05/11/2014 06:10 GMT+7

​Mong tăng lương để giảm gánh lo toan

HÀ CHÂU - TẤN VŨ ghi
HÀ CHÂU - TẤN VŨ ghi

TT - Tiếp tục có thêm các ý kiến xung quanh đề nghị chưa tăng lương theo lộ trình trong năm 2015 của Chính phủ vừa trình Quốc hội.

Tăng lương theo lộ trình sẽ giúp các giáo viên giảm bớt lo toan cho cuộc sống. Trong ảnh: cô giáo đứng lớp ở một trường tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái - Ảnh: T.T.D.
Tăng lương theo lộ trình sẽ giúp các giáo viên giảm bớt lo toan cho cuộc sống. Trong ảnh: cô giáo đứng lớp ở một trường tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái - Ảnh: T.T.D.

* Ông PHAN QUANG TRUNG (Phòng Quy tắc đô thị huyện Nông Sơn, Quảng Nam):

Không làm thêm ruộng thì đuối

Mức lương hiện tại của tôi là 2,67 x 1.150.000 đồng, trừ các khoản bảo hiểm y tế, chi phí công đoàn và các khoản khác khoảng 10%, số tiền còn lại thực nhận khoảng 2,7 triệu đồng.

Hiện tại huyện Nông Sơn đang được hưởng chính sách đặc biệt khó khăn và được Nhà nước trợ cấp thêm 70% lương nên tổng thu nhập của tôi khoảng 5,6 triệu đồng. Tuy nhiên, mức trợ cấp này sẽ kết thúc vào cuối năm 2015 nên cuộc sống phía trước khá khó khăn.

Ở miền núi vật giá khá đắt, với thu nhập hiện tại 5,6 triệu đồng, vợ chồng tôi vừa đủ nuôi hai con nhỏ. Bên cạnh đó, tôi phải làm thêm trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Nói thật, không làm ruộng thêm thì đuối, vì ngoài lương ra tôi không còn nguồn thu nhập nào khác.

Năm 2015, nếu Nhà nước cắt trợ cấp thì chúng tôi không biết xoay xở ra sao cho cuộc sống, cho con nhỏ đến trường. Tôi cũng như nhiều công chức ở đây rất mong Nhà nước tăng lương theo lộ trình, có như vậy may ra cuộc sống của chúng tôi mới ổn định được.

* VŨ THỊ HOA (Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai):

Đi làm thêm nhiều rủi ro

Tôi làm việc ở Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai, ngoài khoản lương chính chúng tôi có thêm 15% phụ cấp nên sau khi đi làm được 15 năm, hiện nay mức thu nhập của tôi theo bảng lương là 4,3 triệu đồng. Chồng tôi cũng là công chức nhà nước nên mức thu nhập tương đương.

Nhiều người nhìn vào mức thu nhập ấy cho rằng cao, nhưng thật ra với gia đình có hai con, gói lương đó chi các khoản cố định: tiền học mẫu giáo, ngoại ngữ cho con, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, thuế nhà đất, ủng hộ các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ người nghèo và phí vệ sinh, phí an ninh... thì đầu tháng chẳng còn bao nhiêu để chi dùng trong nhà.

Tôi làm 15 năm và cũng đã có nhà nên đỡ vất vả, còn có những cặp vợ chồng viên chức trẻ, lương tháng mỗi người chừng 3 triệu đồng mà phải thuê nhà mất 1 triệu đồng và trăm thứ chi phí nữa nên làm gì cũng tằn tiện.

Nhiều người phải ứng trước lương tháng, rồi tháng sau lấy tiền trừ vào tiền ứng lương là vừa.

Bởi vậy, ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, nhiều người trong cơ quan tôi phải làm thêm nghề tiêm và chữa bệnh cho súc vật để đảm bảo tiêu dùng trong gia đình.

Đi làm thêm phải làm ngoài giờ hành chính, đôi khi đi đêm nữa nên mức độ rủi ro rất cao, vì phải đi đường ở xã trong núi mà không có đèn nên rất nguy hiểm.

Có lần đồng nghiệp của tôi đi chữa bệnh cho gia súc trong huyện về bị tai nạn dọc đường, rất may không nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng lương theo định kỳ thì chúng tôi sẽ bớt chút lo toan. Còn không tăng lương, chúng tôi đành gác lại niềm mơ ước nho nhỏ của mình là lương sẽ tăng để giảm bớt vất vả, nhọc nhằn.

* TRẦN THỊ HỒNG NHƯ (cán bộ quận 5, TP.HCM):

Tinh gọn bộ máy, lương sẽ tăng

Nhiều người cứ nói lương nhà nước thấp nhưng thật sự tôi thấy mức lương nhà nước hiện nay so với các doanh nghiệp cũng không hề thấp. Bản thân tôi không có nhiều nhu cầu nên tôi vẫn chi dùng hằng ngày và dành dụm được. Nhưng nhiều người thì có nhiều nhu cầu hơn nên có thể thấy mức lương như hiện nay chưa thỏa đáng.

Tuy nhiên, tôi thấy tăng lương thì cũng phải tăng năng suất và chất lượng công việc lên. Chúng ta cứ nói công chức làm tám giờ vàng ngọc nhưng ngay tại TP.HCM tôi thấy làm được sáu giờ đã là nhiều rồi, còn lại cúp giờ đi đón con, đi ăn sáng, uống trà, cà phê...

Và không chỉ thời gian làm việc không được bảo đảm, chất lượng công việc cũng phải xem lại.

Đến giờ, sau nhiều cải cách thì rất nhiều khâu công việc chúng ta đang làm thủ công nên tốn nhiều nhân công mà không cải tiến được năng suất và chất lượng công việc.

Tăng lương ai cũng thích, nhưng lương tăng mà chất lượng công việc không tăng thì chỉ làm tăng thêm gánh nặng ngân sách.

Bởi vậy, cách tốt nhất hiện nay là tinh giản bộ máy công chức nhà nước, đưa công nghệ thông tin vào công sở thay cho những động tác thủ công thì mặc nhiên số người lao động sẽ giảm đi và lương từ đó mà tăng lên.

* TS NGUYỄN QUANG HUỀ (giảng dạy tại ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Lao động - xã hội, thành viên đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc cải cách chính sách tiền lương công chức hành chính Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới”):

Lương chỉ mới đáp ứng 65-75% nhu cầu sống tối thiểu

Theo nghiên cứu về cải cách tiền lương công chức hành chính giai đoạn 2011-2013 thì mức lương cơ sở hiện nay chỉ mới đảm bảo 65-75% nhu cầu tối thiểu của cán bộ, viên chức nhà nước.

Nếu thực hiện đúng lộ trình tăng lương đã vạch ra thì lương cơ sở cũng chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Nếu hoãn tăng lương cơ sở nữa thì đời sống của công chức, viên chức sẽ càng khó khăn, đặc biệt đối với một số nhóm người hưởng lương hưu trí, không có thu nhập gì ngoài lương.

Ngoài ra, số cán bộ, công chức mới ra trường hưởng lương hệ số 2.34, 2.66, tức là dưới hệ số 3, công chức, viên chức ở các tỉnh lẻ được tuyển dụng về các địa phương khác phải thuê nhà ở thì với mức lương cơ sở nhân hệ số như hiện nay, cuộc sống sẽ rất chật vật, vất vả.

Có một số ý kiến cho rằng có thể thực hiện điều chỉnh lương cơ sở cho một số đối tượng khó khăn, thu nhập thấp. Trước kia chúng ta cũng đã có thời kỳ làm như vậy rồi, nhưng theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh kinh tế hiện nay chưa khó khăn đến mức độ phải xử lý như vậy.

Kinh tế giai đoạn nào cũng có khó khăn nhất định nhưng trong điều kiện này thì vấn đề tăng lương cơ sở không phải là không thể.

Do đó, nên điều chỉnh một cách đồng bộ, không nên chắp vá chế độ chính sách, đưa ra một vài khoản để xử lý phần này phần kia. Như vậy sẽ càng đi sâu vào vấn đề mất cân đối trong toàn bộ chính sách tiền lương.

VŨ THỦY ghi

HÀ CHÂU - TẤN VŨ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên