30/03/2015 11:46 GMT+7

​Mẹ vẫn chưa về...

MAI HOA
MAI HOA

TT - Trưa Sài Gòn 36oC, cây dù đặt ở góc ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo (Q.5) không đủ che cho bốn năm bác xe ôm khỏi cái nắng đang rải lửa xuống mặt đường.

Hai đứa cháu nhỏ của ông Hai, bà Phatimah trong căn nhà ọp ẹp - Ảnh: Mai Hoa

Chai nước mang theo đã dần cạn, từ sáng sớm lại chưa ăn chút gì, cảm giác đói làm ông Nguyễn Văn Hai cồn cào trong bụng, mắt hoa lên. Nhắc đến đàn cháu và người vợ ở nhà, giọng ông nghẹn lại, đôi mắt buồn hiu, gánh nặng áo cơm cho bảy miệng ăn cứ ghì ông sát đất...

Ông Hai là nhân vật ông ngoại trong bài viết “Má ơi, sao nỡ bỏ con” (Tuổi Trẻ ngày 24-8-2013). Vợ chồng ông gồng gánh nuôi năm đứa trẻ sau khi mẹ chúng dứt áo ra đi.

Ngày ngày, hai đứa lớn mới 10 tuổi và 7 tuổi đã lang thang khắp khu vực cầu Ánh Sao (Q.7) bán kẹo cao su dạo đến 23g đêm. Ông ngoại chạy xe ôm, đêm ra đón cháu về. Bà ngoại ai thuê gì làm nấy, tranh thủ lượm đồ ăn về cho cháu. Ba đứa nhỏ ở nhà tự trông lẫn nhau.

Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài viết, UBND xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã giúp ông làm giấy khai sinh cho tất cả năm đứa cháu. Cả năm đứa đều được khai sinh ngày 1-1, chỉ khác năm. Phần tên cha tên mẹ để trống, còn ông Hai là người nuôi dưỡng. Ông Hai cất thật kỹ, coi như vật báu trong nhà.

Rồi ba đứa lớn được nhận vào lớp học tình thương gần nhà. Sau gần hai năm đánh vật, chữ nghĩa dù có rơi rớt trên những nẻo đường chân trần bán kẹo, các em cũng đã gần đọc và viết được.

Chị Hai Bích Tuyền thông minh, lanh lợi nhất, viết chữ đã đều, đẹp và tính toán được cộng trừ. Cô bé Phi Nhung khi mẹ đi vẫn còn ẵm ngửa, giờ đã lên 2, cười tươi rói nhảy vào lòng ông ngoại ngồi mỗi khi ông đi làm về.

Không được bán kẹo ở cầu Ánh Sao nữa. Những quán hàng ở khu Trung Sơn cũng không còn chào đón các em, nên Tuyền và Nghĩa giờ đi học một buổi, còn cả ngày tha thẩn chơi chẳng biết làm gì. Nghĩa bị ghẻ, đi khám bác sĩ thì biết là do máu chứ không phải bệnh ngoài da. Còn ông Hai, mấy tháng trước phát hiện bị lao phổi. Chữa mãi mới hết bệnh thì giờ tới lượt bà. Ngày ngày, ông tranh thủ lên chùa xin lá thuốc nam từ thiện về chữa bệnh gan cho vợ.

Tôi còn nhớ ánh mắt hốt hoảng của ông Hai khi sắp bị đuổi khỏi căn nhà tồi tàn này. Nợ tiền nhà hai tháng, ông đi cầm chiếc xe cũ đang dùng để chạy xe ôm nhưng người ta không nhận. Đó là lần đầu tiên đám cháu thấy ông ngoại suýt khóc.

Giờ khu nhà trọ xập xệ đó bị cắt điện, cắt nước, ông cũng không biết phải đưa bầu đoàn thê tử đi đâu về đâu. Hôm tết, thông qua báo Tuổi Trẻ, có người hảo tâm gửi cho ông cháu 5 triệu đồng ăn tết. Ông Hai khóc. Cả đêm không ngủ được. Ông đi mua ngay 50kg gạo và 4kg thịt, thêm mấy chục hột vịt về kho ăn được mấy ngày.

Trên căn gác nhỏ bộn bề quần áo cũ, hôi hám, Nghĩa và Bích Tuyền ngủ say sưa không biết nắng đã lên tới đỉnh đầu. Trong cơn mơ, Nghĩa đưa bàn tay ghẻ ôm lấy chị, mỉm cười. Chẳng biết trong giấc mơ của mình, em có gặp được mẹ hay không?

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên