Ðạo diễn Phillippe Rostan trả lời phỏng vấn mục Gõ cửa ngàymới ngày 7-6 trên VTV1: “Ý định sẽ về VN để làm phim Hoa sen đã nảy sinh khi tôi gặp hình ảnh hoa sen ở nhà bà Madeleine Riffaud thời điểm thực hiện phim Madeleine Riffaud và ba cuộc chiến. Bà Madeleine là người đã gặp Bác Hồ năm 1946 và bây giờ ở nhà bà vẫn treo một poster có hình hoa sen với câu nói của Bác Hồ: Không có gì quý hơn độc lập - tự do. Bác Hồ là người đoàn kết tất cả các dân tộc VN với một tinh thần rất cao. Tôi cũng muốn làm phim Một ngày của Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch...”. |
* Hình như có một mẫu số chung cho những người nghệ sĩ Việt sống ở Pháp là tác phẩm của họ ít khi thoát ra được ám ảnh một thời VN là thuộc địa của Pháp, còn anh?
- Tôi ít bị ảnh hưởng bởi điều đó hơn mọi người vì tôi có cha người Pháp nhưng mẹ là người Việt. Trong gia đình tôi, nếu nhắc đến chuyện Pháp đã từng đô hộ VN thì tôi luôn đứng về phía VN dù có thể những quan điểm của tôi là khởi đầu của sự tranh cãi giữa tôi và ba tôi... Ðiều đó cũng tự nhiên thôi vì tôi rất yêu mẹ, và tôi đồng cảm với những suy nghĩ rằng mỗi quốc gia cần có sự độc lập, tự do và dân chủ của riêng họ.
Với tôi, quan điểm này không đơn thuần là một quan điểm chính trị. Tôi là một người lai và có thể nói tôi lai cả dòng máu cũng như văn hóa. Tôi học trường Pháp từ nhỏ, chỉ nói tiếng Việt với người thân và một số người Việt khác. Nhưng gia đình tôi rất đông đúc, có đến 11 anh chị em và ngay cả khi sang Pháp sau năm 1975 thì mẹ tôi cũng luôn có ý thức giáo dục chúng tôi về những truyền thống của người Việt. Tôi nhớ là mẹ luôn cho chúng tôi nghe nhạc cổ của VN, nó thấm vào chúng tôi rất nhiều và trở thành một nền tảng khó phai.
* Anh trở về VN lần đầu tiên khi nào? Lúc đó anh là ai?
- Tôi trở về VN năm 1992 với vai trò là trợ lý của đạo diễn Pierre Schoendoerffer trong phim Ðiện Biên Phủ. Tôi được chọn có lẽ bởi tôi là một người có chuyên môn điện ảnh, mang dòng máu Việt, biết tiếng Việt. Và tôi chọn công việc này (khi đó tôi cũng đang có một số dự án tại Pháp) vì tôi biết nhờ thế tôi sẽ được trở lại, sống ở VN trong bảy tháng. 28 tuổi, tôi đã đi lần lượt từ Bắc vào Nam và càng đi càng cảm động dù VN mình khi đó phải nói là còn nghèo, ít người nói tiếng Anh, tiếng Pháp. Vậy mà sau đó quay lại, năm năm sau, mười năm sau, VN thay đổi đến kinh ngạc.
* Và sự trở về đó có phải là cái cớ cho những phim sau của anh đều lấy đề tài từ VN?
- Ðúng thế. Ngay cả phim ngắn đầu tiên của tôi (Les Nems moi non plus) - chịu không biết dịch sang tiếng Việt là gì, chỉ biết nó liên quan đến món nem và câu chuyện hài hước. Nhưng người Pháp xem phim này thì không biết đó là câu chuyện đùa, họ tin là thật. Sau Ðuôi thằn lằn (phim truyện), tôi tiếp tục khai thác đề tài VN với Nước VN thân yêu, Kẻ xa lạ được xem là người Pháp hay Madeleine Riffaud và ba cuộc chiến... (Phim đã được giới thiệu trên Tuổi Trẻ ngày 29-4 qua bài Buổi phim xao động - PV). Lý do cũng đơn giản thôi, tôi đã rời VN từ khi mới 11 tuổi, và tôi biết càng sống lâu ở Pháp thì bản sắc Việt trong tôi có lẽ càng mờ đi. Cách tôi chọn làm phim về VN chính là để tìm lại bản sắc Việt của chính mình.
* Nguyên cớ nào để anh tìm ra Madeleine Riffaud và làm phim khi tưởng như người ta đã lãng quên bà?
- Tôi tìm ra Madeleine Riffaud khi đang thực hiện phim Hồ Chí Minh - một con người. Chúng tôi đã quay Madeleine Riffaud và ba cuộc chiến trong ba tháng với mỗi tuần hai buổi và chỉ làm việc sau 4g chiều. Lý do là năm 20 tuổi, Madeleine đã phải chứng kiến cảnh tra tấn cũng như bản thân bị tra tấn thời phát xít Ðức nên từ đó bà không bao giờ ngủ trước 5g sáng và chỉ thức dậy vào lúc 2g chiều. Tôi muốn kể một câu chuyện về chiến tranh qua con mắt của Madeleine Riffaud và có tôi trong đó. Madeleine đã từng gặp Picasso, Che Guevara, Hồ Chí Minh... và đã đi qua ba cuộc chiến, đi qua lịch sử không phải với tư cách người chứng kiến mà thật sự can dự vào.
* Madeleine Riffaud và ba cuộc chiến là phim tài liệu nhưng được kể theo cách của một phim truyện, anh có nghĩ như vậy câu chuyện sẽ nhiều phần chủ quan?
- Mỗi người có một cách kể chuyện. Tôi đã xem nhiều phim tài liệu VN, tôi thấy phim quay rất hay mà cách kể chuyện chưa thuyết phục. Khi tôi dựng phim, tôi đặt mình vào vị trí khán giả, đặt ra trong đầu nhiều câu hỏi. Và là người làm phim, tôi phải có cách trả lời hay dẫn dụ người xem tìm được câu trả lời cho những câu hỏi đó. Tôi muốn thu hút khán giả nên tận dụng thủ pháp của phim truyện khi xử lý câu chuyện cũng như tư liệu. Làm phim tài liệu, mình phải lui cái tôi của mình ra để chấp nhận cái tôi của các nhân vật. Họ là những “món quà” được trao cho tôi. Tôi nhận được rất nhiều từ những “món quà” đó.
* Anh đang quay Chợ tình Sapa và Hoa sen, hai phim này sẽ dẫn anh đi đến đâu?
- Tôi đã từng là một đứa trẻ bị dứt ra khỏi cuộc sống ở VN nên dường như trong tâm trí luôn có một sự hồi hướng. Tôi luôn tiếc những gì đã hoặc có thể mất đi. Với hai phim trên là cảm giác chung như vậy. Xã hội phát triển đã kéo theo nhiều thay đổi mà không phải sự thay đổi nào cũng mang hơi hướng tích cực. Với Chợ tình Sapa tôi muốn nói về sự thay đổi đó. Với Hoa sen - loài hoa được coi như biểu tượng của người Việt, tôi muốn nhắc đến vấn đề bản sắc. Xã hội thay đổi, vậy bản sắc của người VN có thay đổi hay không? Hai phim này sẽ được chiếu trong Ðêm phim Việt ở Pháp dự kiến tổ chức vào đầu tháng 10 năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận