Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh chiến lược "Go Global - mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới" hướng đến mục tiêu năm 2027, đóng góp 15% doanh số đến từ hoạt động kinh doanh quốc tế.
Bà Đinh Hồng Vân - giám đốc Marketing cấp cao Masan Consumer - cho biết thành công trên thị trường Nhật Bản là một đòn bẩy, tạo tiền đề cho gia vị Chin-su cũng như các sản phẩm khác của hãng thâm nhập thêm nhiều thị trường trên thế giới như Hàn Quốc, Úc, châu Âu và Bắc Mỹ…
"Với tỉ lệ hiện nay chỉ là 4%, như vậy mỗi năm, chúng tôi phải thêm 2-3% trong phần tỉ trọng này. Hội chợ xuất khẩu TP.HCM 2023 thật sự là một sự kiện thiết thực của thành phố trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh giao thương kinh tế sau đại dịch COVID-19", bà Vân chia sẻ.
Hiện nay, nhà sản xuất này đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu các sản phẩm tiêu biểu ra thế giới. Theo bà Vân để một sản phẩm có thể xuất khẩu và tiêu thụ tốt ở các nước bạn là không hề dễ dàng. Ví dụ tại thị trường Nhật Bản, công ty mất gần 4 năm từ lúc ra mắt sản phẩm đầu tiên tới khi gia nhập thành công bộ gia vị Chin-su.
"Để đi tìm được khẩu vị người dân Nhật, nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm đã nhiều lần thử nghiệm, tìm công thức phối trộn nguyên liệu ớt cay Việt Nam và wasabi nồng Nhật Bản, từ đó tạo nên tương ớt đặc trưng phù hợp", bà Vân kể.
Tương tự như Masan nhiều doanh nghiệp tại hội chợ xuất khẩu của TP.HCM, trong đó có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều muốn đẩy mạnh mảng xuất khẩu hay kinh doanh quốc tế và sẵn sàng có những điều chỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường. Các mặt hàng được đánh giá cao là cà phê, trái cây, nông sản...
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: "Năm 2023, ngành Công Thương TP.HCM tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.
Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp Việt có thương hiệu mạnh tham gia thị trường xuất khẩu, trong đó có Masan Consumer, doanh nghiệp đang có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nổi bật, phù hợp với người tiêu dùng thế giới, đồng thời cũng giới thiệu các sản phẩm này đến thị trường trong nước với 100 triệu dân.
Động thái này giúp cho người người tiêu dùng nội địa có cơ hội tiếp cận được các sản phẩm đa dạng, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay".
Thông tin tại lễ khai mạc, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, dẫn đầu về xuất khẩu, trong đó có ba mặt hàng đạt trên 1 tỉ USD là: hàng thủy sản (1,3 tỉ USD), gạo (1,17 tỉ USD), hàng rau quả (1 tỉ USD).
Tuy vậy, thời gian qua, bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn khó lường, thương mại toàn cầu giảm sút… tất cả đã tác động rất lớn tới tình hình kinh tế thế giới cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ước tính, 4 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của TP giảm tới 21% so với cùng kỳ, đã tác động trực tiếp và toàn diện vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì thế, hội chợ sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, tìm kiếm các đối tác, các nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm, thương hiệu được sản xuất trong nước đến thị trường quốc tế, tiếp cận nhu cầu, xu hướng thế giới để có định hướng đầu tư, thay đổi, nâng cao uy tín, chất lượng nhà xưởng, đổi mới công nghệ.
Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM diễn ra từ ngày 25 đến 28-5, do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Vietrade tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM và Bộ Công Thương.
Với hàng loạt sáng kiến kết nối giao thương, gói ngân sách hỗ trợ lớn, đầu tư công nghệ hóa và tăng cường quảng bá đa quốc gia, Hội chợ lần 1 đặt mục tiêu tạo ra "lực đẩy" cho các doanh nghiệp xuất khẩu trở lại đường đua, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12%/ năm trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận