10/03/2022 13:15 GMT+7

Mở rộng, phục dựng không gian lịch sử cho bến Bạch Đằng

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Hàng trăm ý kiến góp ý của người dân cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, quy hoạch kiến trúc, văn hóa…về công viên bến Bạch Đằng được nhóm nghiên cứu Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ tại hội thảo sáng 10-3.

Mở rộng, phục dựng không gian lịch sử cho bến Bạch Đằng - Ảnh 1.

Toàn cảnh bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều tiện ích để công viên bến Bạch Đằng hoàn thiện hơn

Sáng 10-3, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đã tổ chức hội thảo nghe các ý kiến đóng góp giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng - bờ sông Sài Gòn.

Trước đó, nhóm nghiên cứu khoa văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đã tiến hành khảo sát 360 người dân cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, quy hoạch kiến trúc, văn hóa… để ghi lại các góp ý sau thời gian bến Bạch Đằng được khai thác.

Tại hội thảo, PGS Nguyễn Ngọc Thơ - trưởng khoa văn hóa học (đại diện nhóm nghiên cứu) - cho biết còn nhiều góp ý của người dân để khu vực bến Bạch Đằng hoàn thiện hơn.

"Trong đó, một số ý kiến cho rằng khu vực công viên cần thêm bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống cây xanh, ghế đá, đèn chiếu sáng để đạt tiêu chí thoáng mát, sạch đẹp, văn minh.

Đối với khu vực bến tàu thủy cần cải tạo, chỉnh trang cấu trúc để đảm bảo tính liên tục của dòng chảy lịch sử, duy trì, phát huy nơi hội tụ của không gian thủy bộ, kết nối xuyên suốt được các không gian dọc hai bờ sông Sài Gòn, mở rộng và tăng chuyến tàu du lịch kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận", ông Thơ trình bày.

Cũng theo ông Thơ, nghiên cứu còn cho thấy người dân mong muốn TP cần mở rộng không gian cho giới trẻ tại khu vực chân cầu Thủ Thiêm 2. Xa hơn là có quy hoạch tổng thể chỉnh trang hệ thống công viên dọc hai bờ sông Sài Gòn, sông Bến Nghé, sông Thị Nghè, sông Kênh Tẻ tạo sự kết nối đồng bộ.

Nhiều chuyên gia cũng có những đóng góp mà TP cần chú ý trong việc lập quy hoạch, cải tạo chỉnh trang các công trình, không gian công cộng sau này.

TS Dương Ngọc Dũng (ĐH Hoa Sen) nhận định để quy hoạch tốt TP cần có một triết lý xuyên suốt. Việc này giúp cho quy hoạch đồng nhất tránh sự hổ lốn, vừa cũ vừa mới không ăn nhập trong các công trình.

Còn việc thực hiện thì cần có phân tầng chức năng cho từng ngành để họ có chuyên môn thực hiện. TP là đầu mối chỉ đạo và định hướng chung cho quy hoạch đó.

Mở rộng, phục dựng không gian lịch sử cho bến Bạch Đằng - Ảnh 2.

Người dân kỳ vọng TP.HCM sẽ cải thiện được các khiếm khuyết của bến Bạch Đằng và có nhiều hơn những không gian như vậy - Ảnh: TỰ TRUNG

Mở rộng và gợi nhớ các "mốc" lịch sử

Góp ý cho hội thảo, ông Trần Hữu Phúc Tiến cho rằng bến Bạch Đằng cần phải phân định rõ khái niệm cho khu vực bến Bạch Đằng là công viên, bến, hay không gian văn hóa.

"Tôi là một người gắn với Sài Gòn từ nhỏ, và từ thời điểm đó người ta đã gọi nơi đây là bến - tức nơi ra vào của tàu thuyền. Xưa cũ hơn nữa, thời chúa Nguyễn cũng gọi nơi đây là bến Ngự. Do đó dựa vào khái niệm mà chúng ta sẽ có hướng cải tạo, chỉnh trang phù hợp.

Xa hơn việc quy hoạch không chỉ dừng lại ở bến Bạch Đằng, mà là cả hai bờ sông Sài Gòn, tạo cảnh quan xuyên suốt", ông Phúc Tiến nhận định.

Còn TS Nguyễn Thị Hậu (giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) đánh giá bến Bạch Đằng là đại diện cho Sài Gòn ngay cả trong câu hát "Dừng chân trên bến" được nhắc đến trong bài Sài Gòn đẹp lắm.

Tính chất của khu vực này là không gian công cộng với nhiều chức năng. Theo dòng lịch sử thì cần mở rộng nó ra tới tận khu vực Cầu Mống (ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ Lớn) và đầu còn lại là tới cầu Thủ Thiêm 2.

Có thể chia khu vực này làm 3 phần để quy hoạch:

Thứ nhất là phục dựng không gian tàu thuyền du lịch đi đến từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu Mống như trước đây.

Thứ 2 là không gian từ cột cờ Thủ Ngữ đến công trường Mê Linh. Hiện nay người dân đến rất nhiều, do đó cần phải quy hoạch, thiết kế để phục vụ người dân, du khách. Phần dưới sông có thể phục dựng bến phà theo hướng du lịch giúp gợi nhớ lại và tăng thêm các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa.

Thứ 3 từ công trường Mê Linh đến cầu Thủ Thiêm 2 là không gian cho giới trẻ.

Còn TS Trương Hoàng Trương - trưởng khoa đô thị học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) - nhận định TP.HCM và Nam Bộ có hệ thống giao thông thủy với kênh rạch, sông ngòi dày đặc. Do đó quy hoạch cần chú ý tới đường thủy để chia sẻ bớt sự quá tải cho giao thông bộ. Từ bến Bạch Đằng có thể phát triển rộng hơn vấn đề này.

Tạo biểu tượng Sài Gòn trên bến Bạch Đằng Tạo biểu tượng Sài Gòn trên bến Bạch Đằng

TTO - Tiếp tục vệt bài 'chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng', Tuổi Trẻ giới thiệu thêm những ý tưởng khả thi từ các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà sử học…

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên