10/08/2019 10:02 GMT+7

Manila có cứng rắn với Bắc Kinh?

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Tổng thống Philippines tuyên bố sẽ đưa vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng này.

Manila có cứng rắn với Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Hai nguyên thủ Philippines - Trung Quốc trong một lần gặp nhau. Khó có thể tin ông Duterte (phải) thay đổi lập trường mềm mỏng với Trung Quốc - Ảnh: AFP

Phán quyết năm 2016 của PCA đã mang lại thắng lợi to lớn cho Philippines, trong đó có bác bỏ đường lưỡi bò phi pháp nuốt trọn hơn 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc.

Chuyến thăm sắp tới cũng là lần thứ 5 của ông Rodrigo Duterte đi Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức tổng thống vào năm 2016.

Ông Duterte đã bỏ qua phán quyết có lợi cho Philippines của PCA vào tháng 7-2016 để đổi lấy chính sách "thân thiện" với Trung Quốc kể từ đó đến nay, bởi vì quan điểm của ông Duterte khá đơn giản rằng việc thực thi phán quyết đồng nghĩa gây chiến tranh với Trung Quốc, mà cuộc chiến này Philippines chắc chắn thua.

Tuy nhiên, ông Duterte lại không nói rõ ông sẽ tiếp cận vấn đề này như thế nào với ông Tập Cận Bình.

Ngoài ra, một câu hỏi nữa là liệu việc đề cập phán quyết có phải là vấn đề chính của cuộc viếng thăm sắp tới của ông Duterte hay chỉ là con bài thương lượng để đòi phần hơn nữa trong thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc ở vùng biển Philippines?

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã ký bản ghi nhớ khai thác dầu khí chung ở khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tổng thống Duterte tiết lộ ông đồng ý với phương án 60-40 do Trung Quốc đề nghị với phần nhiều nghiêng về Philippines.

Cách đây vài ngày, trong một động thái được coi mang tính "ngoại giao" với Trung Quốc, mặc dù có người diễn dịch đây là hành động mang tính dân tộc chủ nghĩa, Phủ tổng thống Philippines vừa mới quyết định chấm dứt chính sách vốn được ban hành vào năm 2012 cấp thị thực bằng tờ giấy rời cho hộ chiếu Trung Quốc để phản đối hộ chiếu quốc gia này có in hình bản đồ "đường chín đoạn".

Thay vào đó, Philippines sẽ đóng dấu thị thực có in hình bản đồ Philippines với đầy đủ khu đặc quyền kinh tế của nước này trên các hộ chiếu Trung Quốc.

Vốn bị chỉ trích nhiều với chính sách thỏa hiệp chủ quyền với Trung Quốc để đổi lấy thương mại và viện trợ, cho nên một trong những chiến thuật của ông Duterte là đôi lúc cần những phát biểu mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc, như những động thái mới đây mà nhiều ý kiến cho rằng là khá cứng rắn với Bắc Kinh.

Mặc dù ông Duterte hay thay đổi về các phát biểu của mình, nhưng tựu trung quan điểm của tổng thống Philippines khá thống nhất: giữ hòa hiếu với Trung Quốc và tránh xung đột.

Đôi lúc ông cũng lên tiếng mạnh mẽ nhưng lập tức sau đó lại "mềm xuống" với lý do Philippines chắc chắn thua khi có xung đột.

Do đó, khó có thể hi vọng một chính sách của Philippines mạnh mẽ hơn với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông trong tương lai khi ông Duterte không có nhiều sự lựa chọn trong tay.

Philippines lên tiếng về 2 tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm EEZ

Ngày 9-8, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Philippines đã đồng loạt lên tiếng trước sự xuất hiện của hai tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.

"Điều tôi muốn chính phủ làm là hãy hỏi đại sứ quán Trung Quốc xem tàu của họ đang làm gì ở đó mà chúng ta không được biết. Nếu ý định của họ chỉ là nghiên cứu biển hay hải sản, đó không phải là mối đe dọa an ninh với Philippines. Nhưng nếu họ thụt thò ở đó để theo dõi các tiền đồn của Philippines, đó là một mối đe dọa thật sự" - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Đài ABS-CBN.

Tuy nhiên, ông Lorenzana thừa nhận Philippines không có hệ thống rađa có thể theo dõi hai tàu khảo sát của Trung Quốc.

Ngay sau các tuyên bố của ông Lorenzana, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cũng lên tiếng trên Twitter cá nhân, khẳng định sẽ gửi công hàm phản đối đến Trung Quốc. Dù trước đó, hôm 7-8, ông Locsin nhấn mạnh không có chuyện tàu Trung Quốc vào EEZ của Philippines cho tới khi quân đội và Bộ Quốc phòng thông báo như vậy với ông.

Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng trước các tuyên bố từ Philippines.

Chuyên gia Gregory B. Poling - giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) - nhận xét sự hiện diện của tàu Trung Quốc là rất đáng lo ngại.

Ông Poling nhấn mạnh nếu tàu Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động khảo sát khoa học trong EEZ của Philippines, việc đó phải được sự cho phép của chính quyền Manila chiếu theo điều 246 Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

BẢO DUY

Dân Philippines sục sôi vì 2 tàu khảo sát Trung Quốc vào EEZ của mình Dân Philippines sục sôi vì 2 tàu khảo sát Trung Quốc vào EEZ của mình

TTO - Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã đồng loạt lên tiếng vào ngày 9-8, tỏ ý phản đối trước sự xuất hiện của hai tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên