Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu về vấn đề hòa bình Trung Đông tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, Mỹ ngày 28-12 - Ảnh: Reuters |
Bất kể những nỗ lực tốt nhất của chúng ta trong nhiều năm qua, giải pháp hai quốc gia hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng ta không thể không làm gì, không nói gì mà không có cảm giác tội lỗi khi chúng ta chứng kiến hi vọng về hòa bình đang vuột mất |
Ngoại trưởng Mỹ JOHN KERRY |
Bài phát biểu ngày 28-12 của ông John Kerry thể hiện những quan điểm chỉ trích gay gắt nhất đối với chính sách định cư của Israel. Nó cũng thể hiện thái độ mệt mỏi một cách khác thường của vị ngoại trưởng Mỹ với quốc gia vốn là đồng minh lâu dài trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa ông sẽ mãn nhiệm.
Chương cuối đầy trắc trở
Trong bài phát biểu dài 70 phút, ông Kerry cho rằng Israel “sẽ không bao giờ có được hòa bình thật sự” với thế giới Ả Rập nếu họ không đi tới được một thỏa thuận dựa trên thực tế: người dân của Israel và Palestine phải sống trên lãnh thổ của đất nước họ.
“Rốt cuộc, chúng ta không thể không thấy có lỗi khi bảo vệ những yếu tố cực đoan trong phong trào định cư vì nó cố tình phá hoại giải pháp hai quốc gia. Chúng ta cũng không thể không thấy có lỗi khi làm ngơ trước các hành động của Palestine đã thổi bùng thù hận và bạo lực. Nước Mỹ không có lợi gì trong việc giúp đỡ bất cứ bên nào thành lập một quốc gia duy nhất” - ông Kerry tuyên bố.
Ngay lập tức, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã “phản pháo” cho rằng ông Kerry có quan điểm thiên vị.
Ông Netanyahu nhận định ngoại trưởng Mỹ “đã chỉ nhằm vào vấn đề định cư” mà hầu như không động chạm tới “cái gốc của cuộc xung đột”, đồng thời cho biết Israel không cần các nhà lãnh đạo nước ngoài “lên lớp” và ông chờ đợi sẽ được làm việc với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã cam kết sẽ theo đuổi những chính sách ủng hộ Israel khi chính thức nắm quyền.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết ông tin tưởng về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình với Israel, tuy nhiên điều này chỉ có thể khả thi trong điều kiện Israel phải chấm dứt xây dựng khu định cư trước khi nối lại những cuộc đàm phán.
Những quan điểm của ông John Kerry và sau đó là những phản bác của ông Netanyahu cho thấy chương cuối trong mối quan hệ Mỹ - Israel dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Mối quan hệ trắc trở kéo dài đó rơi xuống điểm thấp nhất vào thứ sáu tuần trước (23-12) khi lần đầu tiên trong gần 40 năm, Washington từ chối dùng quyền phủ quyết của họ, mở đường cho Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết lên án và yêu cầu Israel chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của Palestine mà nước này chiếm đóng.
Nghị quyết đó không chỉ là sự bác bỏ dứt khoát với ông Netanyahu, mà còn với cả Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông có động thái gây áp lực phủ quyết trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hiên Quốc bỏ phiếu.
Israel chiếm đóng khu vực Bờ Tây và Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh năm 1967. Hiện có khoảng 570.000 người Israel đang sinh sống tại Bờ Tây và Đông Jerusalem. Kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2009, số người Do Thái tới định cư ở khu vực này đã tăng thêm 100.000 người. Đây cũng là nơi cư trú của hơn 2,6 triệu người Palestine.
Quan hệ Israel - Palestine thời “hậu Obama”
Giới quan chức Israel kỳ vọng sẽ nhận được cách đối đãi thiện chí hơn từ chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên những quan điểm gay gắt của ông John Kerry khiến Israel lo ngại chính quyền mới sẽ bị đặt vào thế phải có những động thái phòng thủ.
Từ đó rất có thể sẽ dẫn tới việc nhiều nước khác gia tăng áp lực, trong đó có cả nguy cơ kích động thêm phong trào tẩy chay, trừng phạt chống lại Israel, đặc biệt tại châu Âu.
Ngay từ trước bài phát biểu của ông John Kerry, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích cách hành xử của chính quyền Tổng thống Barack Obama với Israel.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ dời đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv tới Jerusalem và cũng đã bổ nhiệm một luật sư từng quyên góp tiền cho một khu định cư lớn của người Do Thái làm đại sứ.
Mặc dù lên án các khu định cư của Israel nhưng ông John Kerry vẫn bảo vệ những cam kết hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Obama với vấn đề an ninh của Isarael, cũng như ủng hộ Israel trên các diễn đàn quốc tế. Đầu năm nay, Mỹ và Israel đã thống nhất về khoản hỗ trợ quân sự trị giá 38 tỉ USD trong thập kỷ tới.
Tại Jerusalem ngày 28-12, Israel đã phê chuẩn dự án xây dựng tòa nhà cao tầng cho người định cư tới Đông Jerusalem. Washington coi những hoạt động xây dựng này là bất hợp pháp và hầu hết các nước xem đó là vấn đề gây trở ngại cho tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
Cả Israel và Palestine đều dẫn các chứng cứ liên quan tới kinh thánh, lịch sử và chính trị cũng như những lợi ích an ninh để khẳng định chủ quyền của họ tại các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Ý nghĩa của nghị quyết số 2334 Nghị quyết số 2334 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án và yêu cầu Israel chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của Palestine mà nước này chiếm đóng. Nghị quyết này khẳng định thêm một lần nữa sự đồng thuận lâu dài của quốc tế trong quan điểm cho rằng việc xây dựng các khu định cư của Israel trên lãnh thổ của Palestine là trái phép, và đó là yếu tố cản trở cho giải pháp hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Israel và Palestine. Nói cách khác, nghị quyết đó là một cách để cô lập Israel, để cho họ thấy rằng cả thế giới đều cho rằng việc họ làm là sai trái. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận