24/04/2025 13:37 GMT+7

Miễn visa thu hút khách du lịch nhưng kêu khó đến đâu mới mở đến đó

Chính sách visa hiện tại chưa hiệu quả nhiều để thu hút khách du lịch. Việc mở rộng visa là cơ hội mở toang cánh cửa cho du lịch Việt Nam tăng trưởng. Các doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp nhằm tối ưu hóa visa.

Miễn visa thu hút khách du lịch nhưng kêu khó đến đâu mới mở đến đó - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Vietravel, chia sẻ về vấn đề mở rộng visa thu hút khách du lịch tại hội thảo Việt Nam nên mở visa cho du khách nào? - Ảnh: T.T.

Ngày 24-4, tại hội thảo "Việt Nam nên mở visa cho du khách nào?" do báo Thanh Niên tổ chức, đã có nhiều nhìn nhận thẳng thắn về chính sách visa để thu hút du lịch. Việc "nới" visa là vấn đề không mới nhưng các doanh nghiệp, chuyên gia… cho rằng cần đặt tính tiếp cận mới với việc mở visa.

Chính sách visa chưa linh hoạt

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Vietravel, chia sẻ có hơn 10 năm nói về visa, năm nay là năm thứ 11.

"Chúng ta tiếp cận visa không đúng sẽ không thay đổi, sau dịch COVID-19 mở visa quá chậm, mất cơ hội vàng để du lịch Việt Nam bứt phá. Vậy khi đất nước vào kỷ nguyên mới, du lịch có mất cơ hội?

Quan điểm chung, nên nhìn visa trong định hướng kinh tế phát triển, trong đó xác định du lịch đóng vai trò ở đâu? Về visa, chúng ta vẫn nói mãi, kêu đến đâu mở đến đó, chưa có tiếp cận mới", ông Kỳ đánh giá chung.

Ông Kỳ so sánh trong các nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ 5 về cạnh tranh điểm đến. Về mở cửa visa, Singapore mở cửa 158 quốc gia, Indonesia 163, Thái Lan 93, Philippines 157, nhưng Việt Nam mới mở cửa 26 quốc gia trong khi e-visa của Việt Nam đến 80 nước.

Ông Kỳ thẳng thắn nói miễn visa cho ai, miễn như thế nào, nay nói lại nhiều câu chuyện của nhiều năm trước nhưng vấn đề visa chưa giải quyết hiệu quả, vì thiết kế cơ chế chính sách để phát triển kinh tế mũi nhọn thì chưa có; chính sách ít linh hoạt, visa chỉ là một phần…

Ông Kỳ lấy làm tiếc và đặt câu hỏi sự kiện 50 năm thống nhất đất nước, sự kiện lớn và biết từ năm ngoái, tại sao không miễn visa, chẳng hạn từ ngày 1-4 đến 1-6, khoảng 2 tháng, khách du lịch sẽ đến đông.

"Sau dịch, Thái Lan trong 90 ngày đổi 15 lần về chính sách visa, làm rất nhanh vì coi visa là công cụ, là mở hay không mở. Việt Nam coi visa là mở khóa, lâu và khó. Du lịch cởi trói cần chính sách cụ thể, thiết kế chính sách rất hay linh hoạt.

Miễn visa là khóa đầu tiên cho khách vào, nhưng cần phải linh hoạt. Tôi đề nghị mở visa học theo các nước, mở theo thị trường trọng điểm, mở theo sự kiện, mở theo mùa; mở theo đối tượng nhà giàu, nhà khoa học đối tác công tư; hợp tác song phương, hợp tác chiến lược, FDI… linh hoạt. 

Miễn visa linh hoạt cần cơ quan điều phối chung, còn đưa lên Thủ tướng Chính phủ cần ý kiến nhiều bộ, ngành, sẽ "hết giờ"", ông Kỳ nói.

Ông Kỳ kỳ vọng du lịch còn cơ hội khi mở visa linh hoạt trước hết mùa hè, ngày lễ 2-9 sắp đến.

Đồng quan điểm, ông Lương Hoài Nam, tổng giám đốc Bamboo Airways, thừa nhận visa là vấn đề không mới để thu hút du lịch, "nới" visa cũng đã nói nhiều năm nhưng chưa hiệu quả.

"Cần có cách tiếp cận mới về vấn đề visa, nên coi visa là công cụ tăng khả năng cạnh tranh điểm đến thì mới giải thêm được "khóa" visa như lâu nay đã bàn", ông Nam nhấn mạnh.

Để du lịch bứt phá, Việt Nam nên miễn visa cho du khách nước nào?

Theo ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cần chọn lọc đánh giá khi mở rộng thị thực thông thoáng, có chính sách phù hợp, có chọn lọc, không đại trà.

"Với thị trường nguồn để gửi khách, chưa được triển khai chính sách miễn thị thực như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và khu vực Trung Đông, cần mở rộng thị thực ngay.

Với các chuyên gia, công nghệ cao, nhà đầu tư, giới tinh hoa, tỉ phú… có đề xuất các loại visa như visa dài hạn, có thể kéo dài thời gian 5-10 năm; kèm quyền lợi đầu tư mua sở hữu bất động sản. Hay doanh nhân có đầu tư tối thiểu 10 triệu USD; hoặc visa nhân tài: thời hạn 5 năm với người có thu nhập 80.000 USD trở lên", ông Tài nói.

Miễn visa thu hút khách du lịch nhưng kêu khó đến đâu mới mở đến đó - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội thảo Việt Nam nên mở visa cho du khách nào? - Ảnh: T.T.

Ngoài ra ông Tài kiến nghị cần triển khai thân thiện, giảm bớt hàng rào phi thuế quan đối với du lịch quốc tế tại chỗ; tiếp tục ý tưởng thị trường visa ASEAN, đi một nước có thể đi nhiều nước; thủ tục đơn giản với visa khẩn, thăm khám chữa bệnh khẩn cấp, phát triển du lịch y tế…

Trong khi đó ông Nguyễn Quang Trung, trưởng ban kế hoạch phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia du lịch hàng đầu luôn áp dụng chính sách visa linh hoạt cùng chiến lược mở rộng mạng bay.

Ông Trung kiến nghị giải pháp trọng tâm về chính sách visa: "Miễn visa tập trung các quốc gia có dung lượng thị trường lớn, có tiềm năng phát triển về khách du lịch cũng như nhà đầu tư.

Trong đó bổ sung 20 quốc gia thuộc EU chưa được miễn, trong đó ưu tiên các quốc gia Thụy Sĩ, Ba Lan, Czech, Hungary và Bồ Đào Nha. Các nước thuộc Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada và Úc. Nhóm các thị trường mới như UAE, Saudi Arabia, Brazil".

Bên cạnh đó thí điểm miễn visa ngắn hạn trong 12 tháng cho các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Ấn Độ. Kéo dài thời hạn miễn visa tới 90 ngày cho khách châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và cấp visa dài hạn tới 24 tháng cho nhà đầu tư và chuyên gia. Đơn giản hóa e-visa, giảm thời gian xử lý xuống dưới 24 giờ.

Ngoài kiến nghị việc miễn visa cho các thị trường chiến lược, bà Nguyễn Thu Thủy, giám đốc marketing Tập đoàn Vingroup, kiến nghị nên triển khai mô hình miễn visa có điều kiện - gắn với sản phẩm du lịch cụ thể theo mô hình "visa gắn với sản phẩm".

Tức miễn visa chỉ nên áp dụng cho những du khách đăng ký tour trọn gói, lưu trú tại các cơ sở được cấp phép, có lịch trình rõ ràng và đi cùng các đối tác lữ hành quốc tế uy tín; hay chính sách thử nghiệm linh hoạt - theo mùa hoặc chiến dịch…

Phát triển du lịch cần làm đồng bộ chứ không chỉ visa

Ông Nguyễn Trùng Khánh, cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để phát triển cần làm đồng bộ chứ không phải chỉ chính sách visa.

Nói về giải pháp visa để phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo quốc phòng, ông Khánh nói các giải pháp đề xuất theo hướng này sẽ tính toán đến.

"Sẽ đề xuất miễn thị thực thường là thị trường tiềm năng đến Việt Nam như Đông Bắc Á, ASEAN; điểm đến có đường bay trực tiếp hoặc có kế hoạch mở đường bay; tập trung vào thị trường có khả năng lưu trú cao, có khả năng chi trả cao như khu Trung Đông... chúng tôi sẽ phối hợp đề xuất.

Góc độ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất miễn visa thuộc lĩnh vực quản lý của bộ như thể thao, vận động viên đạt huy chương lớn đến du lịch, các huấn luyện viên cho Việt Nam, cầu thủ bóng đá quốc tế.

Còn về lĩnh vực văn hóa: đạo diễn, dự án phim đến Việt Nam; nhà báo, phóng viên đến dự sự kiện quốc tế lớn ở Việt Nam", ông Khánh thông tin.

Miễn visa thu hút khách du lịch, kêu đến đâu mở đến đó… - Ảnh 4.Djokovic được hủy lệnh cấm nhập cảnh, sắp được cấp visa để dự Giải Úc mở rộng

TTO - Tay vợt người Serbia Novak Djokovic sẽ được phép đến Úc vào đầu năm tới để tham dự Giải Úc mở rộng - Grand Slam đầu tiên trong năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên