30/03/2023 14:00 GMT+7

Mong gặp những dự án khởi nghiệp độc đáo từ Tuổi Trẻ Start-Up Award

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay bà rất mong muốn được gặp gỡ những dự án khởi nghiệp độc đáo, nhất là không xuất phát từ hệ thống hàn lâm.

Mong gặp những dự án khởi nghiệp độc đáo từ Tuổi Trẻ Start-Up Award - Ảnh 1.

Cuộc thi khởi nghiệp CiC - sân chơi khởi nghiệp được Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hằng năm - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Từ giải thưởng Tuổi Trẻ Start-up Award, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ về vai trò của trường đại học trong bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam.

Không nên chỉ đẩy mạnh khởi nghiệp cho sinh viên trường đại học

* Thời gian gần đây có rất nhiều cuộc thi về khởi nghiệp trên cả nước. Bà cảm nhận gì trước xu hướng nở rộ những cuộc thi như thế?

- Ở một mức độ nhất định, khởi nghiệp chưa thực sự trở thành một phần trong văn hóa ở Việt Nam.

Các cuộc thi tìm kiếm giải pháp, ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức có tác động giúp cộng đồng hiểu hơn về khởi nghiệp, về những hành trình khởi nghiệp mà có thể trước đây họ chưa quen thuộc.

Từ việc hiểu biết, tham gia nhiều hơn vào khởi nghiệp, cộng đồng sẽ có thêm những ý kiến, kiến nghị về các chính sách liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước. Các chính sách nhờ vậy sẽ đi sát với thực tế hơn nữa và góp phần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cả nước.

Tuy nhiên, tôi nghĩ sự phát triển về số lượng của các cuộc thi khởi nghiệp cũng có một mặt khác. Theo tôi quan sát, phần nhiều cuộc thi đang tập trung vào đối tượng chính là sinh viên, các bạn chuẩn bị ra trường hoặc những bạn tốt nghiệp chưa lâu.

Không thể phủ nhận rằng trong môi trường đại học, sinh viên chính là một động lực lớn cho hoạt động khởi nghiệp. Các bạn có kiến thức, được đào tạo bài bản, có nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng các bạn vẫn thiếu kinh nghiệm và còn nhiều hạn chế. Nếu chỉ đẩy mạnh thúc đẩy khởi nghiệp cho nhóm đối tượng này thì chưa thật sự toàn diện.

* Theo bà, khi nào sẽ là một độ tuổi chín muồi cho khởi nghiệp?

- Tôi nghĩ sẽ không thể có một công thức chung. Với những ngành như công nghệ thông tin, các bạn trẻ dường như có thể dễ dàng khởi nghiệp hơn, do khả năng mở rộng kiến thức trong ngành được mở rộng rất nhiều từ Internet. Nhiều bạn trẻ rất giỏi đã có những mô hình khởi nghiệp hay trong lĩnh vực công nghệ thông tin khi còn rất trẻ.

Nhưng ngược lại, một số lĩnh vực đòi hỏi nhất định bạn phải có trình độ chuyên môn sâu và cần có thời gian, kinh nghiệm nhiều trong ngành trước khi có thể bắt đầu một dự án khởi nghiệp riêng. Chẳng hạn, những start-up về công nghệ sinh học lớn trên thế giới phần nhiều được sáng lập từ những chuyên gia, những giáo sư trong lĩnh vực này.

Mong gặp những dự án khởi nghiệp độc đáo từ Tuổi Trẻ Start-Up Award - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo - Ảnh: NVCC

Khi giảng viên trường đại học có tinh thần khởi nghiệp

* Trường đại học thường được xem như một cấu phần quan trọng bậc nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, dường như vai trò của trường đại học vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng trong bức tranh khởi nghiệp ở Việt Nam?

- Trường đại học thường là môi trường của những tri thức mới, công nghệ mới, nên có rất nhiều tiềm năng cho hoạt động khởi nghiệp. Dù vậy hiện nay, các chính sách về khởi nghiệp trong trường đại học tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình, mô hình các công ty spin-off trong trường đại học ở các nước đã được quốc tế đẩy mạnh nhưng tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ và vướng phải không ít rào cản chính sách.

Một câu chuyện khác với tôi là tư duy khởi nghiệp của các thầy cô trong trường đại học. Họ là những người có chuyên môn, có kinh nghiệm, nên sẽ có nhiều điều kiện để bắt đầu một dự án khởi nghiệp. Các thầy cô cũng có thể cùng nhau kết nối thực hiện một số dự án chung.

Quan trọng hơn một dự án khởi nghiệp thực tế là một tư duy, tinh thần khởi nghiệp. Thầy cô cần được huấn luyện, làm quen với khởi nghiệp. Khi đã hiểu sâu sắc, họ có thể truyền đạt những kiến thức đúng đắn về khởi nghiệp cho nhiều thế hệ sinh viên của mình.

Dù vậy, rào cản cũng không ít, đặc biệt về chính sách. Việc cho phép các thầy cô thành lập những công ty spin-off vẫn còn nhiều vướng mắc. Các quy định hiện vẫn chưa có sự kết nối. Thậm chí một số quy định đang thúc đẩy thầy cô đi theo hướng nghiên cứu chạy theo số lượng các công bố khoa học quốc tế thay vì gắn nghiên cứu với thương mại hóa sản phẩm.

* Là thành viên trong hội đồng tư vấn của giải thưởng Tuổi Trẻ Start-up Award 2023, bà có những kỳ vọng gì?

- Tôi nghĩ các cuộc thi khởi nghiệp được các cơ quan báo chí tổ chức sẽ có độ uy tín cao và sức lan tỏa mạnh mẽ. Hơn nữa, với một tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, đối tượng dự thi sẽ rộng mở hơn. Tôi rất mong muốn được gặp gỡ những dự án khởi nghiệp độc đáo, nhất là không xuất phát từ hệ thống hàn lâm.

Tôi cũng mong có thể tiếp xúc những công ty đã khởi nghiệp một khoảng thời gian, đã phát triển đến một chừng mực trong vòng đời khởi nghiệp, đã có những thành công nhất định đến tham dự cuộc thi. Những câu chuyện từ các start-up này sẽ mang tới nhiều giá trị cho cộng đồng.

Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award

Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.

Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó có 2 start-up được hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với giá trị 100 triệu đồng/giải.

Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...

Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.

MINH HUỲNH

Mong gặp những dự án khởi nghiệp độc đáo từ Tuổi Trẻ Start-Up Award - Ảnh 6.

Tuổi Trẻ Start-Up Award: Giải thưởng truyền cảm hứng, niềm tin cho khởi nghiệp Tuổi Trẻ Start-Up Award: Giải thưởng truyền cảm hứng, niềm tin cho khởi nghiệp

Đồng hành nhiều năm cùng giải thưởng Tuổi Trẻ Start-Up Award, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) Nguyễn Thị Diệu Hằng chia sẻ góc nhìn xoay quanh giải thưởng và câu chuyện khởi nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên