Người dân lên xe buýt điện tại bến công viên Vinhome Grand Park (TP Thủ Đức) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết dưới đây của bạn đọc Bạch Thị Bích Ngân tham gia diễn đàn để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?
Tôi năm nay 33 tuổi, đã và đang đi xe buýt từ Thủ Đức vào trung tâm thành phố để học ngoại khóa, đi công việc cá nhân từ năm 2007 đến nay.
Tôi nhận thấy chất lượng xe buýt hiện nay đã cải thiện rất nhiều so với trước đây, đặc biệt là khi chuyển đổi sang xe buýt chạy bằng gas (tuyến 19, 150...), xe được lắp hệ thống loa thông báo trạm sắp đến, chuông để khách báo trạm dừng, máy lạnh chạy phà phà...
Thật sự, tôi thấy những xe mới này không thua gì xe buýt ở châu Âu.
Tôi từng có thời gian du học ở châu Âu và xin chia sẻ những cách làm mà tôi đã được trải nghiệm và những ý kiến cá nhân với mong muốn đóng góp cải thiện chất lượng xe buýt tại thành phố.
1. Vé sinh viên/hành khách là nhân viên văn phòng thường đi làm bằng xe buýt: nên triển khai bán vé tháng, quý, năm: là 1 loại thẻ nhựa như thẻ ATM có thể nạp tiền định kỳ vào để khách thuận tiện khi đi xe, không cần phải lo lắng không có tiền lẻ khi đi xe buýt, giảm bớt áp lực bán thiếu vé cho tiếp viên và dần dần tiến tới không cần tiếp viên.
Bản thân tôi cũng rất áp lực khi phải chuẩn bị tiền lẻ trước khi lên xe. Tôi từng gặp trường hợp 1 khách không có tiền lẻ, chỉ có tờ tiền 500.000 đồng và không thể mua được vé vì tiếp viên không có tiền lẻ để thối.
2. Sau này khi hệ thống xe buýt hoàn thiện, có thể triển khai hệ thống máy bán vé tự động tại trạm đón xe.
3. Hiện nay, mỗi tháng thành phố chi một số tiền rất lớn để bù lỗ cho xe buýt; để giảm bù lỗ, có thể xem xét tăng thời gian giãn cách ở giờ thấp điểm buổi trưa, để tránh lãng phí nhiên liệu khi giờ thấp điểm ít khách thì xe chạy không.
Ví dụ buổi trưa có thể tăng thời gian giãn cách từ 15-20 phút thay vì 5-10 phút. Thêm chuyến buổi tối lúc 22h, vì là giờ đêm nên cũng rất ít khách đi, vì vậy có thể khoảng cách giữa chuyến kế cuối là 21h thì 22h sẽ có chuyến cuối cùng trong ngày dành cho những ai bị lỡ đường, bận việc về khuya.
4. Theo quan sát của tôi, một số tài xế, tiếp viên thường ngủ lại trên xe để kịp chuyến sáng hôm sau, nên có rất nhiều đồ đạc cá nhân, dụng cụ làm bếp để trên xe dẫn đến mất thẩm mỹ. Các bến xe và HTX xem xét bố trí nơi ngủ nghỉ cho tài xế, tiếp viên tại nơi an toàn, thoải mái để họ phục hồi sức khỏe sau 1 ngày dài làm việc.
Tôi nhận thấy công việc của tài xế xe buýt rất áp lực khi phải chạy theo khung giờ xuất bến và về bến của phòng điều hành, vì đặc thù đường sá thường xảy ra kẹt xe, xe đông di chuyển chậm. Khi phải chạy đua với thời gian thì rất khó để lái xe an toàn. Một số giờ thấp điểm, các tài xế chạy như đua xe với nhau, có khi 2-3 chiếc xe tranh nhau từng kilômet trên xa lộ Hà Nội, rất nguy hiểm cho người đi xe máy.
5. Một số tài xế kết nối điện thoại cá nhân vào hệ thống loa để mở nhạc gây ồn trên xe. Tài xế sử dụng điện thoại khi đang lái xe dẫn đến nguy cơ lái xe không an toàn.
6. Về thiết kế xe buýt, tôi không hiểu sao xe buýt của mình có nhiều bục lên xuống quá, khi lên xe phải bước 2 bục, trừ một số xe mới như xe 19 thì sàn xe ở cửa lên bằng phẳng. Khi lên được xe rồi thì phải lên thêm 1 bục nữa để đi tới ghế ngồi. Tôi thấy thiết kế như vậy không thuận tiện cho hành khách.
7. Khi dịch COVID-19 bùng phát, yêu cầu tất cả hành khách đeo khẩu trang khi lên xe. Khách không có khẩu trang phải xuống xe, tôi cảm thấy rất tội nghiệp cho những hành khách này vì có khi xuống xe họ không tìm được điểm bán khẩu trang. Nếu may mắn gặp một tiếp viên hoặc hành khách tốt bụng có sẵn khẩu trang để chia sẻ thì không sao, nếu không thì họ phải xuống xe.
Tại sao nhà xe/điều hành không cho phép bán khẩu trang trên xe để người dân đỡ nhọc công. Thiết nghĩ trước khi đưa ra những quy định thì người ta nên suy nghĩ đến những tình huống như vậy để có những quy định khiến người dân cảm thấy nhẹ lòng, được hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Tôi nghĩ rằng các nhà quản lý của thành phố cũng đã tham khảo các mô hình giao thông công cộng của các nước phát triển, tuy nhiên chưa áp dụng được ở nước ta do những hạn chế trong quy hoạch đô thị đã làm trước đó, dẫn đến nếu áp dụng giống 100% các nước thì không thể làm được.
Vì vậy, thiết nghĩ mỗi người dân nếu quan tâm đến môi trường, muốn góp phần giảm kẹt xe thì nên cùng hợp tác, chấp nhận những khiếm khuyết hiện tại của hệ thống xe buýt, sau này khi tỉ lệ sử dụng xe buýt tăng lên, Nhà nước giảm được số tiền bù lỗ thì sẽ đầu tư nhiều hơn để cải thiện.
Còn đối với các vấn đề về móc túi, quấy rối trên xe buýt thì ở các nước khác cũng có chứ không riêng gì ở nước ta, cho nên bản thân hành khách phải cẩn thận giữ gìn tài sản cá nhân chứ không nên lấy đó làm lý do để từ chối sử dụng xe buýt, vì đi xe máy thì cũng có rủi ro cướp giật, tai nạn giao thông.
Mong rằng những góp ý trên đây sẽ góp phần cải thiện hệ thống xe buýt ngày càng tiện dụng và thân thiện hơn.
Thăm dò ý kiến
Trong khi Hà Nội đã triển khai thẻ đi xe bus hàng tháng, thì việc phải trả bằng tiền lẻ khi đi bus hoặc mua vé tháng bằng vé tập rồi xé lẻ đi hàng ngày đang là một trong những yếu tố khiến nhiều người còn ngại đi xe bus ở TP.HCM. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Là người sử dụng xe buýt đi lại, theo bạn, đâu là những bất tiện bạn hay gặp? Bạn muốn đóng góp điều gì để xe buýt TP.HCM ngày càng tiện dụng?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận