11/06/2015 16:42 GMT+7

Việt Nam không còn nạn bạo hành gia đình

KHÁNH HƯNG
KHÁNH HƯNG

TTO - Thời gian gần đây, trên báo chí lại nổi lên nhiều câu chuyện về nạn bạo hành trong gia đình. Điều này khiến tôi mơ về 20 năm nữa, khi mở tờ báo ra sẽ không còn bắt gặp những câu chuyện bạo hành gia đình như hôm nay.

Những mái ấm đúng nghĩa

Có lẽ ai sinh ra và lớn lên đều mong mình được sống trong một gia đình hòa thuận. Cha mẹ, con cái yêu thương nhau, sẽ không tránh khỏi những hờn ghen, trách móc nhưng tất cả đều được giải quyết bằng sự lắng nghe, thấu hiểu. Vợ chồng không giải quyết những mâu thuẫn bằng bạo lực.

Còn gì tuyệt vời hơn khi những đứa con cũng có tiếng nói trong gia đình, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, được tôn trọng sở thích, ước nguyện, được mọi thành viên khác trong gia đình giúp đỡ, cùng đồng hành thực hiện ước mơ ấy.

Không còn gì tuyệt vời bằng những buổi chiều, giờ tan tầm cả gia đình lại quây quần bên mâm cơm tối. Nghĩa vụ giữa vợ chồng, con cái đều được san sẻ cho nhau. Sẽ không còn gánh nặng “công - dung - ngôn - hạnh” hay “tam tòng tứ đức” áp đặt lên vai người phụ nữ trong gia đình.

20 năm sau, mở tờ báo sẽ không còn bắt gặp những thông tin đau lòng như “Cha đánh con để ép mẹ quay về”, “Chồng dùng búa đánh vào đầu vợ đến chết”…

20 năm nữa, ai cũng ý thức được rằng gia đình là tổ ấm, là chốn để quay về và cùng vun đắp cho hạnh phúc gia đình ấy.

Tôi mơ về một xã hội Việt Nam như thế! Bởi gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình hạnh phúc chính là tiền đề để xã hội này phát triển. Sẽ chẳng ai mong ước một xã hội giàu có nhưng những gia đình vẫn tràn lan nạn bạo lực.

20 năm, một chặng đường không quá dài, hãy bắt đầu ngay hôm nay. 20 năm nữa tôi cũng bước vào tuổi “trạc ngoại ngũ tuần”, tôi sẽ lập gia đình và dĩ nhiên đó là một gia đình hạnh phúc, nói không với bạo lực.

Cần sự chung tay của cả xã hội

Trước hết cần làm cho những người trong gia đình hiểu thế nào là bạo hành gia đình. Đó không chỉ là những cú đấm, đá gây tổn thương về thể xác mà còn là sự bạo hành tinh thần qua việc chửi bới, đe dọa, tạo áp lực hay việc ép quan hệ tình dục, tạo ra khuôn mẫu bắt thành viên trong gia đình răm rắp làm theo.

Để người dân hiểu điều này cần mở các lớp tuyên truyền, phát nhiều sách đến tận tay để họ đọc, hiểu lúc nào thì mình bị bạo hành gia đình.

Ở nước ta phần lớn những vụ bạo hành gia đình xảy ra ở những gia đình nghèo, kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp hoặc lạm dụng rượu bia. Như vậy, muốn chấm dứt nạn bạo hành gia đình thì cần xây dựng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho những người nghèo, tổ chức nhiều lớp học về kỹ năng ứng xử trong gia đình.

Từ cha mẹ, con cái đều được đi học để hiểu về nạn bạo hành gia đình. Bên cạnh đó nên thực hiện cấm bán rượu bia vào những giờ, lứa tuổi nhất định.

Một thực tế thường thấy ở các làng quê là do nghèo dẫn đến túng quẫn, tìm đến rượu nên mất kiểm soát và nạn bạo hành xảy ra, chủ yếu là bạo hành thể xác bằng đánh đập.

Những gia đình giàu có lại thường xảy ra nạn bạo hành về tinh thần. Điều này cần giải quyết ở vấn đề bình đẳng giới, vì “phú quý sinh lễ nghĩa” nên nhiều gia đình vẫn giữ khư khư tư tưởng trọng nam khinh nữ, hoặc suy nghĩ phụ nữ phải theo tam tòng tứ đức. Thế nên khi bị bạo hành gia đình, họ vẫn cam chịu vì nghĩ “đó là chuyện bình thường, nói ra sẽ xấu mặt…”.

Đó là một phần của nguyên nhân sâu xa, để thoát khỏi tư tưởng ăn sâu bao đời nay như thế chỉ có một giải pháp là đi học những lớp về quyền, nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình. Người phụ nữ cần hiểu quyền lợi của mình, người đàn ông cần biết trách nhiệm của họ.

Một thực tế hiện nay là truyền thông lại đưa tin quá nhiều về những chuyện xấu trong gia đình. Trong khi những gia đình hạnh phúc rất khó tìm kiếm trên mạng Internet. Sự thiên lệch này khiến người dân mất dần niềm tin về những gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.

Vậy báo chí cần đi đầu trong chuyện này, chuyện xấu về bạo hành cần lên án, cần đưa tin nhưng những câu chuyện về gia đình hạnh phúc cũng cần viết lên để người dân đọc.

Hơn bao giờ hết, Luật phòng chống bạo lực gia đình cần làm rõ hơn. Tuy đã có hiệu lực từ năm 2008 nhưng chỉ đến khi những vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng thì người ta mới nhớ đến luật, mới sợ luật. Nhiều vụ còn phạt quá nhẹ, gây tâm lý “nhờn luật” và cứ thế nạn bạo hành tiếp diễn.

Vậy nên, hãy để những người từng bị bạo hành gia đình, những người chưa bị bạo hành gia đình, những người sắp lập gia đình góp ý, nêu ý kiến về Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Để làm được điều này trước hết cần mở một diễn đàn mà báo chí có nghĩa vụ đi đầu để những người ở trên vào đóng góp tiếng nói.

Sẽ còn nhiều giải pháp khác để ngăn chặn nạn bạo hành gia đình. 20 năm là một chặng đường không dài, nhưng đủ để xây dựng một thế hệ mới biết nói không với nạn bạo hành gia đình. Gia đình có tốt thì xã hội mới phát triển được.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại VN không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

KHÁNH HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận