Vợ chồng ông Hà Đức và bà Ngô Thị Bích hạnh phúc với thành viên mới của gia đình - Ảnh: Tấn Lực |
Một gia đình đang âu sầu vì cảnh hiếm muộn bỗng sớm mai thức dậy mở cửa, họ phát hiện một đứa trẻ đỏ hỏn bị bỏ rơi. Thật không khác một món quà đẹp đẽ mà ở tuổi quá nửa đời người đôi vợ chồng ấy được nhận.
Điều kỳ diệu
Cách đây chưa lâu, báo Tuổi Trẻ (ngày 17-12-2015) có bản tin về một bé trai gần 2 tháng tuổi bị bỏ rơi trước nhà đôi vợ chồng không con tại xã Hương An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Căn nhà vợ chồng ông Hà Đức (51 tuổi) và bà Ngô Thị Bích (50 tuổi) tại thôn 5, xã Hương An những ngày này rộn rã hơn thường nhật. Ngay giữa phòng khách bày la liệt xe nôi, bình sữa, đồ chơi trẻ em, bà Bích hai tay ẵm thiên thần nhỏ vào lòng, luôn miệng hát ru dỗ bé vào giấc ngủ.
Bà Bích quay đầu cười, nói nhỏ: “Em mới đi chích ngừa về, trong người nóng sốt mới khó chịu vậy chớ mọi hôm em ngoan lắm, không có quấy mẹ đâu”.
Từ hôm phát hiện bé và được chính quyền xã Hương An nhờ chăm sóc trong thời gian đăng tin tìm người thân, vợ chồng bà ngày đêm mong ngóng thời gian trôi thật nhanh cho hết 30 ngày để được làm thủ tục nhận nuôi bé. Họ đã chuẩn bị mọi thứ cho sự có mặt của một đứa con. Tên con cũng được hai vợ chồng thống nhất sau nhiều ngày suy nghĩ: Hà Ngô Gia Phúc, hàm ý có được bé làm con là phúc đức của gia đình.
Ông Đức kể vợ chồng lấy nhau nhiều năm mới sinh được một cô con gái, không may lúc 3 tuổi bé vĩnh viễn ra đi sau một tai nạn. Từ đó hai người thui thủi sống với nhau. Kinh tế gia đình không túng thiếu nhưng cuộc sống hằng ngày thiếu bóng con cái cứ trôi qua trong buồn tẻ.
Nhận bé về chăm sóc, gia đình ông bận bịu hẳn lên, hai vợ chồng luống cuống chia nhau pha sữa, thay tã, ru bé ngủ quên cả thời gian. Những ngày đầu còn lạ hơi người bé quấy khóc suốt, hai vợ chồng phải thức trắng đêm dỗ dành, nay bé đã quen với gia đình mới.
Cùng ngồi trò chuyện, ông Đinh Xuân Trịnh, cán bộ tư pháp xã Hương An, hồ hởi nói mới 10 ngày đăng tin đã có bảy người xin nhận cháu bé làm con nuôi. Ông Trịnh cho biết theo nguyên tắc, nếu quá thời hạn đăng tin mà người thân của cháu bé không đến nhận thì quyền nuôi dưỡng sẽ ưu tiên trước hết cho người phát hiện ra bé. “Bà Bích bảo hai vợ chồng sống với nhau quá nửa đời người mà thiếu bóng hình con bên cạnh, hễ nghe ở đâu có trẻ bỏ rơi là hai vợ chồng lục tục đến xin nuôi nhưng vẫn chưa xin được”- ông Trịnh nhớ lại.
Bé Phạm Tấn Trung Kiên ngoan ngoãn trên tay cụ Dương Thị Nhớ - Ảnh: Tấn Lực |
Mong con giàu nghị lực
Tìm gặp lại cụ Dương Thị Nhớ (75 tuổi) tại khối phố 1, phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), người đã ôm hài nhi bị bỏ rơi còn nguyên dây rốn đến bệnh viện cấp cứu, chúng tôi vui mừng hay tin em bé đó đang sống trong yêu thương cùng với gia đình mới của mình.
Cụ Nhớ nhớ lại đó là sáng sớm 1-12, nghe mấy người tập thể dục hớt hải báo tin có trẻ con khóc trong cái bọc nilông trước cửa nhà, cụ ra mở bao và kinh hãi khi thấy một đứa trẻ sơ sinh còn nguyên nhau thai, dây rốn. Trời lạnh căm mà trên người bé không có một mảnh vải, da tím tái, bê bết máu và dính đầy lá cỏ, lá chuối khô.
Được cấp cứu kịp thời bé trai ấy đã khỏe mạnh trở lại, được vợ chồng ông Phạm Tấn Khương (46 tuổi) và bà Trần Thị Hà (42 tuổi), là hàng xóm cụ Nhớ, nhận làm con nuôi. Bà Hà phấn khởi khoe hôm phát hiện, cân nặng của bé mới 2,8 ký, đến nay mới đầy tháng mà bé đã nặng 4,2 ký.
Hai vợ chồng bà Hà cưới nhau 13 năm mà chưa có con dù chạy chữa nhiều nơi. Nhưng bà Hà nói cả hai chưa từng nghĩ tới chuyện nhận con nuôi vì điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Tuy nhiên, khi gặp giọt máu bị bỏ rơi, bà đã không thể cầm lòng: “Tôi thấy hoàn cảnh bé xót xa quá nên thương, nên nhận, chứ hai vợ chồng chưa chuẩn bị được gì nhiều”. Lương công nhân hai vợ chồng mỗi tháng được chừng 5 triệu đồng, trong đó tiền gửi con, tiền sữa, bỉm, tã lót đã ngốn hết hơn 3,5 triệu đồng, số tiền còn lại hai vợ chồng chi tiêu dè sẻn.
“Bây chừ khó khăn chút nhưng vợ chồng tui chịu được, có đứa con trong nhà càng có không khí gia đình”, bà cười nói xuề xòa, hai tay ôm chặt đứa bé.
Sau nhiều ngày lấy ý kiến người thân và... lên mạng tham khảo, ông bà đặt tên cho con là Phạm Tấn Trung Kiên. Cái tên mang ý nghĩa mong con sống kiên cường, tràn đầy nghị lực để làm người có ích. “Chúng tôi đặt tên này vì sợ sau này con lớn lên, biết được hoàn cảnh mà tủi thân, nhụt chí thì có thêm động lực để vượt qua”- bà Hà chia sẻ.
Theo số liệu của Sở Lao động - thương binh & xã hội tỉnh Quảng Nam, năm 2014 toàn tỉnh có 9.245 trẻ mồ côi không nơi nương tựa và trẻ bị bỏ rơi, trong năm 2015 con số này là 8.995 trẻ. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em, cho biết các trường hợp bỏ rơi trẻ hầu hết là gia đình nghèo đông con và trẻ vị thành niên lầm lỡ. Một nửa số trẻ bị bỏ rơi được cộng đồng tại đó đón nhận nuôi dưỡng, số còn lại phần lớn được đưa vào các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận