25/06/2015 16:19 GMT+7

Nam giới cảm giác áp lực, nữ giới thấy không bình yên

L.ANH
L.ANH

TTO - Khuôn mẫu “đàn ông là trụ cột gia đình” vẫn khá phổ biến, dẫn đến áp lực cho nam giới, trong khi đó ở nữ giới tồn tại cảm giác không thảo mãn, không bình yên.

Có đến gần 14% nữ giới cảm thấy không bình yên khi sống cùng gia đình, cao hơn hẳn so với nam giới (chưa tới 10%) do họ cảm thấy bất bình đẳng về phân công việc nhà, tình cảm của bạn đời, bạo lực gia đình.

Trong khi đó, nam giới cho rằng họ chịu nhiều áp lực hơn nữ giới trong kiếm tiền nuôi gia đình, cân bằng giữa công việc và gia đình, quan hệ với họ hàng và phụng dưỡng người già.

Đó là những thông tin được trình bày dựa trên một khảo sát vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) thực hiện trong tháng 5-6 vừa qua.

Khảo sát này vừa được công bố sáng nay 25-6 tại Hà Nội. 

Theo khảo sát này, mô hình gia đình hai thế hệ với bố mẹ và con được trên 93% người ủng hộ.

Các tiêu chí được quan tâm khác như thành viên trong gia đình tôn trọng tự do cá nhân và sự riêng tư của nhau, gia đình được họ hàng và làng xóm tôn trọng, vợ và chồng không ngoại tình, ông bà được con cháu phụng dưỡng là những yếu tố được quan tâm.

Cũng theo khảo sát này, tầm quan trọng của hôn nhân vẫn được đề cao, chỉ hơn 10% người được hỏi ủng hộ gia đình đơn thân hoặc sống chung do không kết hôn.

Theo thạc sỹ Phạm Thanh Trà, thành viên nhóm nghiên cứu, điều đáng chú ý trong nghiên cứu là người tham gia vẫn rất quan tâm đến các giá trị liên quan đến tinh thần, tình cảm, như cần sự yêu thương giữa người trong gia đình (trên 74%), 41% coi trọng giá trị riêng tư và tự do cá nhân, 37% đề cao tính trung thực. Bên cạnh đó, nhóm nữ được hỏi đề cao tiêu chí vợ/chồng không ngoại tình cao hơn nhóm nam (36% so với nhóm nam chỉ 17%).

Bà Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng trước đây người ta coi chức năng sinh sản, duy trì nòi giống là chức năng cốt lõi của gia đình, chức năng tình cảm ít được chú ý, nhưng ngày nay chức năng tình cảm được đưa lên hàng đầu, các thành viên mong mỏi gia đình thật sự là tổ ấm khi người ta trở về.

Bà Phương cũng cho rằng xã hội hiện đại cũng ghi nhận tỷ lệ ly hôn cao hơn.

“Đó cũng là thể hiện yêu cầu tình cảm, tình yêu cao hơn, người ta đặt vấn đề này quan trọng hơn. Trước đây người ta sợ phá vỡ vỏ bọc, nay người ta muốn sống cho mình, muốn sống cho bản thân hơn”- bà Phương nhận xét.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên