kịch Kim Hoàng - Như Mai một thời vang bóng.

Và ngay cả khi bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật, cô Như Mai vẫn thể hiện mạnh mẽ lòng khao khát khám phá những chân trời mới. Như năm 1956, cô Như Mai được tham gia đoàn danh thủ bóng bàn VN đi thi đấu, biểu diễn tại Philippines. Trong chuyến đi này, cô đào thương Kim Hoàng cũng tháp tùng để biểu diễn văn nghệ. Sau đó, trong khi các danh thủ bóng bàn về nước thì hai cô gái trẻ tách đi sang Nhật.

Họ đã có những sô biểu diễn được hoan nghênh tại Tokyo. Có một điều rất thú vị, rất tự hào ở chuyến đi này là sau khi thu hình cả hai, đài truyền hình Nhật đã đưa họ một phong bì tiền dày cộp. Nhận xong, hôm sau cả hai tìm đến giao cho chủ bút tờ báo Mainichi Daily News là ông Tatsuo Shibata nhờ tặng Hội Chữ thập đỏ. Trên báo ấy ra ngày 9-8-1956 đã đăng tin này và ảnh của cả hai cô.

Cũng trong dịp đi Nhật, hai cô đã học vũ đạo Nhật Bản, và mười năm sau họ đoạt HCV đại nhạc hội tại miền Nam bằng điệu vũ này. Tờ Mainichi ngày 19-7-1966 cũng đã đăng tin này kèm theo hình ảnh của cả hai trong điệu múa “Sara Odori”. Người Nhật đã xem Như Mai - Kim Hoàng như những sứ giả bắc cầu nối tình giao hảo của hai nước Việt - Nhật.

Nghe chuyện đời cô Như Mai, chúng tôi chẳng biết làm gì hơn là kính cẩn nghiêng mình cảm phục.

Tin, bài liên quan

Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 5: “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn RạngKỳ 6: Danh thủ Trương Tấn Nghĩa: tài năng và đào hoa!Kỳ 7: Danh thủ Thể Công làm HLV trên đất ĐứcKỳ 8: Ngã rẽ của ông Weigang và số phận chiếc cúp vô địchKỳ 9: Phạm Huỳnh Tam Lang - ký ức một thời vang bóngKỳ 10: “Nữ hoàng” không ngai môn bóng nhựa

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên