04/05/2019 11:25 GMT+7

Mặt trận truyền thông Mỹ - Trung

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chọn đi theo Vành đai - con đường, chấp nhận mạo hiểm với hạ tầng 5G của Công ty Huawei, hay nghe theo lời Mỹ tẩy chay những đề nghị đầu tư từ Trung Quốc?

Mặt trận truyền thông Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tàu phá băng Tuyết Long (Xue Long) của Trung Quốc rời cảng ở Thượng Hải để bắt đầu chuyến thám hiểm Bắc Cực hồi tháng 7-2018 - Ảnh: AP

Dĩ nhiên không ai bị buộc phải lựa chọn như vậy. Nhưng cũng không ai cấm Mỹ và Trung Quốc... quảng cáo các chính sách, chiến lược của họ. Tuần này, màn cạnh tranh lại bắt đầu.

Đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài?

Trong báo cáo thường niên trình Quốc hội ngày 2-5, Bộ Quốc phòng Mỹ điểm lại hàng loạt hành động quân sự của Trung Quốc, đa số không mang nghĩa tích cực.

Theo đó, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động ở vùng Bắc Cực (Arctic), như một phần trong "Con đường tơ lụa địa cực" (Polar silk road) mà Bắc Kinh lần đầu giới thiệu năm 2018. 

Một đội ngày càng đông đảo các máy phá băng và trạm nghiên cứu dân sự ở Iceland và Na Uy có thể giúp Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện diện mạnh mẽ hơn ở khu vực Bắc Cực này.

Thậm chí theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có thể triển khai tàu ngầm hạt nhân ở địa cực và đây là bước khởi đầu cho tham vọng bành trướng về mặt quân sự với lý do đảm bảo an ninh cho các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trên Vành đai - con đường.

"Việc thúc đẩy các dự án của Trung Quốc như sáng kiến Một vành đai - một con đường (OBOR) có thể sẽ tạo động lực cho việc đặt thêm căn cứ quân sự tại nước ngoài do nhu cầu đảm bảo an ninh cho các dự án OBOR", báo cáo viết.

Báo cáo này mô tả quân sự Trung Quốc đang mở rộng tầm bao phủ và tăng cường năng lực rất nhanh nhằm hoàn thành tham vọng hiện đại hóa quân sự vào năm 2035 cũng như xây dựng một lực lượng "đẳng cấp thế giới" năm 2049 của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nỗ lực này bao gồm việc xây dựng đội tàu sân bay, trong đó có chiếc đầu tiên tự chế tạo trong nước và dự kiến gia nhập Hải quân PLA năm nay.

Điểm đáng lưu ý thứ hai trong báo cáo trên nằm ở vấn đề do thám. Lầu Năm Góc tiếp tục khẳng định Trung Quốc đang sử dụng thiết bị do thám để chôm công nghệ tiên tiến dành cho các mục đích quân sự. 

Báo cáo viết: "Trung Quốc tiếp thu công nghệ nước ngoài thông qua nhập khẩu, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển, công ty liên doanh, hợp tác nghiên cứu - học thuật, tuyển mộ nhân tài...".

Đại chiến truyền thông

Dù là báo cáo thường niên, có thể thấy các nhận định của Lầu Năm Góc đưa ra ngay sau khi Trung Quốc tổ chức diễn đàn hợp tác quốc tế về Vành đai - con đường ở Bắc Kinh cuối tháng 4. 

Tại diễn đàn này, Chủ tịch Tập đã ra sức thuyết phục lãnh đạo các nước về Vành đai - con đường, trong đó gần như khoác một chiếc áo mới cho sáng kiến trên với những mục tiêu rộng lớn hơn, những cam kết minh bạch hơn, bao gồm chuyện chống tham nhũng và phát triển bền vững.

Tại Bắc Kinh vừa qua, Trung Quốc cũng nhấn mạnh vai trò của khối tư nhân trong kế hoạch đầu tư phát triển trên Vành đai - con đường. Đây là chi tiết đặc biệt đánh thẳng vào mục tiêu tương tự của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Asia - Pacific) mà Mỹ giới thiệu gần đây. 

Tờ Global Times (Trung Quốc) từng phân trần rằng Vành đai - con đường là sáng kiến có trước từ rất lâu so với Asia - Pacific. Nhưng rõ ràng với những điều chỉnh mới tuyên bố, kế hoạch của Trung Quốc đã ngầm thể hiện một sự cạnh tranh sòng phẳng với tham vọng của Mỹ.

Cuối tháng 4, Global Times cũng từng đăng tải một bài viết thể hiện sự lo ngại xung quanh vấn đề của Huawei. 

Tờ báo này nhắc tới vụ Anh sa thải bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson mới đây vì lý do rò rỉ thông tin chấp thuận cho Huawei cung cấp thiết bị xây dựng hạ tầng 5G tại Anh. 

Theo đó, Global Times cho rằng Anh, cũng như các quốc gia phương Tây khác, định đoạt vận mệnh thiết bị Huawei đối với mạng viễn thông 5G dựa trên "sự trung thành với Mỹ".

Ngược lại, phía Mỹ cũng liên tục thúc đẩy kế hoạch quảng bá Asia - Pacific. Ở báo cáo nêu trên, Lầu Năm Góc cũng đặc biệt sử dụng chữ "Một vành đai - một con đường" để nói về Vành đai - con đường, trong khi Trung Quốc đã cố tình sửa tên sáng kiến này, loại bỏ chữ "một" để tránh cảm giác hiểu lầm rằng tất cả đang phục vụ cho "một" mình Trung Quốc.

Quân sự hóa Trường Sa

Báo cáo của Lầu Năm Góc vừa qua cũng cho biết Trung Quốc đã lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hãng tin Bloomberg khi dẫn ra chi tiết này cũng lưu ý rằng báo cáo trên đi ngược lại với tuyên bố "không có ý định quân sự hóa" trên các thực thể tranh chấp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm 2015.

Thực tế để phản đối việc này, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế thường niên hồi năm ngoái.

Trước đó tờ South China Morning Post (Hong Kong) cho biết Hải quân Mỹ đã triển khai 92 chuyến đi qua eo biển Đài Loan kể từ năm 2007, trong mục tiêu được cho là bảo vệ tự do hàng hải.

Trong năm nay, đã có 4 chuyến như vậy được thực hiện, và đó là con số vượt mức trung bình hằng năm của Lầu Năm Góc.

Thương chiến Mỹ - Trung nhìn từ ứng dụng Grindr Thương chiến Mỹ - Trung nhìn từ ứng dụng Grindr

TTO - Công ty Trung Quốc Beijing Kunlun Tech đã bị Washington buộc phải bán lại ứng dụng trên mạng do "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên