07/08/2016 10:39 GMT+7

Mảng xanh tại TP.HCM eo hẹp, lại còn bị xâm hại

Q.KHẢI - TH.HOÀNG - Q.THANH
Q.KHẢI - TH.HOÀNG - Q.THANH

TTO - Trong khi còn nhiều ý kiến chưa hài lòng với kết quả phát triển mảng xanh ở TP.HCM thì cây xanh bị xâm hại, bức tử cũng trở thành chuyện đau đầu.

Sáu cây me xanh tươi tốt trên đường Trường Sơn (hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình) nay đã chết khô (ảnh chụp sáng 4-8)            - Ảnh: THƯƠNG HOÀNG
Sáu cây me xanh tươi tốt trên đường Trường Sơn (hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất, Q.Tân Bình) nay đã chết khô (ảnh chụp sáng 4-8) - Ảnh: THƯƠNG HOÀNG

Gần đây nhất ngày 3-8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa tiếp tục có văn bản khẩn yêu cầu Công an TP báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo trước đó của UBND TP về xử lý cây xanh bị xâm hại.

Cơ quan này giao trách nhiệm cho Công an TP phối hợp cùng các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm một số vụ phá hại cây xanh nhằm ngăn chặn tình trạng này tiếp tục diễn ra.

Bị “bức tử” liên tục

Anh Nguyễn Toàn Nhân (42 tuổi, ngụ ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) cho biết rất bức xúc vì những cây xanh cổ thụ đã gắn bó lâu đời với người dân nay lại bị “giết” chết đột ngột.

Không phải ai cũng biết trân trọng, biết quý cây xanh, một số người vì lợi ích cá nhân mà không còn tính nhân đạo. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc” - anh Nhân kiến nghị.

Nói về sáu cây me tây trên đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) trơ trọi, chết khô..., nhiều người dân tiếc nuối. Một người dân cho biết khi hàng me tây bị chết, có mùi hóa chất xộc lên nồng nặc từ gốc cây.

Người này quả quyết “cây xanh bị đầu độc” và đề nghị cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Theo Sở Giao thông vận tải TP, từ đầu năm đến nay có hơn 150 trường hợp cây xanh bị xâm hại. Các hình thức xâm hại như đốn hạ trái phép, chặt ngang thân cây, gốc cây hoặc sử dụng hóa chất đầu độc cây chết dần buộc cơ quan chức năng phải đốn hạ...

Thi công cải tạo vỉa hè, đường cấp thoát nước, cáp truyền thông, cáp điện ngầm... làm ảnh hưởng đến hệ rễ, gây nguy cơ tiềm ẩn, cây xanh dễ ngã đổ khi mưa, bão.

Về thực tế cây xanh bị xâm hại, sở này cho rằng đây là tình trạng thường diễn ra lén lút nên khó bắt quả tang, thu thập chứng cứ cũng rất khó khăn.

Quỹ đất cho mảng xanh quá ít

TP.HCM từng đề ra chỉ tiêu đến năm 2010 phát triển mảng xanh với tỉ lệ cây xanh bình quân trên đầu người là 4-5 m2/người. Tuy nhiên đến mốc thời gian này tỉ lệ mảng xanh TP chưa được 1 m2/người.

Đến năm 2011, UBND TP tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng diện tích cây xanh bình quân lên 7 m2/người (đề án quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025).

Đề án này chú trọng phát triển hệ thống công viên, vườn hoa đô thị để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí, giao tiếp cộng đồng...

Theo Sở Giao thông vận tải TP, hiện nay tỉ lệ cây xanh bình quân đầu người đạt khoảng 1,3 m2/người.

Sở Giao thông vận tải TP cho biết hiện TP có khoảng 130.000 cây xanh đường phố, được phân cấp cho các khu quản lý giao thông đô thị quản lý và thuê đơn vị chuyên môn chăm sóc.

Còn theo Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP, hiện có hơn 5.300 cây loại 3 (cây cổ thụ), hơn 26.000 cây loại 2 (cây to), trong đó một số cây thuộc loại quý hiếm như: giáng hương, cẩm lai, gõ mật, gõ đỏ và một số cây thông dụng như: dầu, lim, điệp, me...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một trong những điểm nhấn mạnh của đại biểu Cao Thanh Bình - phó Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP - là đầu tư phát triển mảng xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP đáng sống.

Đại biểu Bình lưu ý ở những khu quy hoạch dân cư mới hình thành, quỹ đất cho mảng xanh quá ít; nhiều công trình nhà cao tầng nhưng công viên, mảng xanh quá hẹp nên không đủ không gian sinh hoạt cho người dân.

Các công viên ngày càng bị thu hẹp không gian xanh để mở các dịch vụ và công trình.

Ông Bình đề nghị cần ưu tiên phát triển các mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái; phải gìn giữ những hình ảnh làng quê truyền thống ở vùng ven, bảo vệ chặt chẽ các công viên.

TP cần rà soát, quyết liệt yêu cầu các nhà đầu tư công trình, cao ốc, dự án nhà ở phải đảm bảo diện tích mảng xanh, khuôn viên mở...

PGS.TS Chế Đình Lý - Viện tài nguyên và môi trường ĐH Quốc gia TP.HCM - đề nghị người dân cần đề cao trách nhiệm cùng giám sát việc xâm hại cây xanh.

Đồng thời TP phát động phong trào trồng cây, cung cấp cây giống miễn phí cho người dân trồng tại các bãi đất trống, công viên, tiểu đảo để phủ thêm mảng xanh cho TP.

* Đại biểu Lê Minh Đức (phó Ban pháp chế HĐND TP.HCM):

Phát triển mảng xanh chưa tương xứng

Đại biểu Lê Minh Đức - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Lê Minh Đức - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều vụ xâm hại cây xanh gần đây, đặc biệt đối với các loại cổ thụ, rất đáng lo ngại. Điều này tác động rất lớn và hủy hoại môi trường xanh.

TP cần khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp bảo vệ, chăm sóc thật tốt cây xanh; điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá hại cây xanh.

TP đã phê duyệt đề án quản lý bảo vệ, phát triển các loại rừng và cây xanh, đặt ra nhiều mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Còn hiện nay mảng xanh đô thị TP phát triển chưa tương xứng với tốc độ phát triển của TP, quỹ đất dành xây dựng mảng xanh đô thị còn rất hạn chế, có nhiều dự án quy hoạch công viên cây xanh nhưng rất chậm trong triển khai thực hiện, tỉ lệ cây xanh còn quá thấp so với yêu cầu của một đô thị xanh...

* PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Cần trả lại nguyên trạng đất công viên

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: HỮU KHOA
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: HỮU KHOA

TP.HCM hiện có số lượng cây xanh trên đầu người có lẽ thấp nhất thế giới với diện tích cây xanh ở đô thị chỉ đạt 0,7 m2/người, không chỉ thế mà còn đơn điệu về chủng loại và xấu.

Do đó, TP.HCM cần gia tăng mảng xanh bằng các giải pháp như đưa mảng xanh lên cao theo chiều thẳng đứng bằng cách trồng leo lên các bức tường, cầu vượt; gia tăng mảng xanh ở các hộ gia đình bằng cách trồng cây trên sân thượng, bancông, trước cửa.

TP cần trả lại nguyên trạng đất công viên Tao Đàn, Thảo cầm viên, phục hồi vành đai xanh đã bị phá để mở các đường vành đai; bằng mọi giá phải bảo vệ, giữ rừng phòng hộ Cần Giờ, không lấn biển chặt cây làm nhà nghỉ khách sạn ở đây.

Chính quyền cần có những quy chế bắt buộc các chung cư phải có mảng xanh, công trình cao vài chục tầng phải có tầng dành riêng làm công viên, khu vui chơi cho trẻ em.

Nên khuyến khích chủ đầu tư gia tăng mảng xanh như nếu xây dựng chung cư có bancông rộng để trồng cây xanh, công viên thì sẽ được xây thêm tầng. Nên trồng thêm rừng ở Hóc Môn, Củ Chi làm công viên cho thanh niên có nơi vui chơi giải trí cuối tuần.

Q.THANH - H.NHUNG ghi

Q.KHẢI - TH.HOÀNG - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên