Chưa có danh hiệu chính thức nào được công nhận nhưng ở nhiều lĩnh vực đại chúng như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, nghệ thuật biểu diễn, khán giả sẽ không ngần ngại nhắc đến cái tên thân thương: Sài Gòn - TP.HCM.
Trong hàng chục năm qua, có lẽ đến hàng triệu nghệ sĩ từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đã đến và gắn bó với thành phố này. Vì đây là một miền đất đặc biệt, là nơi họ được sống trong bầu không khí hoạt động nghệ thuật sôi nổi và năng động nhất cả nước.
Không chỉ những ai từ xa "Nam tiến", "tiến về Sài Gòn" để theo đuổi con đường nghệ thuật, mà cả những nghệ sĩ vốn là người con của Sài Gòn - TP.HCM cũng được miền đất này nuôi dưỡng tài năng và cảm hứng để lăn xả, sống chết với nghệ thuật.
Quê hương
Cũng ở Sài Gòn, "cái nôi" Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM (nay là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) đã đào tạo ra những nghệ sĩ nổi tiếng và có cống hiến cho nền văn hóa nghệ thuật như Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Hồng Đào, Công Ninh...
Đến nay, thế hệ của họ lại trở thành người dẫn dắt, tiền bối của các thế hệ nghệ sĩ tài năng mới, cả những người sinh ra ở Sài Gòn và cả những người từ xa đến: Ngọc Trinh, Lê Khánh, Hòa Hiệp, Trấn Thành, Đại Nghĩa, Trường Giang, Lan Ngọc, Lan Phương, Lương Thế Thành, Phương Anh Đào, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng...
Điều gì là đẹp đẽ nhất về bức tranh văn hóa nghệ thuật của TP.HCM sau hàng chục năm không ngừng vận động và phát triển sôi nổi, trải qua biết bao giai đoạn với đủ những thăng trầm thời cuộc?
Có lẽ chính là sự tiếp nối thế hệ đầy ý nghĩa này. Không ai khác, chính những nghệ sĩ là người dìu dắt và truyền lửa lẫn nhau để dòng chảy nghệ thuật ở Sài Gòn không bao giờ ngừng chảy.
Ở đất Sài Gòn bây giờ, sân khấu vẫn nỗ lực sáng đèn, rạp phim ngày càng muốn mở khuya hơn để phục vụ khán giả, sân khấu ca nhạc lớn nhỏ vẫn sôi động mỗi tuần... Thành phố này là miền đất của cơ hội dành cho tất cả mọi người. Và với giới nghệ sĩ, điều đó càng rõ ràng hơn bao giờ hết.
Nghệ sĩ Công Ninh là chủ nhiệm khoa đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, là thầy của nhiều nghệ sĩ thế hệ sau.
Ông không trực tiếp nhắc Trấn Thành, nhưng từng khen ngợi một người học trò phải nghỉ giữa chừng (hoàn cảnh rất giống với Trấn Thành) là một tài năng hiếm hoi, "ít nhất một thập niên nữa mới có thể có người thứ hai đa tài như vậy".
Trấn Thành cũng là một người con sinh ra ở TP.HCM. Hiện tại, anh là một trong những nghệ sĩ điện ảnh thành công khi sở hữu hai bộ phim ăn khách: Bố già (doanh thu 420 tỉ đồng) và Nhà bà Nữ (475 tỉ đồng).
Đề tài, bối cảnh quen thuộc trong các phim của Trấn Thành luôn là hẻm nhỏ bình dân Sài Gòn. Cuộc sống của người dân lao động nơi đô thị Sài Gòn hoa lệ là nguồn cảm hứng không nhỏ trong sự nghiệp của Trấn Thành. Nói cách khác, Sài Gòn là một trong những "nàng thơ" của anh.
Người từ xa đến
Ở tuổi 77, NSND Bạch Tuyết, người đến từ An Giang và thành danh ở Sài Gòn, được mệnh danh "Cải lương chi bảo".
Bà đã sống qua nhiều giai đoạn của văn hóa nghệ thuật Sài Gòn. Bạch Tuyết chứng kiến sân khấu cải lương Sài Gòn từ thời đỉnh cao đến khi thoái trào, và giờ đây bà là một trong những nghệ sĩ gạo cội đang nỗ lực làm mới để đưa cải lương đến gần hơn với giới trẻ.
Nói với Tuổi Trẻ, bà nhớ lại một thời hoàng kim của cải lương Sài Gòn: "Thời đỉnh cao là những đoàn mạnh Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Thủ Đô, Kim Chung...
Tiếp đó là thời sau năm 1975, khi ông Dương Đình Thảo làm giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, có đoàn 284 đi Đông Đức, Tây Âu; rồi vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga thay đổi toàn bộ, khiến khán giả đến ầm ầm. Sau đó là vở Đời cô Lựu...
Tôi cứ hát xen kẽ đi học, lúc trở về thì thể nghiệm diễn kịch một người, diễn cải lương một người. Lần nào cũng đình đám, rầm rộ".
Đến thời cải lương, chèo, tuồng thoái trào. Thoái trào là điều không nằm ngoài "vòng tuần hoàn của vũ trụ". Điều gì cũng phải thay đổi, vận động, chuyển sang màu sắc khác.
"Nước sông, nước biển đã thay đổi thì đời người làm gì mà không thay đổi. Không ai mà ngồi một chỗ cả. Như tôi là đang theo quy luật đó" - nghệ sĩ Bạch Tuyết chiêm nghiệm.
Nhưng TP.HCM lại là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm sự thay đổi, vận động, pha trộn giữa các thế hệ.
Chính thành phố này là một sự tổng hòa của người dân tứ xứ, không chỉ người Việt Nam mà còn từ các quốc gia khác. Họ về đây sinh sống, giao lưu, hợp tác với nhau và cố gắng cộng sinh hòa thuận trong một thành phố đa dạng, phức tạp nhưng rất cởi mở, ít định kiến.
Và nghệ thuật - một ngành nghề hướng đến tự do sáng tạo - cũng được hưởng lợi từ tư duy đầy tự do ấy. Các nghệ sĩ có cảm giác mình có thể thử nghiệm rất nhiều thứ, chỉ cần chân thành và tâm huyết.
Năm ngoái, nghệ sĩ Bạch Tuyết gây tiếng vang khi kết hợp với Hoàng Dũng, giọng ca trẻ quê Thái Nguyên, từ Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp, để làm nên ca khúc Về nghe mẹ ru. Ca khúc tiếp tục là một thể nghiệm âm nhạc độc đáo mà ít nghệ sĩ cùng lứa với Bạch Tuyết làm: kết hợp cải lương với R&B và rap.
Để văn hóa nghệ thuật phát triển ở TP.HCM không thể kể đến các công ty giải trí, những đội ngũ nhân sự đứng đằng sau một nghệ sĩ để xây dựng một chiến lược bài bản cho sự nghiệp của họ, cả về sáng tạo lẫn truyền thông và kinh doanh.
Tại TP.HCM, giải trí thực sự là ngành công nghiệp mang lại doanh thu, cơ hội được đầu tư và xoay vòng vốn để nghệ sĩ đầu tư cho các tác phẩm tiếp theo.
Hoàng Dũng là một ví dụ điển hình. Anh từng nổi tiếng khi còn hoạt động ở Hà Nội với hit Nàng thơ và album 25, được đánh giá là ca sĩ kiêm nhạc sĩ tài năng.
Nhưng cũng phải công nhận một điều là từ khi rời Hà Nội vào TP.HCM (đi đi về về, rồi chuyển hẳn vào từ Tết năm 2022), có thể nói tên tuổi Hoàng Dũng như "cá gặp nước", trở nên đậm nét hơn trong làng nhạc.
Từ một nghệ sĩ được đánh giá tài năng, anh thành tên tuổi sáng của showbiz, có sức hút cả về mặt khán giả và quảng cáo. Hoàng Dũng phát hành thêm nhiều sản phẩm hơn (EP Yên và 3 MV đầu tư công phu), cũng như nhanh chóng tổ chức thành công hai đêm Yên Concert tại TP.HCM và Hà Nội vào năm 2022.
Ôm Sài Gòn nhé!
Trong những hoàn cảnh bình thường và khi văn hóa giải trí phát triển nở rộ, nghệ sĩ cảm nhận như được hậu thuẫn nhờ sự trẻ trung, năng động của thành phố.
Nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt như hai năm COVID-19 vừa qua, khi mọi hoạt động của thành phố ngưng trệ, đặc biệt văn hóa giải trí gần như đóng băng, các nghệ sĩ mới có thời gian chiêm nghiệm để nhận ra từ bao lâu họ đã thương Sài Gòn - TP.HCM nhiều đến vậy.
Ngay tháng 10-2022, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã cùng với nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường phối hợp tổ chức dự án nghệ thuật mang tên "Ôm Sài Gòn".
Dự án được ấp ủ sau mấy năm chống dịch, khi nhạc sĩ - tác giả của Hoa nở không màu và Buồn làm chi em ơi - cảm thấy hoạt động văn hóa nghệ thuật ở TP.HCM trầm lắng hẳn.
So với những năm trước dịch đang trên đà phát triển, anh thấy thương Sài Gòn - TP.HCM và mong muốn làm một điều gì đó góp phần phục hồi những sinh hoạt nghệ thuật của thành phố.
Hơn nữa, điều quan trọng là anh muốn "Ôm Sài Gòn". Các nghệ sĩ Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi, Barry Nam Bảo, Đông Quân, Hồng Mơ, Thanh Ngọc... đã cùng anh "Ôm Sài Gòn" trong hai đêm biểu diễn âm nhạc.
Cuối năm ngoái, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM lần 2 (HOZO 2022) được tổ chức khá thành công trong vòng bốn ngày. Lễ hội quy tụ rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế: Vũ Cát Tường, Ngọt, Đinh Hương, Tùng Dương, Soobin Hoàng Sơn, Văn Mai Hương, Uyên Linh, Hoàng Dũng, Lyly, ban nhạc nước ngoài Leonid & Friends, đặc biệt là màn song ca giữa Babyface - nhà sản xuất 12 lần giành giải Grammy - và ca sĩ Ngọc Mai.
Cơ hội giao lưu quốc tế đa dạng cũng là điều TP.HCM - một đô thị năng động - có thể mang lại cho các nghệ sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận