18/07/2022 21:39 GMT+7

Mở thêm hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện ích từ đây đến cuối năm

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Những tháng cuối năm, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có thêm trăm cửa hàng, điểm bán mới trong cuộc tăng tốc mở rộng thị phần của các nhà bán lẻ.

Mở thêm hàng trăm siêu thị, cửa hàng tiện ích từ đây đến cuối năm - Ảnh 1.

Người tiêu dùng có xu hướng chọn mua thực phẩm, hàng thiết yếu tại siêu thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 18-7, ông Nguyễn Văn Quý - phó tổng giám đốc phụ trách chuỗi WinMart+, cho biết từ nay đến cuối năm 2022, chuỗi này có kế hoạch mở mới hơn 700 cửa hàng WinMart+ và khoảng hơn 20 siêu thị/đại siêu thị WinMart.

Hiện kế hoạch vẫn đang được triển khai theo đúng tiến độ mà mục tiêu đặt ra. WinCommerce sẽ tập trung vào phát triển mô hình điểm bán đa tiện ích và cửa hàng nhượng quyền.

Các cửa hàng tích hợp đa tiện ích kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa thời gian, tiện lợi cho khách hàng, trong khi mô hình nhượng quyền sẽ là phương thức để thương hiệu WinMart+ hiện hữu nhiều hơn trong đời sống của người tiêu dùng Việt.

"Sau khi dịch bệnh, chúng tôi đánh giá đây là thời điểm để bước vào giai đoạn tăng tốc mở rộng quy mô sau khi hoàn tất chuyển đổi thương hiệu và tái cấu trúc thành công. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 300 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ được mở mới trên toàn quốc", ông Quý cho biết.

Ngoài mở rộng mạng lưới, chuỗi này cũng mở thêm một nhãn hàng riêng có tên Beng’s - chuyên về các loại thực phẩm tiện lợi, chất lượng tốt với giá thành bình dân.

Tương tự, Saigon Co.op với các chuỗi Co.op Food, Co.opSmile, Cheers cũng lên kế hoạch mở mới từ 80 đến 100 điểm bán trước khi kết thúc năm 2022. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển chuỗi Co.op Food vì mô hình này cho thấy tính ưu việt về diện tích, hiệu quả kinh doanh.

Một nhà bán lẻ khác cũng tăng tốc trong những tháng đầu năm là AEON Nhật Bản khi tập trung phát triển chuỗi siêu thị vừa và nhỏ thương hiệu AEON MaxValu. Doanh nghiệp này cho biết sẽ điều chỉnh, chuẩn hóa mô hình để nhân rộng và hướng đến 100 điểm bán vào năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm, các cửa hàng theo mô hình siêu thị tiện lợi đã liên tiếp được phát triển trong các khu dân cư nội đô, với diện tích từ 300 - 500m2/cửa hàng.

Từ sau dịch đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều xáo trộn liên quan câu chuyện đóng mở của các chuỗi, đặc biệt là các cửa hàng chuyên doanh như nhà thuốc, cửa hàng dành cho trẻ em, cửa hàng chuyên về mỹ phẩm, hải sản...

Trong đó, phân khúc bán lẻ thực phẩm ghi nhận sự chuyển động mạnh mẽ khi vai trò của chợ truyền thống bị "lu mờ" bởi các chính sách chống dịch hồi năm ngoái. Đặc biệt tại các thành phố lớn, hệ thống bán lẻ hiện đại trước đây chỉ chiếm 30% nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng nay tăng lên đến 40 - 50%.

Theo báo cáo của Vietnam Report, trong xu hướng tiêu dùng mới, mô hình bán lẻ đa kênh (omni-channel) đang được nhiều doanh nghiệp triển khai trên diện rộng để tăng độ phủ thị trường.

Một số mô hình bán lẻ khác đang được nhiều doanh nghiệp lên ý tưởng triển khai hoặc mới bắt đầu triển khai như cửa hàng trong cửa hàng (shop in shop), cửa hàng đa thương hiệu (multi-brand store) hay phát triển siêu thị, cửa hàng thành điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số...

Những chuyển động này làm cho thị trường bán lẻ hết sức sôi động hậu dịch COVID-19.

Tập đoàn sở hữu đại siêu thị GO! cam kết đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào Việt Nam Tập đoàn sở hữu đại siêu thị GO! cam kết đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào Việt Nam

TTO - Khoản đầu tư tăng thêm trị giá hơn 30 tỉ baht, tương đương 20.000 tỉ đồng, trong vòng 5 năm tới, vừa được Central Retail nhắc lại trong ngày 11-7 với mục tiêu kinh doanh mới.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên