Người dân bơi xuồng trên đường Lý Tự Trọng (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) sáng 30-9 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Riêng Cần Thơ, nước từ sông Hậu tràn qua gây vỡ đê khiến cả khu vực rộng lớn phía bên trong thuộc phường Cái Khế (quận Ninh Kiều) ngập nặng, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.
Do triều cường kết hợp lũ đồng loạt dâng đúng giờ cao điểm ngày đầu tuần, nên mọi hoạt động của người dân thành phố bị xáo trộn hoàn toàn.
Toàn bộ các đường trung tâm thành phố (thuộc quận Ninh Kiều) như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ngô Quyền, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, Mậu Thân... đều ngập hơn nửa mét.
Nước ngập đặc biệt ảnh hưởng tới việc đưa đón học sinh vào sáng đầu tuần.
Dân đi bằng xuồng
Trong khi đó, ngập sâu khiến người dân phải di chuyển bằng... xuồng hoặc kết bè để di dời hàng hóa trên phố. Học sinh bì bõm lội bộ, dắt xe hoặc dùng xuồng bơi trên đường phố để đến trường. Nước ngập đến nỗi chuồng heo, ao cá của người dân cũng được dùng lưới rào lại để không thất thoát tài sản.
Chiều cùng ngày, các tỉnh miền Tây tiếp tục hứng chịu đợt triều cường thứ hai trong ngày với mức độ ngập cao hơn buổi sáng.
Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, quận Ninh Kiều) than thở: "Hổm rày đoạn cầu Gạch Ngỗng 2 ngập nặng, đặc biệt đến 5h30 chiều 30-9 nước lên hơn 60cm, cao hơn hồi sáng gần 10cm. Xe cộ người dân lưu thông qua đây đều bị tắt máy... Bây giờ, nước ở dưới vẫn còn chảy re re vào nhà và đường lộ thì tôi nghĩ nó sẽ còn cao hơn nữa".
Tham gia phân luồng giao thông trong đợt triều cường, ông Nguyễn Văn Ấn - phó đội trưởng Đội CSGT quận Ninh Kiều - cho biết hơn hai ngày nay, khi triều cường dâng cao là đơn vị thường xuyên túc trực hầu hết các tuyến đường. Đặc biệt là những nút giao thông trọng điểm như các ngã tư Mậu Thân, Võ Văn Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám... để hạn chế ách tắc.
Tương tự, các tuyến quốc lộ qua Vĩnh Long bị chìm sâu trong nước ngày 30-9. Các tuyến đường chính nội ô TP Vĩnh Long cũng ngập trên diện rộng. Xe bị chết máy, nằm la liệt khắp nơi từ quốc lộ vào trung tâm.
Ông Lưu Nhuận - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai Vĩnh Long - cho hay đợt triều cường kết hợp lũ hai ngày qua làm ngập gần như hoàn toàn nội ô TP Vĩnh Long. Đây là đợt triều cường cao nhất lịch sử tỉnh từng ghi nhận, mực nước đo được hiện tại là 2,18m, cao hơn đợt ngập năm ngoái 31cm.
Đường Lý Tự Trọng (Cần Thơ) ngập nặng sáng 30-9 - Ảnh: CHÍ QUỐC
TP.HCM: triều cường bủa vây khắp nẻo đường
Từ 17h ngày 30-9, nước từ sông Sài Gòn bắt đầu tràn bờ vào và nước từ hệ thống cống trào ngược lên khiến nhiều đường ngập nặng. Triều cường tại TP.HCM vượt báo động 3 gần 0,3m, vượt qua kỷ lục 1,72m vào năm 2017.
Ngồi trên ghế cao tránh nước, bà L.T.M. (80 tuổi, ngụ quận 2) cho biết bà sống trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền hơn 30 năm nay, mỗi lần mưa lớn hay triều cường nhà bà đều chịu cảnh ngập sâu.
Cũng trên đường này, nước tại một số kênh mấp mé tràn bờ, do triều cao hơn mọi năm nên phần tường chắn cũ bị nước vượt qua. Cơ quan chức năng phải xây thêm một lớp gạch ngăn nước tràn ra đường, đồng thời bố trí máy bơm hút nước ngược từ đường trở ra sông. Ngoài ra, phường Thảo Điền còn phải huy động lực lượng đắp bờ ngăn nước từ sông tràn vào đường tại các vị trí chưa có đê ngăn.
Tương tự, tại đường Trần Xuân Soạn, quận 7 nằm dọc kênh Tẻ, triều cường biến mặt đường và kênh nhập làm một. Ông Ngô Văn Cai, nhà trên tuyến đường này, đã chuẩn bị sẵn những miếng ván chặn để ngăn nước khi có triều cường. Tại đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, nước cũng tràn bờ gây ngập hơn 10cm.
Khổ sở nhất là người dân tại đường Mễ Cốc, quận 8. Tại đây, người dân chưa kịp dọn dẹp nhà cửa do sự cố sập tường bao chiều 29-9 thì đến sáng 30-9 lại đón thêm một đợt triều cường vượt kỷ lục. Đến chiều 30-9, khi nước triều dâng cao, người dân chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì mọi biện pháp ngăn nước đều chỉ tương đối.
Triều cường rơi vào khung giờ tan tầm khiến người dân di chuyển về nhà gặp nhiều khó khăn, ùn ứ kéo dài.
Mực nước đo được tại các trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) và Cần Thơ (sông Hậu) ngày 30-9 nặng nhất trong 30 năm, vượt mốc đợt ngập lịch sử năm 2018 - Nguồn: Đài KTTV khu vực Nam Bộ - Đồ họa: T.ĐẠT
Ngập có nguyên nhân từ con người
Đó là nhận định của PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ). Ông Tuấn cho biết: "Mấy tuần trước đó có mưa lớn ở vùng hạ Lào kéo dài xuống Campuchia, vì thế nước dồn lại nhiều. Tới hôm nay (30-9) nước mới về đến ĐBSCL, gặp đúng lúc nước triều dâng cao rồi cộng thêm mưa tại chỗ. Đó là những yếu tố khách quan.
Còn yếu tố con người là tình trạng làm đê bao khắp nơi, một số đô thị thì nâng cốt nền, nói chung là mạnh ai nấy làm khiến ngập nặng ở đô thị như đang xảy ra chẳng theo một quy luật nào cả. Ngay cả Cần Thơ đang làm dự án hồ Bún Xáng để thoát ngập cũng... bị ngập vào sáng 30-9. Đó là chưa kể các nghiên cứu cho thấy ĐBSCL đang lún với mức độ trung bình 2-4 cm/năm".
Còn theo nhận định của thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - nguyên cán bộ Phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ: "Đỉnh lũ sông Mekong di chuyển xuống hạ lưu, gặp ngay đợt triều cường khá mạnh nên đẩy mực nước sông Hậu dâng bất ngờ.
Theo tôi, nguyên nhân còn do lún đất, nước biển dâng, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, nhiệt độ trung bình tăng khá cao, các cơn bão nhiệt đới đang đẩy nước biển dâng lên, kết hợp với lũ khiến nhiều nơi bị ngập".
CHÍ QUỐC - CHÍ HẠNH - CHÍ CÔNG ghi
Cho học sinh nghỉ học
Ngày 30-9, tại đoạn cầu Kênh Ngang đường Mễ Cốc, quận 8 nước kênh dâng tràn qua bờ bao dọc kênh, khiến đường ngập khoảng nửa mét, có nhiều đoạn ngập cả mét - Ảnh: CHÂU TUẤN
* Chiều 30-9, Sở GD-ĐT Cần Thơ phát đi thông báo cho học sinh nghỉ học trong những ngày triều cường đạt đỉnh tại TP này. Sở đề nghị các phòng giáo dục quận, huyện và các cơ sở giáo dục trực thuộc chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra cho các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh. Đồng thời, học sinh tại các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng triều cường được nghỉ học 1 ngày (1-10).
* Ở TP.HCM, sau sự cố sụp tường bao tại đường Mễ Cốc, quận 8 khiến hàng trăm hộ dân bị ngập nước, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thời gian sắp tới TP sẽ kiểm tra, rà soát các đoạn đê, kè ở các kênh rạch để nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho người dân.
THÙY TRANG - CHÍ HẠNH - LÊ PHAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận