25/06/2019 08:05 GMT+7

Mong muốn thi nghiêm túc, an toàn trở nên 'cháy bỏng'

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ  Thực hiện
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ Thực hiện

TTO - Mong muốn về một kỳ thi nghiêm túc, an toàn trở nên cháy bỏng hơn khi hôm nay (25-6), gần 900.000 thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 với hai môn thi đầu tiên là ngữ văn (buổi sáng) và toán (buổi chiều).

Mong muốn thi nghiêm túc, an toàn trở nên cháy bỏng  - Ảnh 1.

Thí sinh Mai Anh cùng các bạn kiểm tra lại thông tin trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại điểm thi THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) chiều 24-6 - Ảnh: D.PHAN

Trước kỳ thi quan trọng này, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết: "Bộ đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi, thành lập Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. 

Đến nay, 63 tỉnh thành cũng đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do phó chủ tịch hoặc chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Một số nơi còn thành lập ban chỉ đạo thi cấp huyện để chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi. Nhiều lực lượng như công an, y tế, điện lực, giao thông, Đoàn thanh niên... được huy động và có phân công trách nhiệm cụ thể tới từng thành viên".

* Ông đánh giá thế nào khi trực tiếp đi kiểm tra các địa phương từng là "điểm nóng" trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018?

- Tôi đánh giá các địa phương đều có tinh thần trách nhiệm cao, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để tổ chức kỳ thi. Tại ba tỉnh từng xảy ra gian lận năm 2018 là Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, tôi trực tiếp dẫn đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT để nắm bắt tình hình và có những khuyến cáo, hỗ trợ kịp thời, tránh xảy ra những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự an toàn, nghiêm túc, công bằng chung của cả kỳ thi.

Các tỉnh đều báo cáo công tác lựa chọn và bố trí nhân sự tham gia làm thi THPT quốc gia năm 2019 được thực hiện rất thận trọng. Ví dụ như tại Hà Giang, Công an tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng tham gia thẩm định nhân thân cán bộ làm thi. 

Qua nhiều vòng lựa chọn từ cấp trường đến cấp sở, viện kiểm sát, công an, chủ tịch UBND tỉnh, sau đó lại mời đại diện các ngành chức năng liên quan lên thẩm tra lần cuối mới quyết định lựa chọn, bố trí nhân sự vào các vị trí. 

Tại Sơn La, tất cả cán bộ tham gia làm thi cũng đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an, những ai đảm bảo được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn mới được lựa chọn...

Mong muốn thi nghiêm túc, an toàn trở nên cháy bỏng  - Ảnh 3.

Cán bộ coi thi kiểm tra giấy dự thi của thí sinh trước khi phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG

* Kỳ thi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là các giải pháp phòng chống gian lận thi cử. Theo ông, với những nỗ lực như thế, có thể yên tâm sẽ có một kỳ thi nghiêm túc?

- Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5 đã yêu cầu các địa phương phải chủ động và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng và đảm bảo tổ chức an toàn tuyệt đối kỳ thi THPT quốc gia 2019. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có công điện gửi đến chủ tịch UBND các tỉnh, thành đề nghị tập trung quan tâm chỉ đạo sát sao công tác thi. Ngành giáo dục sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của ngành công an để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các thiết bị, vật dụng trái phép mang vào phòng thi, nhất là các thiết bị công nghệ cao sử dụng vào mục đích gian lận. 

Đây là kỳ thi cùng lúc được diễn ra trên phạm vi rộng của toàn quốc, được dư luận đặc biệt quan tâm nên hai bên còn phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời mọi hành vi tiêu cực hoặc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, góp phần đảm bảo kỷ cương và công bằng trong kỳ thi. 

Chúng tôi mong muốn và tin tưởng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh.

Mong muốn thi nghiêm túc, an toàn trở nên cháy bỏng  - Ảnh 4.

Kiểm tra hệ thống camera an ninh tại phòng đề thi và bài thi (Trường THPT Trưng Vương, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: THANH YẾN

* Các địa phương có gặp khó khăn gì trước những yêu cầu mới của kỳ thi năm nay?

- Những điểm mới nhằm ngăn ngừa tiêu cực trong kỳ thi năm nay như sắp xếp thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh THPT, việc lắp camera tại nơi giữ bài thi, đề thi, giao cho trường ĐH chủ trì chấm thi... đều cơ bản được các tỉnh, thành triển khai thực hiện đúng quy định. 

Có một số địa phương còn khó khăn trong việc chuẩn bị hoặc có phương án tổ chức chưa tối ưu, Bộ GD-ĐT đã hỗ trợ, điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể. Mỗi điểm thi có đặc điểm về cơ sở vật chất, khoảng cách với nhà dân, độ cao tường rào, cách bố trí các phòng thi... khác nhau. 

Do đó, không thể dùng một công thức chung cho tất cả điểm thi, mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để kế hoạch phù hợp, khả thi. 

Bộ đã yêu cầu các ban chỉ đạo thi cần phải đi thực địa, làm việc trước với điểm thi để biết cách bố trí phòng thi, điều kiện thực tế của nơi đó ra sao, từ đó mới đưa ra kế hoạch bố trí nhân sự giám sát, công an, các phương án tổ chức hiệu quả.

Mong muốn thi nghiêm túc, an toàn trở nên cháy bỏng  - Ảnh 5.

Dữ liệu: MINH GIẢNG - Đồ họa: T.ĐẠT

Lưu ý cả những điểm nhỏ nhất

ong nha

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra điểm thi tại Hà Nội - Ảnh: V.HÀ

Ngày 24-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo thi Hà Nội ngay tại điểm thi ở khu vực ngoại thành là huyện Hoài Đức.

Trong buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức và đại diện Ban chỉ đạo thi Hà Nội cũng như khi trao đổi với giám thị tại một số điểm thi nơi này, ông Phùng Xuân Nhạ đặc biệt lưu ý khâu bảo quản, bàn giao đề thi, bài thi, khâu chấm thi trắc nghiệm.

Tuy nhiên, khi chia sẻ với các giám thị ở điểm thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng "không chỉ lo kiểm soát chặt các khâu nhạy cảm nhất là quản lý đề thi, bài thi mà năm nay khâu coi thi cũng rất cần được quan tâm".

"Cán bộ làm nhiệm vụ thi, nhất là cán bộ coi thi phải nắm chắc quy chế. Trong suốt các ngày diễn ra kỳ thi, các hội đồng thi phải luôn nhắc nhở cán bộ coi thi những việc nhỏ nhất cũng cần phải lưu ý. Ví dụ như quy định chữ ký giám thị. Vì thực tế đã xảy ra việc giám thị ký nhầm vào ô chấm điểm khiến cho nhiều thí sinh phải thay giấy thi, ảnh hưởng đến kết quả làm bài thi" - ông Nhạ nói.

Vĩnh Hà

5 "rõ" nhưng vẫn lo

thi 4

Cô Phùng Thị Thùy Trang (hàng đầu, giữa) cùng cán bộ, giảng viên Trường ĐH HUTECH làm công tác thi tại Côn Đảo - Ảnh: NVCC

Đoàn đi làm thi tại Côn Đảo của trường tôi có 7 người, bao gồm 1 phó điểm, 1 thanh tra, 1 giám sát, 4 cán bộ coi thi (hơn 10 thầy cô còn lại là của tỉnh và 3 cán bộ công an trực an ninh, đề thi). Tôi được phân công làm thanh tra.

Dù đã được tập huấn tại trường, cũng như được tập huấn tại Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu trước kỳ thi diễn ra khá kỹ lưỡng, thậm chí thầy giám đốc sở có nhắn nhủ các thầy cô "coi thi không cần phải sáng tạo, chỉ cần làm trúng quy trình, trách nhiệm và làm đúng nguyên tắc 5 rõ: rõ người - rõ việc - rõ quy trình - rõ kết quả - rõ trách nhiệm", chúng tôi vẫn lo...

Đến Côn Đảo lúc 8h ngày 23-6, tôi và các thầy cô được đón tiếp tận tình. Phòng nghỉ tại khách sạn rất thuận tiện, có thể đi bộ qua điểm thi nên khá yên tâm. Lo xa, sau khi nhận phòng, tôi và các thầy cô rảo quanh một vòng Trường THPT Võ Thị Sáu - điểm thi chúng tôi phụ trách - để "hiểu địa bàn".

Buổi chiều, chúng tôi đón 76 thí sinh đến làm thủ tục thi trong cảnh trời có nắng, mưa nhè nhẹ. Nói chung là khá thuận lợi cho các em. Theo đánh giá của chúng tôi, các em học sinh rất ngoan, hiền, lễ phép và nghe theo hiệu lệnh của hội đồng thi.

Tỉ lệ có mặt chiều nay là 100%, tôi và các anh chị em đều vui khi coi như cơ bản xong nhiệm vụ đầu tiên của ngày đầu, chờ ngày mai chính thức gánh trọng trách.

Hơn 20 năm trước đây, anh hai tôi là thanh niên tình nguyện ra xây dựng Côn Đảo và trở thành cư dân của đảo từ ngày đó. Nay, tôi lại được ra đảo để góp một phần nhỏ bé trong sự kiện quan trọng này. Cũng thấy vui vui...

ThS Phùng Thị Thùy Trang (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - HUTECH)

TS Nguyễn Kim Quang (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):

kim quang

TS Nguyễn Kim Quang

Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều kỳ thi của học sinh phải trải qua suốt quá trình học phổ thông. Bộ GD-ĐT cho biết nội dung đề thi vẫn sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu chương trình lớp 12, nên học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức là có thể làm bài tốt.

Dù vẫn là kỳ thi "2 trong 1", nhiều trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển nhưng năm nay thực tế thí sinh có nhiều cơ hội vào ĐH hơn do các trường đều có phương thức xét tuyển đa dạng (học bạ, đánh giá năng lực...). Như vậy thí sinh cần tuân thủ đúng quy chế thi, không nên nghĩ đến chuyện gian lận để tạo sự tự tin, thoải mái nhất cho mình.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, phụ huynh có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019):

ngoc khoi

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi

Kỳ thi THPT quốc gia có tầm ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Vì vậy, cả xã hội đòi hỏi tính nghiêm túc, sự công bằng đối với tất cả thí sinh tham gia kỳ thi này phải được đảm bảo ở mức độ cao nhất.

Tôi tin rằng với quyết tâm của ngành giáo dục sau những vụ việc tiêu cực trong kỳ thi năm ngoái, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức nghiêm túc, hạn chế được tiêu cực. Làm tốt điều này cũng đã góp phần tạo cho thí sinh có tâm lý thoải mái hơn khi bước vào kỳ thi và phụ huynh cũng phần nào yên tâm, từ đó mọi áp lực từ kỳ thi sẽ giảm đáng kể.

Ông Đinh Thế Hiển (phụ huynh ở TP.HCM):

the hien

Ông Đinh Thế Hiển

Hai năm trước khi con gái tôi thi xong, có người hỏi: "Em có lo lắng về kết quả thi?". Con gái vui vẻ nói: "Dạ không, vì cha em nói nếu không đậu trường công thì học đại học tư cũng được!".

Tôi nói vậy là thiệt tình, vì ngoại trừ những em học rất giỏi và có chí làm nhà khoa học cần thi tốt để vào các trường hàng đầu về công nghệ như Y dược, Bách khoa..., còn lại nếu không đậu trường công thì học trường tư cũng được, miễn sao trong 4 năm đó rèn luyện tiếng Anh cho giỏi, luyện tinh thần lanh lẹ, tháo vát, không ngại khó, sẵn sàng học hỏi người khác thì ra trường đi làm dần dần sẽ có chỗ đứng trong công ty hoặc kinh doanh.

Thực tế nhiều em như vậy có công việc tốt và kiếm tiền nhiều hơn những em chỉ học giỏi kiểu mọt sách, giải bài thi của thầy cô...

Ông Võ Văn Trí (49 tuổi, làm nghề chạy xe ba gác ở Phú Quốc, có con đi thi):

vo van tri

Ông Võ Văn Trí

Tui đọc trên báo nghe nói những năm trước thi tốt nghiệp xảy ra tiêu cực, mua bán điểm mà lo quá. Thấy con mình chăm học, thầy cô bảo với sức học của nó khả năng đậu đại học rất cao nhưng tui vẫn không an tâm.

Tui mong muốn làm sao kỳ thi phải thật sự nghiêm túc trong tất cả các khâu từ coi thi đến chấm thi để thí sinh con nhà nghèo như con tui không bị thiệt thòi.

Ông Trần Vũ Cường (Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ, có con đi thi):

tran vu cuong

Ông Trần Vũ Cường

Xem báo chí thời gian qua, tôi thấy một số nơi có tiêu cực nhưng đã được xử lý rốt ráo, tôi và nhiều phụ huynh cũng tin tưởng phần nào. Nếu con có thực lực thì đậu vào trường tốt, không thì vẫn còn nhiều đường để đi, tôi chưa bao giờ ép buộc con phải học theo ý mình.

T.HUỲNH - D.KHÁNH - T.TRANG ghi

Gần 900.000 thí sinh thi môn văn: Gần 900.000 thí sinh thi môn văn: 'Chắc đề nói về gian lận thi cử'

TTO - Trời còn mờ sáng, trên đường phố cả nước, khá đông phụ huynh đã 'tải' con đến các điểm thi THPT quốc gia 2019.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ Thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên