03/10/2017 09:00 GMT+7

Mất tiền tỉ cũng phải tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần

TTO - Trong gần 300 ý kiến phản hồi của bạn đọc, hầu hết đồng tình với quyết định của UBND TP.HCM tiêu hủy số heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, không chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ.

Mất tiền tỉ cũng phải tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần - Ảnh 1.

Hai người đàn ông tiêm thuốc an thần cho heo bị bắt quả tang - Ảnh: C49B cung cấp

Tuổi Trẻ xin giới thiệu các ý kiến tiêu biểu:

Là người làm trong ngành y, cho đến bây giờ tôi mới biết có loại thuốc an thần được tiêm cho heo trước khi đem giết mổ, từ đó tìm hiểu thêm về tác hại khi phải sử dụng không đúng mục đích. 

Theo đó, hàm lượng tồn dư chất acepromazin trong thịt heo sau khi đã được chế biến chỉ xấp xỉ bằng 1/78.125 lần liều lượng được sử dụng cho người (0,128mcg/bữa ăn so với liều điều trị 10mg/người/ngày). Vì vậy, những tác hại nếu có của dược chất này với người ăn phải thịt heo có tiêm thuốc an thần không quá trầm trọng.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận mãi phải sử dụng những sản phẩm có chất độc hại như vậy. Người tiêu dùng phải được cung cấp những sản phẩm tươi sạch nhất và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. 

Những giải thích rằng hàm lượng chất cấm có nhưng không vượt ngưỡng, do đó nên cho sản phẩm lưu hành đều là ngụy biện. Bởi lẽ, tác hại của việc tiêm thuốc an thần không chỉ đến từ bản thân của hoạt chất acepromazin, mà còn từ những hệ lụy của nó khi sử dụng trên heo thịt. 

Khi sử dụng thuốc, heo trở nên lờ đờ, phản ứng chậm nên dễ dàng bị bơm nước để tăng trọng, thịt sẽ dễ bị nhiễm bẩn, việc kiểm soát nguồn lây nhiễm bệnh sang người sẽ khó khăn hơn.

Vì vậy, tôi vẫn ủng hộ biện pháp tiêu hủy toàn bộ số heo đã bị tiêm thuốc trước khi giết mổ. Việc này không chỉ loại bỏ nguy hiểm tiềm ẩn trong sản phẩm mà còn răn đe với những hành động tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Dù có tốn kém nhưng tiêu hủy là việc nên làm.

Người tiêu dùng có mơ ước đến mấy cũng không thể tự tạo ra một thị trường với những sản phẩm an toàn. Để có một thị trường như vậy, đòi hỏi phải có những nhà sản xuất có lương tâm và những nhà quản lý làm tròn bổn phận chứ không chỉ dựa vào sự "thông minh" của người tiêu dùng.

Tiêu hủy ngay heo bị tiêm thuốc an thần

Sáng 2-10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, không chờ đào thải thuốc rồi đưa vào giết mổ vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ bệnh lở mồm long móng.

Phó chủ tịch UBND TP còn yêu cầu Sở NN&PTNT TP và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP công khai danh sách 13 thương lái (chủ lò) vi phạm và có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn các thương lái trên khi vào địa bàn TP trong thời gian tới.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT TP tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của TP. UBND TP còn giao Sở Tư pháp TP nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm khắc vi phạm hành chính đối với hành vi tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ nói trên.

L.TH.H.

Ông Jirawit Rachatanan (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP):

Thái Lan: cấm tiêm thuốc trước khi giết mổ heo

1

Việc tiêm thuốc hay bơm nước vào heo trước khi giết mổ bị cấm và bị xử lý rất nghiêm tại Thái Lan. Bởi việc bơm nước hay tiêm thuốc sẽ ảnh hưởng đến động vật và qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo tôi được biết, các thương lái mua heo thường tiêm thuốc an thần cho heo để chúng bớt hung dữ, bớt cắn nhau dẫn đến bị thương hoặc chết trong quá trình vận chuyển. Thái Lan không làm như vậy, để giải quyết vấn đề heo cắn nhau thì xe vận chuyển chia ô, mỗi ô một con heo nên chúng không cắn nhau được.

Tại Thái Lan, việc giết mổ gia súc được tiến hành ở các lò mổ tập trung với dây chuyền và công nghệ hiện đại, quy trình giết mổ được quản lý nghiêm ngặt. Động vật như heo, bò sẽ được giết mổ đúng với các yêu cầu về đảm bảo phúc lợi động vật để chúng không cảm thấy đau đớn.

Ông Gabor Fluit (tổng giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus, Hà Lan):

Vi phạm, có thể bị phạt tù

2

Châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng rất nghiêm khắc và chặt chẽ trong việc sử dụng các chất tăng trọng, kháng sinh cũng như thuốc thú y (bao gồm thuốc an thần) trong chăn nuôi và giết mổ động vật. Nếu vi phạm những quy định trên, chủ trang trại có nguy cơ phải ngưng chăn nuôi, bị phạt tiền, thậm chí là đi tù.

Quy trình giết mổ động vật cũng được quy định nghiêm ngặt và có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Tôi chưa thấy có tình trạng bơm nước hay tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ. Còn khi đi vào lò giết mổ thì động vật được đối xử theo quy định về phúc lợi động vật. Như tại Hà Lan, để giảm sự đau đớn kéo dài cho heo giết thịt, người ta sẽ chích điện hoặc bơm khí CO2 để heo bị ngất đi rồi mới giết thịt.

Trần Mạnh ghi

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên