10/07/2021 09:51 GMT+7

Mở rộng đối tượng tiêm vắc xin ngừa COVID-19: Ai, địa phương nào được ưu tiên?

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TTO - Bộ Y tế hướng dẫn chiến dịch này triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho các tỉnh, thành đang có dịch, khu vực kinh tế trọng điểm, tỉnh thành đông dân cư...

Mở rộng đối tượng tiêm vắc xin ngừa COVID-19: Ai, địa phương nào được ưu tiên? - Ảnh 1.

Người dân sẽ dần làm quen với sổ sức khỏe điện tử, phục vụ tiêm chủng - Ảnh: Đ.THIỆN

Theo quyết định vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành, chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được triển khai từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022 với mục tiêu "tối thiểu 50% người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong năm 2021, đến hết quý 1-2022, con số này là 70%".

Chiến dịch này sẽ được triển khai tại tất cả xã phường trên toàn quốc, sử dụng đồng thời tất cả loại vắc xin đủ điều kiện, từ các nguồn cung ứng khác nhau, huy động tối đa các lực lượng trong và ngoài ngành y tế để triển khai tiêm chủng.

Mở rộng đối tượng, ai được tiêm?

Theo quyết định của Bộ Y tế, toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Như vậy, nhóm đối tượng được tiêm ngừa đã mở rộng ra nhiều lần so với nghị quyết 21 áp dụng trước đây.

Cụ thể, các đối tượng tiêm ngừa được mở rộng như sau:

- Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân).

- Người tham gia phòng chống dịch (tổ COVID-19 cộng đồng, thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, người làm nhiệm vụ tại các khu cách ly, tham gia truy vết, tình nguyện viên, phóng viên...).

- Lực lượng quân đội, lực lượng công an.

- Nhân viên ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi làm việc tại các nước; nhân viên ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

- Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

- Giáo viên, người làm việc, học sinh sinh viên tại các cơ sở giáo dục, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

- Người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi.

- Người sinh sống tại các vùng có dịch.

- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

- Người được cơ quan có thẩm quyền cử đi học tập, công tác, làm việc ở nước ngoài, hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, làm việc và học tập ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch, cơ sở dịch vụ thiết yếu như nhà hàng ăn uống, lưu trú, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế, bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng/khu du lịch.

- Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.

- Người lao động tự do.

- Các đối tượng khác theo quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế hoặc chủ tịch UBND tỉnh, TP và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho quỹ vắc xin.

Tổ chức triển khai như thế nào?

Bộ Y tế hướng dẫn chiến dịch này triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho các tỉnh, TP đang có dịch, tại từng địa phương ưu tiên cho người ở vùng đang có dịch. Các khu vực được ưu tiên khác là khu vực kinh tế trọng điểm, tỉnh thành đông dân cư hoặc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; tỉnh, TP có biên giới và cửa khẩu quốc tế.

Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, Bộ Y tế đề nghị các địa phương sử dụng "Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19", với 4 thành phần: "Cổng thông tin công khai tiêm chủng" tại địa chỉ tiemchungcovid19.gov.vn; Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành và Ứng dụng sổ sức khỏe điện tử. Bộ Y tế cũng cho biết thông tin về đăng ký và kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung liên quan sẽ được cập nhật liên tục trên cổng trong thời gian diễn ra chiến dịch.

Một trong số các nội dung được quan tâm là an toàn tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, dây chuyền lạnh, nhân lực... Bố trí buổi tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng sẵn có, trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ, sẽ bố trí các điểm tiêm chủng tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng và xếp lịch tiêm theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho người dân đăng ký tiêm. Vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách tiêm chủng ở từng khu vực cũng được cập nhật trên cổng này.

Sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng trên toàn quốc

Ngày 9-7, Tập đoàn Viettel công bố sẵn sàng triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc, theo nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao. Nền tảng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Nền tảng đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng sổ sức khỏe điện tử hoặc cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.

Với ngành y tế, nền tảng này đảm bảo mục tiêu kép vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu. Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành - logistics... để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.

Dự kiến hôm nay 10-7, Thủ tướng Chính phủ sẽ bấm nút vận hành nền tảng, khởi động chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 quốc gia sẽ diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh thành, với 19.500 điểm tiêm chủng.

ĐỨC THIỆN

Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng ban chỉ đạo

Cùng với đó, phó trưởng Ban tiêm chủng quốc gia gồm có lãnh đạo các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Ban có các tiểu ban tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; tiểu ban tiêm chủng; tiểu ban an toàn tiêm chủng; tiểu ban giám sát chất lượng vắc xin; tiểu ban ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tiêm chủng và truyền thông.

Sáng 9-7, Bộ Y tế đã tiếp nhận 2 lô vắc xin tổng số gần 1,2 triệu liều, tính từ đầu tháng 7 đã có gần 1,7 triệu liều vắc xin về Việt Nam, cuối tuần này sẽ có thêm 2 triệu liều Moderna do Mỹ hỗ trợ thông qua COVAX. Bộ Y tế cho biết dự kiến trong tháng 7 sẽ tiếp nhận 8,7 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19.

TP.HCM cần trên 2,3 triệu liều vắc xin để tiêm cho các đối tượng ưu tiên TP.HCM cần trên 2,3 triệu liều vắc xin để tiêm cho các đối tượng ưu tiên

TTO - TP.HCM cần trên 2,3 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho 10 nhóm đối tượng ưu tiên. Thông tin này vừa được ngành y tế TP.HCM thống kê và báo cáo.

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên