18/10/2020 06:03 GMT+7

Miền Trung ơi, chúng tôi đã đến đây...!

PHƯỚC TUẦN - ĐOÀN NHẠN - QUỐC NAM
PHƯỚC TUẦN - ĐOÀN NHẠN - QUỐC NAM

TTO - Ngày 17-10, Huế, Quảng Trị vẫn mưa tầm tã, trên quốc lộ 1, tỉnh lộ nước lũ mấp mé tràn bờ, rất nhiều xe tải với những dòng chữ “Hướng về miền Trung”, “Đường về miền Trung”, “Thương về miền Trung”… nối đuôi nhau, ngược xuôi vào các rốn lũ.

Miền Trung ơi, chúng tôi đã đến đây...! - Ảnh 1.

Người dân rốn lũ Hải Lăng (Quảng Trị) nhận hàng cứu trợ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Trên mạng xã hội, những lời kêu gọi ủng hộ khắp nơi từ các bạn trẻ, doanh nghiệp cho đến những người nổi tiếng. Ngoài đường, những chuyến xe chở đầy ắp quà, lương thực, nhu yếu phẩm, áo phao... Những phần quà nhỏ gói ghém đầy ắp những tình cảm, tấm lòng yêu thương, sẻ chia của người dân cả nước hướng về bà con vùng lũ miền Trung. 

Những người trẻ lao vào rốn lũ cứu trợ 

Đằng sau nỗi đau thương, mất mát trong cơn lũ dữ mà người dân gánh chịu là những hoàn cảnh, phận đời khó khăn, nghèo khổ. Họ đã phải chịu đựng 2 đợt dịch COVID-19, cơn bão số 5 và giờ đây là những trận lũ lịch sử. Với người dân miền Trung, lũ lụt là chuyện thường của hàng trăm năm nay nhưng việc hứng 4 cơn lũ lớn dồn dập, lũ chồng lũ như năm nay thì thật sự kiệt quệ. 

Nhiều nhóm bạn trẻ ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng khi nhìn thấy những hình ảnh nhiều ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, làng xóm bị cô lập, đồ đạc, lương thực bị lũ cuốn trôi đã tức tốc kêu gọi, lao nhanh vào tâm lũ với hàng trăm thùng mì, chai nước, hộp sữa... 

Hôm qua, anh Lê Quang Long (TP.HCM) và nhóm bạn vừa chuyển hơn 200 phần quà gồm mì gói, sữa, gạo vào cứu trợ khẩn cấp người dân bị cô lập xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. 

Trước đó, ngày 12-10, khi biết thông tin nhiều làng ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế vẫn còn bị cô lập rất cần thức ăn nước uống, chàng trai làm nhiếp ảnh tự do đã kêu gọi bạn bè hơn 50 triệu đồng để cứu trợ. 

Ngày 13-10, anh tạm gác công việc, bay ngay ra Đà Nẵng, chất đầy xe tải những thực phẩm cần thiết chạy thẳng ra trao hơn 400 suất quà cho bà con hai huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và Phong Điền (Thừa Thiên Huế). 

“Ngoài mì, gạo, nhóm đang vận chuyển thêm áo ấm, sách vở và áo phao từ TP.HCM ra để trao tiếp các em học sinh ở Huế và Quảng Trị”, Long chia sẻ. 

Anh Trần Khánh (Huế) cùng nhóm thiện nguyện Vì cộng đồng miền Nam chỉ hơn 1 ngày đã quyên góp hơn 200 phần quà giá trị 30 triệu đồng và mua ngay mì gói, nước uống chuyển gấp đến người dân rốn lũ làng Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền). 

Và nhiều tấm lòng khác: anh Châu - một YouTuber ở TP.HCM - chỉ trong 2 ngày huy động hơn 200 chiếc áo phao trao cho trẻ em vùng thấp trũng huyện Quảng Điền. 

Chị Bùi Thị Tuyết, người phụ nữ buôn bán nhỏ ở chợ Long Bình (Đồng Nai), cũng gom góp từ bạn bè hơn 100 phần quà với trị giá hơn 40 triệu đồng mang ra tặng bà con xã Phong Sơn (huyện Phong Điền). Mỗi người một ít, một cách làm nhưng cùng chung tấm lòng hướng về bà con vùng lũ... 

Chiều 17-10, tại xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền), người dân làng Thủ Lệ 3 chèo thuyền, lội nước đến nhà văn hóa của thôn nhận những phần quà khẩn cấp do hội đồng hương Thủ Lệ ở các tỉnh miền Nam hỗ trợ. Trên yên xe chở bao gạo và thùng mì ăn liền, bà Nguyễn Thị Hòa (52 tuổi) bùi ngùi: “Trận lũ này nhà tôi ngâm 4 ngày rồi nhưng nước chưa rút, hôm nay mưa lớn lại lên. Nhà cửa, thóc gạo, đồ đạc, sách vở đều ướt sạch. Những bao gạo, thùng mì của bà con phương xa thật kịp thời”. 

Miền Trung ơi, chúng tôi đã đến đây...! - Ảnh 2.

Đại diện quỹ vì cộng đồng IPPG (trái) trao 2 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiên tai cho đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH

Xe, thuyền hàng đầy ắp đến với rốn lũ 

Chiếc xe mang biển số Phú Yên thả đoàn cứu trợ hơn chục người xuống con đường ngay đầu xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) giữa trời mưa trắng xóa. Nhìn dòng nước mênh mông, chị Lê Thị Ánh Tuyết (47 tuổi) mặt buồn rười rượi. 

Chị và đoàn đã chạy suốt hơn 12 giờ đồng hồ từ TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) mang theo nào gạo, mắm và cả nước uống về chia sẻ với bà con sau lũ, nhưng không ngờ đến nơi nước lại lên lần nữa. 

Chị Tuyết quê gốc Quảng Trị, theo cha mẹ vào Phú Yên sinh sống rồi lập nghiệp ở nơi “xứ Nẫu”. Ở xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng giờ chỉ còn có mấy họ hàng xa. Nhưng khi nhìn khúc ruột miền Trung, nơi chôn nhau cắt rốn của mình gồng mình chống lũ, chị đã sắp xếp công việc để tìm về. 

Chị Tuyết chia sẻ, từ ngày lũ hoành hành ở miền Trung, đến nay chưa một ngày nào chị không theo dõi tin tức về quê nhà. Thế là suốt những ngày qua, chị tìm liên lạc đến những người anh em họ hàng xa quê và bạn bè có cả trong và ngoài nước, quyên góp được hơn 150 triệu đồng để mua quà đến với bà con. 

“Sau lũ bà con sẽ cần tiền mua sách vở cho con cái. Tôi cũng hỏi ý bạn bè những người đóng góp, rằng hỗ trợ thêm tiền một ít để động viên bà con ổn định cuộc sống. Vậy mà giờ nhìn nước lũ lại lên...” - chị Tuyết nói giọng chùng xuống. 

Chiều 17-10, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông qua huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có ba chiếc xe tải dừng lại trước hàng rào chắn của CSGT vừa dựng để ngăn xe cộ ngược về hướng Cửa Việt. 

Người trên xe nhảy xuống hỏi thăm thì được CSGT yêu cầu không đi theo đường xuyên Á về hướng Cửa Việt được vì nước lũ đã dâng và chia cắt đoạn đường này ở cách đó mấy cây số. 

Chị Mai Thùy Hương, người đại diện của ba chiếc xe tải, loay hoay cho xe quay lại quốc lộ 9 để về lại Đông Hà. 

Chị Hương cho biết trên ba xe tải là mấy tấn lương thực gồm gạo và thực phẩm mà chị đang đưa về cứu trợ cho dân vùng lũ Hải Lăng. 

Số hàng này được một người bạn của chị ở TP.HCM quyên góp được và nhờ chị mua lương thực giúp dân vùng lũ qua cơn hoạn nạn. Quốc lộ 1 đoạn qua bắc và nam TP Đông Hà đều đã bị lũ chia cắt nên chị chỉ còn cách đi theo quốc lộ 9 lên đường xuyên Á rồi ngược theo dọc đường biển từ Cửa Việt vào Triệu Phong và Hải Lăng. 

“Người bạn từ TP.HCM xem báo thấy đồng bào Quảng Trị qua mấy trận lũ cực khổ quá nên muốn san sẻ chút khó khăn. Tôi định chờ sau đợt lũ này rồi đi tặng nhưng người bạn ấy nói gắng tặng ngay bây giờ để tiếp thêm sức cho dân chống lũ thì tốt hơn”, chị Hương nói. 

Ông Lê Đức Thịnh - chủ tịch UBND huyện Hải Lăng - cho biết: “Đến nay đã có hàng trăm đoàn cứu trợ liên hệ qua huyện để xin thông tin giúp đỡ hỗ trợ bà con, chưa kể những đoàn trực tiếp trao tại xã. Tất cả là tấm lòng sẻ chia quý giá mà chúng tôi và người dân nơi đây vô cùng cảm kích. Dẫu sự giúp đỡ bao gạo, chai mắm không thể nào xóa hết những mất mát của bà con sau những trận lũ liên tiếp. Cuộc sống của người dân nơi đây còn là chuỗi ngày vất vả gượng dậy sau lũ. Nhưng đó là cả những yêu thương, vòng tay chia sẻ và sự động viên tinh thần vô cùng lớn với người dân”. 

Ông Hoàng Văn Thái - phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - cũng chia sẻ: những gói quà mang theo tấm lòng bao la, nghĩa cử tương thân tương ái của người dân cả nước hướng về bà con vùng lũ.

Miễn phí khách sạn, ăn uống cho các đoàn cứu trợ

Dù một năm thiệt hại nặng nề, không có doanh thu do dịch COVID-19, nhiều khách sạn ở Huế vẫn quyết định sẻ chia khó khăn, hỗ trợ miễn phí cho các đoàn cứu trợ từ mọi miền đất nước về Huế tặng quà cho bà con vùng lũ.

Hoạt động nhỏ của người dân xứ Huế nhằm tri ân, sẻ chia phần nào kinh phí đi lại, ăn ở của các đoàn cứu trợ khi từ xa đến tặng quà cho người dân vùng lũ Thừa Thiên Huế.

Từ một khách sạn, sau hai ngày chương trình đã lan rộng hơn 10 khách sạn với hơn 200 phòng đi kèm với các dịch vụ xe tải vận chuyển hàng hóa, xe khách, nhà hàng hỗ trợ ăn uống cho các đoàn cứu trợ.

Ngoài các khách sạn, nhiều nhà hàng, quán ăn, công ty vận tải, tài xế cũng quyết định gác công việc, bỏ kinh phí hỗ trợ các đoàn cứu trợ. “Thấy bà con vùng lũ mà xót. Năm nay dịch chạy rất ít, thấy bà con khắp cả nước chung tay đóng góp, mình không có tiền thì góp công hỗ trợ mọi người”, anh Nguyễn Văn Ken (P.An Cựu, TP Huế) chia sẻ.

Bạn đọc Tuổi Trẻ đã ủng hộ hơn 3,1 tỉ đồng

Thông qua tiếp nhận và phối hợp tổ chức, chương trình “Cùng báo Tuổi Trẻ cứu trợ bà con vùng lũ miền Trung” do báo Tuổi Trẻ phát động trong 5 ngày qua đã nhận được hơn 3,1 tỉ đồng từ cộng đồng đóng góp trực tiếp, chuyển qua tài khoản và đóng góp qua chương trình cùng ví điện tử MoMo.

Trong những đợt mưa lũ đỉnh điểm vừa qua, đoàn công tác xã hội báo Tuổi Trẻ cũng đã tổ chức hỗ trợ trao khẩn cấp hàng ngàn phần quà thiết thực như gạo, mì gói, sữa, bánh, nước uống... mỗi phần trị giá 400.000 đồng (trong đó 200.000 đồng tiền mặt và quà trị giá 200.000 đồng) cho những hộ dân bị cô lập tại vùng lũ các tỉnh miền Trung.

Đặc biệt, dự kiến trong thời gian tới chương trình sẽ trao hàng trăm suất học bổng, cấp tạo vốn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh sinh viên, giáo viên... bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ mưa lũ. Ngoài ra, với một số điểm trường học bị thiệt hại lớn thì chương trình sẽ có thể xem xét để hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa, tạo điều kiện để học sinh và giáo viên tại đây sớm quay lại hoạt động giảng dạy, học tập. CÔNG TRIỆU

Miền Trung lại oằn mình dưới mưa lũ mới Miền Trung lại oằn mình dưới mưa lũ mới

TTO - Đến tối 17-10, miền Trung mưa vẫn không ngớt. Nước lũ trên nhiều sông vẫn ở mức cao và đang tiếp tục lên. Đặc biệt, nhiều vùng trũng ở Quảng Trị người dân đang phải đối diện với trận lũ lịch sử.

PHƯỚC TUẦN - ĐOÀN NHẠN - QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên