Cả dãy nhà khu vực đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM bị cháy đêm 30-12-2014 - Ảnh: Thanh Tuấn |
Cuối năm, mối lo cướp giật, trộm cắp, ma túy có nhẹ hơn do tập trung được những người nghiện hút, kéo giảm được tai nạn giao thông, nhưng một mối lo khác lại đè nặng lên mọi người, đó là hỏa hoạn - một trong ba thứ xếp hàng đầu trong mối lo truyền thống “thủy, hỏa, đạo tặc”.
Những gia đình ba thế hệ đang sống yên ấm bỗng chốc không còn một ai, cả gia tài chắt bóp một đời bỗng chốc thành tro bụi, cả một sản nghiệp bị thiêu rụi khiến doanh nghiệp phá sản, cả một dãy phố đông vui phút chốc thành tan hoang...
Nếu nhìn lại, chúng ta thấy phần lớn các vụ hỏa hoạn ở thành phố đều bắt nguồn từ sự sơ suất của một ai đó. Những người thợ hàn do tay nghề kém, do vô ý hoặc do trình độ nhận thức quá kém làm tàn lửa hàn rơi xuống các vật dễ cháy.
Tương tự, những người làm bảng quảng cáo, lắp đặt đèn trang trí chỉ biết làm cho đèn sáng để bàn giao cho người đặt hàng mà không đủ nhận thức hoặc do dễ dãi nên không thèm quan tâm đến sức chịu tải của mỗi loại dây điện và khả năng chịu nhiệt của các thiết bị kèm theo.
Những người làm các công việc liên quan đến an toàn đời sống như thợ điện, điện lạnh, gas, nước, viễn thông, xây dựng cần được học hành, đào tạo bài bản, trong khi ở thành phố này bất cứ ai cũng dễ dàng trở thành thợ mà không hề có sự kiểm tra bằng cấp, tay nghề của cơ quan công quyền.
Hơn thế nữa, kiểu cấu trúc phố thị của Hà Nội, TP.HCM theo dãy được kết hợp bởi các nhà hình ống lại với nhau là loại nhà ẩn chứa nguy cơ cháy nổ và rủi ro cực kỳ cao.
Nhà chung tường chạy dài không có khoảng ngắt cho nên một nhà cháy là chỉ sau vài ba phút đã lan ngay sang nhà hàng xóm.
Các căn nhà lại đấu lưng vào nhau nên hầu như không có đường thoát hậu, những nhà xây mới hay cải tạo đều có hình dáng như một cái ống bêtông dựng đứng, bít bùng, cửa nẻo chắc chắn, khóa kỹ bên trong tưởng là an toàn, nhưng kỳ thực lại là nhốt mình vào một cái thùng không có đường ra, một ngọn lửa bốc lên bên trong, người ngoài muốn giúp cũng không thể làm gì được.
Đã đến lúc sở phòng cháy chữa cháy cần tham gia trực tiếp nhiều hơn nữa trong việc quy hoạch, kiến trúc và thiết kế đô thị theo hướng lấy an toàn làm đầu.
Bản thân mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cũng phải rà soát lại căn hộ, căn nhà của mình xem có điều gì không ổn nếu hỏa hoạn xảy ra để sửa chữa lại và tự đặt kịch bản cho gia đình một khi có cháy nổ trong nhà hay từ hàng xóm.
Một điều nữa, các cơ quan chức năng của thành phố phải cân nhắc khi cấp giấy phép cho các cơ sở dịch vụ, các cơ sở sản xuất có nhiều vật liệu dễ gây ra cháy nổ ở khu vực nội thành và lẫn trong khu dân cư.
Có một thực tế là hầu hết các cơ sở dịch vụ ở TP.HCM chính là nhà ở cải tạo lại.
Nhà hàng, quán ăn, quán karaoke có chức năng dịch vụ, giải trí, tụ tập rất đông người, do vậy dù có cố gắng cải tạo đến đâu thì một căn nhà có chức năng cư trú chuyển sang làm dịch vụ cũng không thể đảm bảo thỏa mãn được các yêu cầu chức năng.
Nếu một người chủ nhà cho thuê nhà làm quán karaoke, các dịch vụ dễ cháy nổ thì họ cùng chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm với cơ quan công quyền về an toàn cháy nổ và cam kết với hàng xóm về điều này, đồng thời các gia đình hàng xóm cũng được quyền tham gia giám sát vào quá trình xây dựng, thiết kế lại và lắp đặt các thiết bị, một khi thấy không bảo đảm thì có quyền kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm.
Nghe có vẻ khó chịu nhưng như thế tốt hơn khi sự cố xảy ra ai cũng chỉ biết than trời và đổ lỗi cho người khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận