Tại Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) trung bình mỗi giường bệnh ở đây có 3-4 bệnh nhân nằm điều trị, một số người không có giường nằm phải nằm dưới nền gạch và cả dưới gầm giường - Ảnh: Hữu Khoa |
Đem thông tin này đến với một số bệnh nhân, đặc biệt là người nhà của các bệnh nhi, người lạc quan thì cho đó là tin vui đầu năm mới, nhưng nhiều người lại hoài nghi “có thật không?”.
Có thể thông cảm với những người hoài nghi về tính khả thi của lời cam kết bởi nhiều năm qua, quá tải bệnh viện đã trở thành căn bệnh nan y, dường như không có thuốc chữa của ngành y tế. Đến các bệnh viện tuyến trên, luôn thấy bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người, thậm chí 4-5 người một giường.
Nằm ghép đã trở thành chuyện bình thường đến mức ai cũng cam chịu, chẳng buồn phàn nàn, kêu ca vì biết có kêu cũng chẳng giải quyết được gì.
Vì sao các bệnh viện tuyến trên quá tải, phải nằm ghép giường bệnh? Câu hỏi này đã có hàng trăm lời giải thích nhưng đơn giản chỉ là người bệnh đến bệnh viện mong được chẩn đoán đúng bệnh, được chữa trị bởi những bác sĩ có chuyên môn cao. Vì lẽ đơn giản này, bất chấp các quy định của ngành y tế, của bảo hiểm xã hội, người bệnh vẫn cứ đổ về bệnh viện tuyến trên.
Và dù xa xôi, phải chờ đợi thế nào, dù phải nằm trong phòng bệnh chật hẹp, nóng bức, thậm chí phải nằm gầm giường, nằm hành lang, nằm sát nhà vệ sinh... người bệnh và thân nhân của họ vẫn chấp nhận.
Những người đã lặn lội đường xa để đến tuyến trên khám chữa bệnh luôn cho rằng bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới chưa tạo được niềm tin để họ có thể yên tâm điều trị. Không chỉ người bệnh, ngay cả người trong ngành y tế cũng tỏ ra nghi ngờ khó thực hiện trọn vẹn cam kết này vì thực tế cho thấy càng chống thì bệnh viện càng quá tải.
Không thể phủ nhận những năm gần đây Bộ Y tế đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp giảm tải bệnh viện.
Từ đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng thêm số giường bệnh, mở các bệnh viện vệ tinh, nâng cao năng lực khám chữa bệnh đến chuyển giao kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở, thực hiện đề án bác sĩ gia đình, nâng công suất sử dụng của các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh... Song những biện pháp đó còn phải chờ thêm thời gian chứng minh hiệu quả.
Quá tải bệnh viện đã trở thành “bệnh” mãn tính, khó chữa nên cam kết của Bộ Y tế chỉ có thể trở thành hiện thực khi các biện pháp tháo gỡ phải sát với thực tế và được thực hiện một cách đồng bộ bởi những người thật sự tâm huyết, hiểu và xem những nỗi khổ của người bệnh và thân nhân của họ cũng là nỗi khổ của chính mình.
Đặc biệt, dù là biện pháp gì thì cũng phải đạt mục tiêu xây dựng được niềm tin cho người bệnh vào bệnh viện tuyến dưới và tuyến y tế cơ sở chứ không chỉ là những biện pháp cơ học, máy móc, xa rời thực tế.
Đã quyết tâm, đã cam kết thì phải thực hiện. Sự hoài nghi, băn khoăn sẽ tan dần khi người bệnh không còn phải vất vả những ngày trị bệnh. Đừng phải chờ đến hết năm, mà trong thời gian gần, người bệnh phải thấy sự thông thoáng được tái lập ngay trong phòng bệnh, giường bệnh.
Một năm có thể là quá ngắn để trị căn bệnh quá tải bệnh viện, nhưng người dân vẫn mong chờ một kết thúc có hậu cho lời cam kết không còn cảnh bệnh nhân phải nằm ghép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận