Sách do Phương Nam và NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN |
Đã bốn lần xuân bạn đọc Sài Gòn đón những trang sách viết về Sài Gòn đong đầy cảm xúc. Thật khoan khoái khi cùng tác giả làm những chuyến thăm thú Sài Gòn qua từng trang sách.
Cảm giác được “bám đuôi” một cư dân Sài Gòn cố cựu kiêm nhà báo thông thạo nhiều ngóc ngách Sài Gòn thật là thú vị. Hãy xem tác giả tần ngần giở chiếc mặt dây chuyền bằng cẩm thạch của mẹ - vật gia bảo truyền đời, và nghe ông kể về câu chuyện những người phụ nữ Sài Gòn tự tay nấu dầu dừa để chải tóc như thế nào.
Hay may mắn hơn, “bám” theo ông để gặp nhà thơ nữ Huyền Chi - người đã viết bài thơ Thuyền viễn xứ từ năm 16 tuổi, được Phạm Duy phát hiện và phổ nhạc.
Thú vị hơn, cứ nhẩn nha theo Phạm Công Luận để biết câu chuyện Phạm Duy phổ thơ Huyền Chi là một pha “không thể tình cờ hơn”. Bởi sau đó, trong số các tờ nhạc in bài Thuyền viễn xứ, Phạm Duy in kèm câu “Huyền Chi, cô ở đâu?”...
Sài Gòn - chuyện đời của phố tập 4 lần này có nhiều câu chuyện về phố người Hoa - không gian cư ngụ của người dân Chợ Lớn.
Càng đọc, thấy tác giả quả là người sống thật kỹ với Sài Gòn. Cứ nhìn cách ông đi sâu vào những con ngõ (hạng) của người Hoa, chứng kiến câu chuyện của đôi bạn thanh mai trúc mã A Hoành và A Hỏi, chứng kiến những tô hủ tiếu cậu trai để dành cho cô bạn qua bao ngày tháng, đến chừng cô bạn lớn lên lấy chồng, ngày lên xe hoa gặp cậu trai bán hủ tiếu, cậu hỏi: “A Hoành lấy chồng hả?”.
Rồi khóc. Trời ơi, đâu phải ai cũng thấy được giọt nước mắt con trai trong tình cảnh thế này. Vậy mà, Phạm Công Luận thấy được. Thật đáng để cùng tác giả lân la tha thẩn với Sài Gòn lắm chứ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận