07/08/2016 12:21 GMT+7

Phim 18+ Người hầu gái: nghệ thuật thành bom tấn?

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - The handmaiden (Người hầu gái), bộ phim mới nhất của đạo diễn tên tuổi người Hàn Quốc Park Chan Wook, sau khi tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes được trình chiếu tại nước này và thành công vang dội.

Bốn diễn viên chính trong phim Người hầu gái - Ảnh: koreanfilm.org
Bốn diễn viên chính trong phim Người hầu gái - Ảnh: koreanfilm.org

Bộ phim nghệ thuật dài 145 phút, cấm trẻ em dưới 18 tuổi vẫn thu hút tới 4,2 triệu lượt người xem và đạt doanh thu 33 triệu USD, một con số đáng mơ ước với phim nghệ thuật mà ngay cả ở Mỹ và Anh cũng không dễ để đạt được.

Không chỉ thế, Người hầu gái còn lập kỷ lục khi bán bản quyền phát hành cho hơn 170 nước khác.

Một câu chuyện ba hồi hấp dẫn

The handmaiden được Park Chan Wook chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Fingersmith (Kẻ móc túi) của nữ nhà văn Sarah Waters.

Bối cảnh và thời đại Victoria ở Anh của cuốn tiểu thuyết gốc đã được Park và một đồng biên kịch chuyển hóa một cách khéo léo sang những năm 1930 khi Hàn Quốc đang bị Nhật Bản xâm chiếm.

Bộ phim khá trung thành với cuốn tiểu thuyết gốc với bố cục ba hồi vừa truyền thống vừa cách điệu. Phần đầu tiên, bám sát chặt chẽ vào chất liệu của cuốn tiểu thuyết với màn giới thiệu bốn nhân vật chính khá dài dòng một cách cố ý, theo giọng kể của cô hầu gái Nam Sook Hee (do nữ diễn viên trẻ Kim Tae Ri lần đầu đóng phim thủ vai).

Sook Hee là một cô gái mồ côi làm nghề móc túi, được một tay đào mỏ người Hàn Quốc cải trang thân thế thành một bá tước Nhật Bản giàu có tên là Fujiwara thuê.

Fujiwara (nam diễn viên kỳ cựu Ha Jung Woo đóng) đưa Sook Hee vào dinh thự của Hideko (Kim Min Hee đóng), một nữ thừa kế người Nhật Bản sống ở Hàn Quốc dưới sự quản lý của ông chú bệnh hoạn Kouzuki (Cho Jin Woong đóng), để giúp y quyến rũ Hideko và thực hiện những màn lừa đảo ngoạn mục.

Nhưng dần dần, sự gần gũi đã khiến hai người phụ nữ xích lại gần nhau cả thể xác lẫn tâm hồn và người xem không thể biết đâu là thật, đâu là giả...

Nếu màn dẫn dắt ở phần đầu của Park khiến người xem khá rối rắm và mất tập trung vì không xác định được thân thế và động cơ của nhân vật thì ở phần 2, dưới góc nhìn và kể chuyện của Hideko, câu chuyện dần dần sáng tỏ và đây cũng là phần hấp dẫn nhất phim với những đoạn cài cắm cao trào và kịch tính, những hồi ức đầy bất ngờ, đặc biệt là quá khứ đen tối của Hideko.

Người xem nhận ra những kẻ lừa đảo cao tay nhất đôi khi lại là những kẻ bị gài bẫy dễ dàng nhất, theo câu nói dân gian: “khôn ngoan không lại với trời”.

Với nghệ thuật xử lý góc máy táo bạo và cách dẫn dắt đầy khéo léo, những màn đậm chất dục tính trong bộ phim này trở nên quyến rũ, tinh tế và không giây phút nào để rơi vào dung tục.

Khi màn kịch của cả bốn nhân vật đã dần được sáng tỏ thì phần 3 khép lại bộ phim với cái kết cho từng nhân vật.

Và đây cũng là lúc ta nhận ra phong cách quen thuộc của vị đạo diễn họ Park quay trở lại, đặc biệt là với những màn tra tấn bên dưới căn hầm của tòa dinh thự giữa hai gã đàn ông, điều mà chúng ta đã thấy ít nhiều trong hai bộ phim báo thù xuất sắc trước đó của ông là Sympathy for Lady VengeanceOld boy.

Bom tấn của phim nghệ thuật

Pha trộn nhiều thể loại và được xử lý một cách thuần thục, Người hầu gái của Park Chan Wook với những trò mèo vờn chuột và những cú “twist” bất ngờ theo phong cách của bậc thầy phim kinh dị hình sự Alfred Hitchcock và những trò báo thù theo phong cách riêng của đạo diễn đã khiến bộ phim nghệ thuật này trở nên hấp dẫn một cách khó cưỡng, và điều đó cũng lý giải cho sự thành công thương mại của bộ phim.

Tất nhiên, Park Chan Wook gần như không có phút nào buông tay để khiến bộ phim này rơi vào dòng phim thương mại giải trí tầm thường. 145 phút của bộ phim, dù đậm đặc chất giải trí, ta vẫn thấy nó là một bộ phim nghệ thuật với cách kể chuyện cao tay, với những góc máy đầy sáng tạo và tinh tế.

Bối cảnh nội của bộ phim, với phong cách tạo dựng nội thất của nhà thiết kế Ryu Seong Hee - người cộng tác thường xuyên với Park, đã đem đến cho ngôi dinh thự của Hideko sự sang trọng xa hoa mà vẫn đầy vẻ tao nhã, lịch thiệp theo phong cách pha trộn giữa kiến trúc Anh và Nhật Bản, nhưng đó lại là chốn của những trò lừa đảo và những thú vui bệnh hoạn.

Trong khi đó, những cảnh ngoại được quay hoàn toàn tại Nhật Bản với vẻ đẹp thiên nhiên xanh ngắt lại là nơi Park thể hiện tâm trạng rối bời của nhân vật, phần nào gợi nhớ đến Rừng Na Uy của Trần Anh Hùng.

Diễn xuất của bốn diễn viên chính của bộ phim, như hầu hết các diễn viên dưới sự chỉ đạo của Park Chan Wook trước đây, luôn khiến người xem dù khó tính nhất cũng hài lòng và thừa nhận sự “ăn vai” của họ, đơn giản là những nhân vật của Park hiếm khi tẻ nhạt.

Trong Người hầu gái, ngoài ba diễn viên kỳ cựu đã thể hiện tốt nhất kỹ thuật diễn xuất chuyên nghiệp của họ, bất ngờ nhất có lẽ là Kim Tae Ri, nữ diễn viên trẻ 26 tuổi lần đầu đóng phim đã đóng ngay một vai chính nặng ký, nhưng hiếm khi người xem thấy sự non tay của một diễn viên mới vào nghề.

Hai màn ái ân nóng bỏng giữa Kim Tae Ri và đàn chị Kim Min Hee thậm chí còn vượt qua độ táo bạo của bộ phim đồng tính Pháp từng đoạt giải Cành cọ vàng Blue is the warmest color, nhưng đều được cả hai diễn xuất với sự táo bạo mà vẫn không rơi vào dung tục, điều hiếm thấy với những nữ diễn viên châu Á.

Thoát khỏi vỏ bọc của các thể loại ăn khách, bộ phim mới nhất của Park Chan Wook thực chất là một tác phẩm nữ quyền đậm đặc, với sự giải phóng phụ nữ trong thời đại toàn trị của những gã đàn ông.

Và có lẽ không có sự giải phóng phụ nữ mạnh mẽ nào bằng chính tình yêu và bản năng dục tính của họ.

Sự trở lại của Park Chan Wook sau khi thực hiện bộ phim Stoker (2013) nói tiếng Anh cho Hollywood đã đưa bộ phim “art-house” trở thành một bộ phim “bom tấn” của thể loại này ngay tại quê hương ông.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên