22/11/2020 17:51 GMT+7

‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương được trao giải nhất, ông Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ông Hữu Thỉnh ký quyết định trao giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo từ 1975 đến nay cho 32 tác phẩm, tiểu thuyết từng gây tranh cãi ‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương được trao giải nhất. Ông Hữu Thỉnh cũng từ chối giải thưởng.

‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương được trao giải nhất, ông Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng - Ảnh 1.

Các tác giả nhận giải nhất giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo từ 1975 đến nay - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngày 22-11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trao giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay.

4 giải nhất được trao cho Đảo chìm Trường Sa (Trần Đăng Khoa); Mình và họ (Nguyễn Bình Phương); Ba phần tư trái đất (Thi Hoàng); chùm tác phẩm Từ biển mà đi, Thơ viết về biển, Mộ gió (Trịnh Công Lộc).

Ngoài ra là 10 giải nhì, 18 giải ba, các giải thưởng cho tập thể và hình thức tôn vinh đối với 12 tác phẩm.

Tại lễ trao giải, ông Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - được tặng hoa tôn vinh vì ông đã từ chối giải nhất được ban chung khảo bỏ phiếu trao giải cho Trường ca biển của ông.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Hữu Thỉnh cho biết Trường ca biển được 100% phiếu bầu của ban giám khảo trao giải nhất, nhưng ông "nhất quyết xin rút giải thưởng vì anh em đánh giá cao nhưng mình ký quyết định trao giải cho mình thì không hay".

‘Mình và họ’ của Nguyễn Bình Phương được trao giải nhất, ông Hữu Thỉnh từ chối giải thưởng - Ảnh 2.

Tác phẩm Mình và họ của Nguyễn Bình Phương - Ảnh: PHẠM XUÂN THẠCH

Trong 4 giải nhất được trao, đáng chú ý nhất là giải cho tác phẩm Mình và họ của Nguyễn Bình Phương. Trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây với Tuổi Trẻ, PGS.TS, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch đánh giá rất cao tác phẩm này và cho rằng nó xứng đáng phải được trao một giải thưởng quan trọng nào đó.

Năm 2015, cuốn này đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng hằng năm của hội này.

Ông Hữu Thỉnh cho biết cuốn này khi ra mắt vào 5 năm trước đã gây lên một cuộc tranh luận trong bạn đọc và trong ban giám khảo giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc đó, Hội Nhà văn Việt Nam cân nhắc trao giải cho tác phẩm này, nhưng đã vấp phải một số phản đối vì "cái kết ác quá".

"Lúc đó tình hình khác bây giờ, sau 5 năm chúng tôi thấy tác phẩm này rất có giá trị, đáng được khẳng định, trao giải nhất. Vấn đề bảo vệ biên giới đáng trân trọng. Cuộc chiến đấu với một đối phương giống ta, thuộc ta thì đội ngũ của ta phải trong lên, sạch lên để tăng sức mạnh nội lực mới có thể chiến thắng được, nên cái kết ấy là dũng cảm", ông Hữu Thỉnh nói về Mình và họ.

Về Mộ gió của Trịnh Công Lộc, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá rất cao ở việc nhà thơ này đã sớm vượt qua câu chuyện ý thức hệ để viết từ rất sớm về những người lính Việt Nam Cộng hòa đã hi sinh ở Trường Sa.

"Đại đoàn kết dân tộc mới quan trọng nhất chứ không phải ý thức hệ. Trịnh Công Lộc đã vượt qua giới hạn của ý thức hệ để nhìn về dân tộc, một giọng thơ dũng cảm", ông Hữu Thỉnh nói.

Về giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức và kéo rất dài từ 1975 đến nay, ông Hữu Thỉnh nói đây là quyết tâm rất lớn của ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhằm không bỏ sót một cố gắng nào, một tài năng nào, và quan trọng hơn là không lãng quên xương máu của đồng đội đã đổ xuống cho biên giới, hải đảo.

"Lãng quên xương máu của đồng đội là lỗi lớn không thể tha thứ được. Chúng tôi trao giải hôm nay không chỉ vinh danh tác giả mà còn là để tưởng nhớ những anh hùng hữu danh và vô danh đã hi sinh cho biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Hữu Thỉnh chia sẻ.

Ông cho biết giải thưởng này dự định sẽ được trao 5 năm một lần.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên