Nhưng kẻ thất bại cũng nhiều vì sức lực, vốn liếng cạn kiệt trước thiên nhiên khắc nghiệt, hoặc vì “chính sách” của một số chính quyền địa phương. Và những ai không gục ngã, kiên cường đi trọn được con đường đầy thử thách này đã viết nên trang sử lấn biển đầy tự hào từ chính nghị lực và mồ hôi, nước mắt mình...
Kỳ 1:Cha, con và “cuộc chiến” lấn biển...Kỳ 2:Bàn tay tóe máuKỳ 3:Nước mắt của biểnKỳ 4: Giữ bãi đến cùng
Phóng to |
Bãi bồi hoang vu ngày xưa đã được anh Bảng quai đê, lấn biển để nuôi tôm quảng canh - Ảnh: Q.VIỆT |
Theo bước tổ tiên
Trời chập choạng tối, rét buốt trên bãi bồi huyện Giao Thủy, Nam Định. Chúng tôi chờ mãi mới gặp anh Đặng Kim Bảng đi làm đầm về. Đã 56 tuổi, người đàn ông quê biển này vẫn rắn rỏi nét lao động sạm nắng gió. Thấy khách lạ anh hơi bỡ ngỡ, nhưng rồi hào hứng cuốn ngay vào chuyện quai đê, lấn biển mà chính mình là người đi đầu ở nơi phù sa sông Hồng đổ vào biển Đông này.
Thật ra trước khi tìm anh Bảng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với phó giám đốc vườn quốc gia Xuân Thủy Nguyễn Phúc Hội. Gắn bó nhiều năm với vùng đất mới này, anh Hội biết khá tường tận những ai đã đổ mồ hôi và thành công, thất bại trong “cuộc chiến” giành giật đất đai đầy khắc nghiệt với biển cả. Nhắc đến anh Bảng, anh tỏ rõ sự khâm phục: “Vợ chồng anh ấy ra biển chỉ với bàn tay trắng, nhiều lúc đụng chuyện nọ chuyện kia tưởng đã ngã gục rồi mà vẫn đứng lên được đến hôm nay”. Nghe kể lại nhận xét này, anh Bảng chỉ cười nhìn ra biển: “Trước mặt tôi vẫn còn nhiều sóng gió lắm”.
Ngược thời gian trở lại mùa đông khó khăn năm 1987, vợ chồng anh Bảng vác cuốc ra bãi bồi giữa nhiều lời can ngăn. Anh Bảng chẳng trả lời, chỉ lầm lũi ra bãi. Cũng may chị Liên, vợ anh, rất đồng cảm với chồng. Nhắc chuyện những ngày đầu lấn biển, anh Bảng xúc động: “Hôm tôi đến nộp đơn xin giao đất, cán bộ Ban kinh tế mới Giao Thủy khoát tay chỉ bãi bồi Cồn Ngạn, nói sức làm được bao nhiêu cứ làm thoải mái”. Lúc ấy địa phương rất khuyến khích nông dân đồng bằng ra làm bãi bồi. Họ giao cho gia đình anh Bảng 40ha, nhưng ban đầu anh chỉ dám làm 29ha. Thật ra diện tích đó cũng đã là “cuộc cách mạng” ruộng đất với anh nông dân đang luẩn quẩn cày mảnh ruộng 5 sào trong đê.
Rồi chuyện quai đê giữ đầm của vợ chồng anh Bảng cũng thành tiêu biểu ở làng. Nhà nghèo mà dám liều lĩnh đi vay nóng, thuê gần 100 lao động nông nhàn quai đê. Có người khâm phục và cũng có người nói anh đã thành “địa chủ” rồi! Tuy nhiên, sự thật lúc đó anh chỉ dám thuê người đắp nhanh sườn đê kịp trước mùa mưa bão. Còn phần bồi đắp, gia cố đê chỉ có hai vợ chồng làm chính để tiết kiệm công thuê, mà thật ra cũng chẳng đủ tiền để trả nữa. Vợ anh đang nuôi con nhỏ phải gửi cho ông bà, ì ạch đào đất, đắp đê giúp chồng giữa những ngày đông rét thấu xương. Làm ngày không kịp, họ đốt đuốc làm cả đêm. Có lúc về đến nhà, chồng sốt, vợ cũng sốt, nằm nhìn nhau mà chảy nước mắt!
Tuy nhiên, cũng nhờ đẫm mồ hôi thực tế trên bãi bồi đã giúp anh Bảng nghĩ ra nhiều cách làm độc đáo. Chính anh là người chuyển từ cống sắt tốn kém, mau hư sang cống bêtông rẻ tiền và bền bỉ trong nước mặn. Một hôm anh ngồi nghỉ trên bãi, tình cờ thấy chiếc thuyền bêtông của dân chài Bắc bộ hay dùng. Anh lóe suy nghĩ nếu bỏ mũi và đuôi thuyền, rồi đắp kín phần hở bên trên là nó đã trở thành hộp cống thay ống sắt quá đắt đỏ. Ngay hôm sau, anh tự làm kiểu cống mới tiện, rẻ này và nó nhanh chóng được các chủ đầm khác làm theo...
Vượt qua sóng gió
Để mở rộng quy mô đầm bãi, anh Bảng kêu gọi thêm anh em dòng họ cùng lấn biển. Có người chung sức, bãi hoang nhanh chóng trở thành đầm nuôi quảng canh cá vược, tôm, cua rảo. Thời kỳ đầu chính quyền địa phương hứa miễn thuế bãi đầm năm năm, nhưng sau ba năm thì phát giấy thu thuế. Đến giờ anh Bảng vẫn không quên kỷ niệm hôm mình lên huyện hỏi lại chuyện này, bất ngờ bị công an giữ lại một đêm vì “tội chống lệnh”. Sáng hôm sau, khi anh đồng ý thanh toán “nợ” mới được thả về. Có đợt địa phương định thu hồi đất, cho đấu thầu lại và chuyển mô hình nuôi tôm bán công nghiệp. Thấy có nhiều điểm không phù hợp Luật đất đai, anh gửi thắc mắc lên Đài Tiếng nói VN về Luật đất đai năm 1993 và ghi âm bài trả lời của luật sư.
Anh đem băng lên xã, huyện mở cho cán bộ nghe thì bị trả lời: “Đài sai”. Mấy lần anh bị triệu tập, phê bình: “Đảng viên không được khiếu kiện tập thể”. Anh Bảng ứa nước mắt trả lời: “Chúng tôi là đảng viên và cũng là những người dân làm đầm bằng chính mồ hôi mình. Chúng tôi không khiếu kiện, tố cáo gì cả, mà chỉ có nguyện vọng thiết tha được tiếp tục làm theo đúng luật pháp”.
Cuối cùng, chính quyền địa phương cũng thay đổi quyết định kịp thời, không thu hồi đất, đổi hình thức nuôi trồng nữa, mà chuyển qua nộp thuế hoa lợi. Anh kể: “Một ngày tháng 10-2003, huyện gọi tôi và những người làm đầm lên họp với sự có mặt của cả công an, tòa án...”. Anh và những người khác thỉnh nguyện tiếp tục được làm đầm như cũ. Sau khi lắng nghe các ý kiến, lãnh đạo huyện ủy trả lời: “Đồng bào không đồng ý thay đổi thì thôi. Mọi người cứ yên tâm tiếp tục sản xuất”. Anh Bảng và những người làm đầm khác mừng đến ứa nước mắt trước quyết định hợp lòng dân. Nhắc kỷ niệm này, anh tâm sự trước ngày lên họp, vợ chồng đã nghẹn giọng bàn với nhau: “Nếu bị thu hồi đất chắc sẽ bỏ quê đi, chứ ở đây lấy gì mà sống!”.
Được tiếp tục đổ mồ hôi trên bãi đầm, anh Bảng và những người cùng thời quai đê, lấn biển như các anh Điệp, Lợi, Điềm, Hãn, Tài... mừng lắm! Họ ngược lên Quảng Ninh, lặn lội vào cả miền Trung, miền Nam học hỏi mô hình làm kinh tế bãi bồi. Trải nhiều đợt sóng gió, mà đặc biệt nặng nề là những trận mưa bão dồn dập hồi năm 2005-2006 phá tan thành quả của mồ hôi, nước mắt lấn biển, họ lại đứng dậy, làm lại từ đầu. Ngoài 20ha đầm Giao An, anh Bảng thuê thêm 4ha nuôi tôm ở Giao Thiện, huyện Giao Thủy. Gần đây, vợ chồng anh còn vượt sông Hồng, qua thuê bãi đầm nuôi với bạn bè bên huyện Tiền Hải, Thái Bình.
Bây giờ về bãi bồi Giao Thủy, Nam Định, hỏi tên ông chủ đầm Đặng Kim Bảng rất nhiều người biết. Một phần do anh tạo lập được cơ ngơi, sự nghiệp khá lớn ở quê biển này. Nhưng họ cảm phục nhất chính là ý chí kiên cường lấn biển, mở đất đến cùng của anh trước thiên nhiên khắc nghiệt và cả những “cơn sóng gió” trong lòng người. Đứng trước biển hôm nay, anh tâm sự với chúng tôi như tự sự với chính mình: “Thế hệ tôi chính là con cháu những nông dân nghèo khổ từng theo cụ Nguyễn Công Trứ đi quai đê, lấn biển, mở mang đất mới. Và chúng tôi tiếp tục đổ mồ hôi, nước mắt theo bước chân tổ tiên mình”...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận