13/11/2018 16:51 GMT+7

Mọi âm thanh chợt tắt

DƯ PHƯƠNG LIÊN (Hà Nội)
DƯ PHƯƠNG LIÊN (Hà Nội)

TTO - LTS: Sẽ như thế nào nếu một ngày nào đó ta không thể nghe, không thể nhìn: mọi âm thanh, ánh sáng vụt tắt? Điều đó thật khủng khiếp! Nhưng không hẳn là thế...

Mọi âm thanh chợt tắt - Ảnh 1.

Nếu không bị điếc, chắc tôi cũng không có những khoảng lặng để nhìn thật sâu vào bản thân mình.

Năm nay tôi 37 tuổi, có thể tạm coi là đã sống hết phân nửa cuộc đời nếu tôi đủ thọ như tuổi thọ trung bình của người Việt.

Trong suốt quãng thời gian đằng đẵng ấy có biết bao khoảnh khắc đáng nhớ, đáng lưu dấu. Nhưng không giây phút nào để lại nỗi ám ảnh sâu sắc cho tôi bằng giây phút cách đây 11 năm.

Ngồi khóc bên cầu thang

Hôm ấy là một chiều mùa hè tháng 6, khi tôi đang mang thai đứa con đầu lòng được 5 tháng thì một biến cố ập đến. Mọi âm thanh của cuộc sống đột nhiên vụt tắt hoàn toàn bên tai tôi.

Không thể diễn tả hết cảm giác hoảng hốt, sợ hãi của tôi lúc đó, chỉ nhớ rằng tôi đã kêu lên "Mẹ ơi" rồi ngồi sụp xuống chân cầu thang, òa khóc nức nở...

Mẹ chạy đến hỏi han những gì, tôi không biết. Tiếng nói của mẹ lào thào như gió thổi, còn xung quanh tôi chìm sâu vào sự yên ắng lạ thường. Trời đất trước mặt tôi như chao đảo, mọi vật cứ thế nhòe đi trong nước mắt.

Và từ đó, vĩnh viễn tôi không còn nghe thấy gì nữa. Nguyên nhân gây ra việc mất thính giác của tôi bắt nguồn từ hai khối u đang ngủ yên trong não. Nhưng để biết được điều đó thì phải mãi sau này, còn lúc ấy không ai hiểu lý do vì sao.

Trước đó, tôi đã có nhiều biểu hiện về căn bệnh này như đau đầu, mất ngủ, ăn uống hay nôn ọe, sức nghe kém dần. Vậy mà đi khám nhiều lần vẫn không phát hiện, các bác sĩ đều lầm tưởng là những triệu chứng của ốm nghén.

Đến khi tôi sinh con xong mới tiến hành chụp cắt lớp não và phẫu thuật cắt bỏ khối u. Suốt 9 tháng ròng tôi phải chiến đấu với căn bệnh vô hình chưa gọi thành tên.

Bao nhiêu đau đớn, khổ sở về thể xác không nhớ nữa, chỉ biết rằng đến thời điểm gần sinh con thì tôi đã liệt cả hai chân, hai tay, ăn cơm phải có người xúc, đi vệ sinh phải có người bế.

Sau khi phẫu thuật, trải qua một quá trình tập luyện bền bỉ, kiên trì, sức khỏe của tôi cuối cùng cũng dần bình phục. Chân tay tuy yếu ớt nhưng vẫn hoạt động bình thường, ăn ngủ đã trở về quỹ đạo. Chỉ duy nhất cơ quan thính giác là không thể hồi phục được nữa...

Tìm đến với sách và tôi viết

Cuộc sống của tôi bị xáo trộn hoàn toàn kể từ giây phút đó. Mọi mơ mộng về một tương lai đẹp đẽ đều sụp đổ tan tành. Công việc dạy học của tôi vừa mới có chút thành công nho nhỏ đã chấm hết. Cuộc hôn nhân vừa mới bắt đầu của tôi đã bị bóng đêm đè nặng.

Nghỉ việc, ở nhà, không giao tiếp được với ai, cách biệt so với thế giới bên ngoài, tôi đau khổ, tự ti, cô đơn, buồn chán đến mức mỗi đêm nằm xuống chỉ muốn mình ngủ thiếp đi mãi mãi, không bao giờ dậy nữa.

Nhưng thực tế phũ phàng không vì thế mà dừng lại và tôi vẫn phải sống, vẫn phải ngày ngày đối mặt với khuyết tật của mình. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi phát hiện ra thế mạnh mới của bản thân và tìm ra niềm đam mê đích thực của đời mình.

Không trò chuyện được với ai, tôi tìm đến sách để bầu bạn, lúc đầu là đọc cho vui, để giết thời gian, về sau là đọc để trau dồi hiểu biết của bản thân. Sách và xa lộ thông tin mênh mông trên mạng đã mở ra cho tôi một chân trời mới, cao rộng, tuyệt vời hơn rất nhiều những điều tôi từng biết.

Đọc nhiều, đọc mãi, tự nhiên đến một lúc những ý tưởng trào dâng trong tôi, thôi thúc tôi viết ra điều gì đó của riêng mình. Và thế là những tản văn, bài báo đầu tiên ra đời, dần dần tôi đã tạo dựng được một phong cách riêng.

Thời đi học sợ viết bao nhiêu thì bây giờ tôi lại yêu thích công việc viết lách bấy nhiêu, một ngày không viết là thấy khó chịu, bứt rứt trong lòng.

Tôi còn ấp ủ giấc mơ sẽ xuất bản một quyển tự truyện, với mục đích truyền tải thông điệp đẹp đẽ về tình yêu cuộc sống, vượt lên hoàn cảnh kém may mắn của bản thân để những ai còn đang đau khổ về bệnh tật như tôi trước đây vững tin hơn vào sự kỳ diệu của số phận.

Tôi nhận ra tôi

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, tôi không còn lo mình cô đơn thui thủi với bốn bức tường nữa. Hằng ngày, hằng giờ được trò chuyện với bạn bè, lắng nghe những lời động viên chia sẻ chân thành, chan chứa yêu thương, tâm hồn tôi như mềm lại, sáng trong ra.

Đôi lúc tôi khóc, đôi lúc tôi cười và trên hết là cảm động tận đáy lòng sự quan tâm ưu ái đặc biệt của mọi người.

Từ bạn gần đến bạn xa, từ bạn cũ đến bạn mới, bạn thân đến không thân, ai cũng góp phần vào việc vực tôi dậy, dắt tôi đi, cho tôi nhìn thấy cuộc sống còn quá nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Nếu không bị điếc, có lẽ tôi không biết đến cái gọi là sức mạnh của tình yêu thương bằng lời. Nếu không bị điếc, chắc tôi không thể đồng cảm sâu sắc với tất cả những ai chẳng may bị thiệt thòi khuyết tật.

Nếu không bị điếc, chắc tôi cũng không có những khoảng lặng để nhìn thật sâu vào bản thân mình. Và cuối cùng, tôi nhận ra tôi đã trưởng thành hơn xưa rất nhiều: biết hàm ơn cuộc sống từ những điều to tát, lớn lao đến điều nhỏ bé, bình dị nhất.

Hiện tại, tôi hoàn toàn bằng lòng với khuyết tật của mình, không còn mơ về một phép mầu nào nữa.

Buổi chiều ngồi khóc bên cầu thang năm nào, tưởng rằng cuộc đời này thế là hết vĩnh viễn nhưng thật không ngờ đó chỉ là sự bắt đầu cho một ngã rẽ mới, để tôi khám phá ra nghị lực sống của bản thân, tìm thấy niềm đam mê viết lách ẩn sâu bên trong mình và hiểu được đâu là những giá trị đích thực của cuộc sống.

Đúng như người ta thường nói: cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Thế nên tôi sẽ mãi trân trọng, lưu giữ khoảnh khắc ngồi khóc bên cầu thang để nhắc nhở mình dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho bạn một con đường.

Rất nhiều niềm vui

Ngoài ra, tôi còn dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu thế giới công nghệ. Sử dụng thành thạo các phần mềm trong dạy học giúp tôi tự tin mình không bị lạc hậu với bước tiến của giáo dục.

Thỉnh thoảng bạn bè, đồng nghiệp cũ vẫn nhờ cậy tôi giúp đỡ trong công việc. Thậm chí, có khoảng thời gian tôi còn được hàng xóm tin tưởng gửi con để dạy kèm dù họ biết tôi không nghe thấy gì.

Làm được nhiều việc có ích cho mọi người, tôi thấy lòng mình vui tươi trở lại, thế giới xung quanh bỗng nhiên sống động, tràn đầy âm thanh rộn rã.

Từ ngày 5 đến 12-11, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Thị Hồng Gấm, Trần Tiến Duẫn, Vũ Thị Hoài Thương (TP.HCM); Phạm Thế Nhung (Quảng Bình); Lê Anh Tưởng (Huế); Trần Thúy Nga (Nghệ An); Nguyễn Thị Phúc, Viên Phước (Đồng Nai); Lê Thị Lan (Bình Dương); Nguyễn Thị Kim Phụng, Huỳnh Đặng Thụy Trâm Anh (Cần Thơ); Nguyễn Thị Cẩm Vân (Long An); Trần Công Hương (Vĩnh Long); Lê Kim Cúc (Kiên Giang)...

hdbank

đồng hành cùng cuộc thi này

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"). Trân trọng.

DƯ PHƯƠNG LIÊN (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên