04/09/2016 09:26 GMT+7

Mất lòng tin thì vận nước 
sẽ lâm nguy

VŨ VIẾT TUÂN - MAI HOA ghi
VŨ VIẾT TUÂN - MAI HOA ghi

TTO - Bài viết “Trước tương lai, sao thể yên lòng?” của nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp Quốc khánh 2-9 tiếp tục nhận được sự ủng hộ của dư luận.

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một dịp tiếp xúc cử tri hai quận 1 và 3 (TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một dịp tiếp xúc cử tri hai quận 1 và 3 (TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tuổi Trẻ ghi nhận thêm các ý kiến sau đây, trong đó là những trăn trở về thời cuộc, những gửi gắm và nhất là các đề xuất thẳng thắn như tinh thần nói thẳng trong bài viết của nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang...

* PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ (nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng):

Nói rồi, giờ là lúc phải hành động

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới rời nhiệm sở được nửa năm, nhưng bài viết đó đã đặt ra những vấn đề bức xúc của đất nước mà người dân quan tâm.

Ảnh: LÊ KIÊN

Ảnh: Lê Kiên

Qua bài viết đó, người dân cảm thấy rõ rằng không phải lãnh đạo cấp cao của chúng ta không biết rõ thực trạng đất nước hiện nay, nhưng vấn đề là nói ra hay không và nói ra đến mức nào, như thế nào. Trong khi đó, người dân luôn đặt câu hỏi vì sao những vấn đề bức xúc đó chưa có sự chuyển biến như dân mong đợi?

Nên vấn đề đặt ra là khi biết rõ thực trạng rồi thì phải có giải pháp như thế nào để không rơi vào tình trạng biết bệnh nhưng lại không có đủ thuốc và đúng thuốc để chữa. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với thực trạng hiện nay.

Vì vậy, người dân đòi hỏi người lãnh đạo phải công tâm, trách nhiệm hơn nữa, phải đi theo đường hướng liêm chính, hành động.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nói rồi thì bây giờ phải hành động như thế nào để người dân không cảm thấy rằng con đường từ lời nói đến hành động là rất dài!

Đến thời điểm này, muốn lấy lại lòng tin của người dân thì phải có hành động quyết liệt vào những vụ việc cụ thể, chứ không thể để xử lý kéo dài hay để chìm xuồng.

Đó là những lời gan ruột của ông Trương Tấn Sang. Quan trọng nhất hiện nay là những bức xúc xã hội, niềm tin của người dân đang suy giảm.

Nếu không có hành động cụ thể để chứng minh sự liêm chính thì niềm tin ấy sẽ còn giảm sút nữa. Đó là mối nguy rất lớn cho đất nước, cho chế độ. Bởi mất niềm tin của dân thì vận nước sẽ lâm nguy.

Lâu nay, cán bộ của chúng ta chưa thực hiện văn hóa từ chức, nên nhiều người dù không có năng lực hoặc vi phạm, khuyết điểm vẫn bám giữ chiếc ghế của mình để hưởng lợi lộc. Họ không tự nguyện từ chức, nhưng chúng ta dường như chưa có một cơ chế, một sức ép đủ mạnh để buộc họ phải từ chức.

Vì thế, ông Sang viết ở cuối bài rằng “Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi”.

Tôi đồng tình với quan điểm này.

* Bà Trần Thị Thanh Hương (Q.11, TP.HCM):

Cần một cơ chế phản biện

Những vấn đề ông Trương Tấn Sang nói đang là một thực trạng, được sự quan tâm của rất nhiều người. Khi đọc bài viết được đăng trên báo, nhóm các bác cao tuổi cùng đi tập dưỡng sinh với tôi đã ngồi bàn luận rất nhiều.

Ảnh: MAI HOA

Ảnh: MAI HOA

Những quan điểm của ông Sang trong bài viết chúng tôi rất ủng hộ. Rất sâu sắc, tâm huyết, rất đúng đắn.

Người dân lúc nào cũng rất quan tâm đến tình hình đất nước. Câu chuyện tham nhũng người ta bàn rất nhiều, nói rất nhiều. Người ta nói có nhiều ban bệ được giao phòng chống tham nhũng nhưng chẳng phát hiện bao nhiêu.

Chủ yếu là người dân và báo chí phanh phui, nhưng cuối cùng nhiều người vì đấu tranh mà gặp vạ. Chính điều đó làm những người có tâm huyết ngần ngại đấu tranh.

Tôi rất mong những điều mà ông Sang viết sẽ được Chính phủ mới và các lãnh đạo mới tiếp thu. Khi các cấp lãnh đạo quyết tâm làm, có phương pháp khả thi thì người dân rất hi vọng. N

hững người cầm chèo phải có suy nghĩ nhất quán với nhau, cùng nhận thức rằng chuyện chống tham nhũng, phát triển đất nước là đúng và phải làm.

Mọi người phải cùng chèo một hướng mới được chứ người chèo tới, người chèo lui làm con thuyền tròng trành, không tiến lên được.

Còn người dân tham gia xây dựng bằng cách nào? Phải có cơ chế phản biện để bất kỳ người dân nào, từ người lao động bình thường đến cán bộ, được bày tỏ chính kiến của mình, mang tính chất xây dựng, trong khuôn khổ pháp luật.

* Ông Bùi Bỉnh Luân (Q.Tân Bình, TP.HCM):

Khó nhưng vẫn làm được

Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, khó khăn, yếu kém. Những khuyết điểm được nêu lên từ nhiệm kỳ này kéo dài sang nhiệm kỳ khác, không biết bao giờ mới khắc phục được.

Ảnh: Q.ĐỊNH

Ảnh: Q.ĐỊNH

Bài viết của ông Trương Tấn Sang chỉ ra “tham nhũng có bóng dáng của những cán bộ quản lý ở cấp cao”, hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn nhìn nhận “lợi ích nhóm bây giờ nó chằng chịt với nhau”.

Tôi cho đó là cách nhìn thẳng vào sự thật. Rất đáng hoan nghênh. Vậy nên gần đây trong các cuộc họp tổ dân phố hay trò chuyện với những người quan tâm nhiều đến tình hình đất nước, tôi hay động viên họ hãy cứ mạnh dạn góp ý. Ý kiến của mình mà được tiếp thu, góp phần thay đổi được điều gì đó thì rất tốt.

Hãy mạnh dạn trao cho người đứng đầu quyền lực, đồng thời có cơ chế giám sát tránh lạm quyền. Khi người đứng đầu có quyền quyết định, họ cũng đồng thời phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Khi đó họ sẽ chủ động, sẽ “xử” được nhanh chóng những vụ như Trịnh Xuân Thanh, như Xin Chào... vì nó thuộc trách nhiệm của mình. Chứ không thì lúc nào cũng xem như chuyện của ai đó chứ không phải của mình.

Nói chung chống tham nhũng, chống trì trệ là khó, nhưng cứ nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết thì sẽ làm được.

VŨ VIẾT TUÂN - MAI HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên