13/07/2014 10:35 GMT+7

Mất dấu trừ, cả hội đồng chết lặng

NGỌC HÀ - HÀ BÌNH
NGỌC HÀ - HÀ BÌNH

TT - Việc đổi mới phương thức chuyển đề thi từ ban đề của Bộ GD-ĐT đến các điểm in sao bất ngờ được thực hiện nhờ... sự cố bất đắc dĩ ở cụm thi Quy Nhơn.

BbIaWWQv.jpgPhóng to
Kiểm tra thùng đề thi trước khi chuyển đến các điểm thi, sáng sớm ngày 9-7-2014 - Ảnh: Như Hùng

Đề thi sai!

Ngày 5-7-2009, đợt thi thứ nhất dành cho thí sinh khối A kết thúc êm ả. Theo đúng kế hoạch, Bộ GD-ĐT công bố đáp án kèm đề thi. Bất ngờ, đáp án vừa được đăng tải trên các trang báo điện tử cũng là lúc điện thoại ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ bắt đầu nóng ran.

Thông tin dồn dập đổ về cùng chung nội dung: một câu hỏi trong đề vật lý mà thí sinh ở cụm thi Quy Nhơn nhận được không giống với đề thi bộ công bố, nên đáp án các em làm ra cũng khác hoàn toàn đáp án chính thức của bộ! Sai sót ở khâu nào đã khiến gần 34.000 thí sinh tại cụm thi Quy Nhơn, chiếm hơn 5% tổng số thí sinh dự thi đợt 1 cả nước (trong đó hơn một vạn thí sinh thi vào Trường ĐH Quy Nhơn và hơn hai vạn thí sinh thi vào 56 trường ĐH khác) phải làm một đề thi “lạ”?

Báo cáo ngay sau đó của hội đồng coi thi liên trường tại Quy Nhơn và tổ giám sát của bộ tại hội đồng này xác định: đề thi môn vật lý theo hình thức trắc nghiệm có một câu in sai so với đề thi do bộ công bố. Đề thi đúng là: “Nguyên tử hiđrô đang ở trạng thái cơ bản có mức năng lượng bằng -13,6 eV. Để chuyển lên trạng thái dừng có mức năng lượng -3,4 eV thì nguyên tử hiđrô phải hấp thụ một phôtôn có năng lượng”. Trong khi đó, đề thi tại cụm thi Quy Nhơn được in sao thiếu dấu trừ (-) ở các con số chỉ mức năng lượng khiến hai trị số trong câu hỏi lần lượt được ghi thành 13,6 eV và 3,4 eV.

Hiện đại quá, hóa... hại điện

PGS.TS Nguyễn Văn Kính - hiện là trưởng khoa khoa học cơ bản Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, khi đó là trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, thường trực hội đồng tuyển sinh tại ĐH Quy Nhơn - không thể quên bầu không khí căng thẳng lúc phát hiện sai sót.

15g30 chiều 5-7, ông Kính được chủ tịch hội đồng tuyển sinh gọi vào phòng thông báo sự cố. Tất cả bắt nguồn từ “tin đồn” trong thí sinh về đề thi các em làm không giống đề của bộ. Lập tức, thường trực hội đồng tuyển sinh vào khu niêm phong đề dư (đề dự trữ, đề chưa phát khi thí sinh vắng mặt...) lấy một đề để đối chiếu dưới sự giám sát của an ninh. Không thấy dấu trừ, cả hội đồng lặng đi.

Sự cố được chủ động báo ra bộ và xin ý kiến chỉ đạo. Toàn bộ bài thi được lệnh giữ nguyên trong kho, không được chuyển về các trường ĐH vội, kể cả trường hợp đã “hợp đồng từ trước”. Đêm ấy thật sự là “đêm trắng”. Chủ tịch hội đồng, thường trực hội đồng cho đến cả phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT được cắt cử ở đây đều không một phút chợp mắt để bàn phương án giải quyết hậu quả.

Cuối cùng, chỉ vì thiếu dấu “-” trong đề thi của 34.000 thí sinh dù mang tính cục bộ so với quy mô gần 700.000 thí sinh dự thi, nhưng để bảo đảm công bằng, Bộ GD-ĐT quyết định không chấm điểm câu bị in sai đối với các thí sinh thi tại Quy Nhơn. Điểm của câu này sẽ được “san sẻ” cho 49 câu còn lại, đồng nghĩa thang điểm tối đa cho thí sinh ở cụm thi Quy Nhơn là 10 điểm cho 49 câu, trong khi các nơi khác 10 điểm được dành cho 50 câu. Bộ sẽ trao cho các điểm chấm những bài thi này một phần mềm không đồng bộ với các nơi khác để máy quét theo điều chỉnh bất đắc dĩ của thang điểm mới.

Vậy lý do nào đã khiến đề thi của Quy Nhơn bị... lạc lối? Theo báo cáo của cụm thi Quy Nhơn, đề thi trong đĩa CD do ban đề thi của bộ cung cấp chính xác, song đề thi in ra từ đĩa CD lại không có dấu “-” nên các bản sao đề thi cùng bị lỗi. Nguyên nhân vì sử dụng phần mềm điều khiển máy in HP 5100tn chưa tương thích với hệ điều hành Windows Vista. “Thú thật để chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh năm 2009, trường đã rất cẩn thận tìm mua hệ thống máy in, máy tính mới tinh và hiện đại nhất khi đó. Sau này khi sự vụ giải quyết xong, chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau đừng để hiện đại mà hóa... hại điện”- PGS Kính hóm hỉnh nói.

Lại in ra giấy!

Sau năm 2009, sự cố ở cụm thi Quy Nhơn trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp với những cán bộ tham gia ban đề thi tại những trường được giao nhiệm vụ in sao đề. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga - người nhiều năm giữ vai trò trưởng ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ - quá thấu hiểu công việc của người làm công tác in sao đề với đủ căng thẳng, lo lắng, thậm chí là... bất an. Dù quy trình chặt chẽ, nhưng chẳng may máy móc có “vấn đề”, làm mất đi chỉ một nét chữ, một dấu chấm câu, thậm chí một hạt bụi bám trên mặt gương của máy photocopy cũng có thể gây sai sót dây chuyền nghiêm trọng nếu tổ in sao rà soát, đối chiếu thiếu chút kỹ lưỡng.

“Những năm trước, đề thi được ghi vào đĩa CD dưới dạng file pdf rồi chuyển cho các cơ sở in sao kèm theo mật mã để đọc đĩa. Về nguyên tắc, tính bảo mật cao, nhưng khi thực hiện lại phát sinh nhiều sự cố khó lường. Cơ sở in sao sử dụng các phiên bản phần mềm xử lý văn bản khác nhau nên khi đọc file bị lỗi, đặc biệt là các ký hiệu. Ngay cả khi đọc được file chuẩn, đến lúc chuyển sang máy in không tương thích cũng bị lỗi. Có lỗi cơ sở in sao phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Có lỗi rất khó phát hiện như lỗi mất dấu trừ ở Quy Nhơn đã gây nhiều phức tạp khi xử lý hậu quả” - ông Ga phân tích.

Ý tưởng chuyển đề thi bằng phương pháp in ra giấy truyền thống được đề xuất ngay sau khi có sự cố ở Quy Nhơn. Song quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng khi chính những người trong ban tổ chức kỳ thi quốc gia còn có ý kiến khác nhau khi tranh luận “nên hay không?”. Sự đắn đo không phải không có lý: Đổi mới dạng thức chuyển đề thi từ ghi đĩa sang bản in giấy đúng là giảm áp lực lớn cho các cơ sở in sao đề thi tại các trường, nhưng áp lực nặng nề của việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu đề thi gốc với số lượng rất lớn (do có các môn thi trắc nghiệm với nhiều mã đề khác nhau) không mất đi mà bị chuyển hết cho... ban đề thi của Bộ GD-ĐT.

“Phải thật can đảm mới dám đổi mới một khâu nào đó trong kỳ thi vốn được cả xã hội quan tâm. Dẫu biết rằng việc chuyển đề thi bằng đĩa CD có những điều bất lợi nhưng đã được thực hiện nhiều năm, nay nếu thay bằng phương thức mới mà rủi có trục trặc gì xảy ra thì khó tránh khỏi búa rìu dư luận...” - ông Ga chia sẻ. Phải đến năm 2013, ý tưởng này mới được triển khai trong thực tế sau khi thường trực ban chỉ đạo tuyển sinh quyết tâm thực hiện và chịu trách nhiệm về mọi rủi ro.

Kết quả của giải pháp thoát ly “công nghệ cao” với đĩa CD kèm mã khóa phức tạp là đề thi được nhân bản nhanh chóng, không sai sót. “Ban chỉ đạo tuyển sinh không còn hồi hộp mỗi khi có điện thoại từ các hội đồng thi gọi về báo lỗi đề thi do kỹ thuật in sao như những năm trước. Các điểm in sao đề thi đều khen ngợi chưa bao giờ công tác này thoải mái như vậy. Xem ra lời khuyên “không nên phức tạp hóa những việc đơn giản” luôn có giá trị thực tiễn” - Thứ trưởng Ga nói.

pF0bpE4a.jpgPhóng to
Không nên phức tạp hóa những việc đơn giản!

Thứ trưởng Bùi Văn Ga vui vẻ minh họa bằng bức vẽ được ông sưu tầm từ trước. Bức vẽ mô phỏng hình ảnh hai người “mắm môi mắm lợi” đẩy hết sức một hệ thống phức tạp, tạo lực chuyển lên chiếc búa ở tít trên cao để đóng được... một chiếc đinh!

“Giải pháp đơn giản để đóng đinh là chỉ cần một chiếc búa. Không chỉ thí sinh mà xã hội và cả chính những người trong cuộc trực tiếp tham gia công tác tổ chức thi đã đặt kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ lên tầm quan trọng quá mức cần thiết. Không nên phức tạp hóa những việc đơn giản! Đó là kinh nghiệm rất quan trọng để các trường tiếp tục thực hiện khi tự chủ tuyển sinh” - Thứ trưởng Ga nói.

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Cuộc gọi từ Bộ Giáo dục-đào tạo Kỳ 2: Trong “đại bản doanh” làm đề Kỳ 3: Làm đề như thế nào? Kỳ 4: Electron hay êlectrôn? Kỳ 5: Mời giáo viên... đóng vai thí sinh Kỳ 6: “Dậy, dậy đi, tất cả dậy” Kỳ 7: Đi mua... đề thi Kỳ 8: “Đề thi” bị... say rượu Kỳ 9: In sao: ba vòng bảo vệ Kỳ 10: 20 ngày trong “trại in sao”

___________

Kỳ tới: “Giàn khoan Trung Quốc” vào đề thi

NGỌC HÀ - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên