24/08/2024 11:08 GMT+7

Mạng xã hội nhiều tính năng hấp dẫn, sao tôi vẫn cảm thấy cô đơn

Theo thời gian, mạng xã hội đã thay đổi nhiều quá. Nhớ ngày đầu thế hệ 8X chúng tôi lướt mạng xã hội là hạnh phúc, còn giờ đây gần như mất dần cảm xúc. Vì sao?

Mạng xã hội nhiều tính năng hấp dẫn, sao tôi vẫn cảm thấy cô đơn - Ảnh 1.

Theo thời gian, mạng xã hội đã thay đổi với quá nhiều tính năng mới - Ảnh minh họa: TTO

Theo bạn đọc Phương Phương, công nghệ ngày càng phát triển, sự chân thành và mối quan hệ sâu sắc ngày xưa đã dần biến mất. Thay vào đó là những lượt "thả tim" hay "like" qua loa, hời hợt.

Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Phương Phương về xu hướng này.

Ký ức thời được lướt mạng 

Khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi lần đầu tiên biết đến thế giới trực tuyến qua chat Yahoo!, rồi thư điện tử (Yahoo Mail, email), trang trình duyệt khi đó chỉ có Microsoft Internet Explorer, băng thông đường truyền chậm hơn bây giờ rất nhiều.

Sở hữu bộ máy tính riêng vào thời đó là khoản chi khá lớn đối với mọi gia đình.

Giá vàng khoảng 6-7 triệu đồng một lượng, trong khi một bộ máy tính PC có dây giá hơn 10 triệu đồng. Nên ra quán net trở thành lựa chọn hợp lý, và các quán hầu như lúc nào cũng đông khách, giá tầm 2.000 đồng cho 1 giờ.

Phòng chat của Yahoo! trở thành điểm hẹn của các cuộc trò chuyện dài hơi, nơi những người bạn mới quen cùng nhau tìm hiểu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tạo dựng kết nối chân thành.

Còn thư điện tử thời kỳ đó, vai trò giống như bức thư tay truyền thống, từ ngữ được soạn thảo, lựa chọn kỹ lưỡng. Mail là cầu nối giữa các thế hệ và các nền văn hóa khác nhau, để duy trì kết nối dù khoảng cách địa lý có xa xôi, câu cuối thư thường dí dỏm "Thư còn dài xin hẹn tiếp thư sau".

Nhiều cuộc trò chuyện chân phương, giản dị, mở ra cánh cửa mới để hiểu hơn về thế giới, về con người. Và mạng xã hội chưa phải là công cụ kinh doanh hay là chiến trường của các ý kiến trái ngược.

Những lượt thả tim, like qua loa, hời hợt

Giờ đây, tôi có tivi, máy tính các loại, điện thoại đều kết nối Internet dễ dàng, có tài khoản trên nhiều mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, TikTok... để thường xuyên cập nhật thông tin, tham gia vào các nhóm trò chuyện, theo dõi nhiều trang khác nhau. Vậy mà sao tôi vẫn cảm thấy lạc lõng như đang trên miền đất cằn cỗi.

Dù các trang mạng xã hội ngày nay có nhiều tính năng hấp dẫn, từ chia sẻ hình ảnh, video đến cập nhật trạng thái và theo dõi cuộc sống của bạn bè, nhưng dường như kết nối đã trở nên hời hợt hơn rất nhiều.

Những cuộc trò chuyện từng kéo dài hàng giờ trên Yahoo! giờ chỉ còn lại các tin nhắn ngắn gọn bên Messenger, thường là vài câu hỏi xã giao hoặc tương tác vội vàng. 

Sự chân thành và mối quan hệ sâu sắc ngày xưa đã dần biến mất, thay vào đó là những lượt "thả tim" hay "like" qua loa.

Ngay cả khi tham gia vào các nhóm cộng đồng trên mạng, nơi mọi người đều có chung sở thích hay quan tâm đến một vấn đề nào đó, tôi vẫn cảm thấy cô đơn.

Các cuộc trao đổi, thay vì xoay quanh điều chân thật và ý nghĩa, lại thường xuyên bị chi phối bởi những chủ đề "nóng" nhất thời hoặc thông tin gây tranh cãi để thu hút chú ý.

Các cuộc trò chuyện chân thành đã nhường chỗ cho những tranh cãi gay gắt giữa các nhóm "fandom", cuộc chiến không ngừng nghỉ đêm ngày của nhóm nghệ sĩ, có cả lĩnh vực thể thao, cuộc sống.

Không còn nhiều trao đổi ý nghĩa hay chia sẻ, thay vào đó các nội dung sáng tạo thường chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý hoặc bán hàng.

Những đường link trước đây, chỉ cần nhấp vào để tìm hiểu thêm, giờ đây lại hoài nghi lo lắng, liệu có phải là cái bẫy lừa đảo hay không?

Khi người dùng là "sản phẩm"

Sự chuyển dịch này có lẽ bắt nguồn từ việc các công ty công nghệ nhận ra tiềm năng kinh tế to lớn của mạng xã hội. Với hàng tỉ người dùng khắp thế giới, nền tảng này nhanh chóng trở thành kênh tiếp cận khách hàng lý tưởng cho các doanh nghiệp.

Quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử, thậm chí cả nội dung được tài trợ đã trở thành những yếu tố cốt lõi trong mô hình kinh doanh.

Người dùng không còn là cá nhân tương tác với nhau, mà dần trở thành "sản phẩm" mà các công ty mua bán và khai thác. 

Dữ liệu người dùng, từ sở thích, hành vi cho đến thói quen tiêu dùng, được thu thập, sử dụng để tối ưu hóa quảng cáo, định hình nội dung và tạo ra các trải nghiệm mang tính cá nhân hóa.

Sự chuyển mình này khiến tôi vừa ngạc nhiên lại vừa tiếc nuối nhớ về thời khi mạng xã hội còn là một góc nhỏ yên bình, nơi người ta có thể chia sẻ những cảm xúc chân thật mà không bị áp lực từ thương mại hoặc ganh đua.

Nên quay lại với điều giản đơn ban đầu hay thích ứng thay đổi của thời đại? Liệu ký ức có phải luôn là điều khiến ta nuối tiếc, hay đơn giản là online giờ đây cần thêm những nguyên tắc riêng để thích ứng với thời đại?

Bạn có cảm nhận như tôi?

Tôi thuộc thế hệ 8X đời đầu, là một "cư dân mạng kỳ cựu" được tiếp xúc với làn sóng bong bóng Internet từ những ngày đầu đến khi bùng nổ như hiện tại.

Thời đó, hầu hết mọi người chỉ biết đến Internet như công cụ để kết nối, trò chuyện hay các trò chơi trực tuyến đơn giản. Đối với tôi khi ấy, Internet tròn đầy thú vị, lướt mạng rất hạnh phúc.

Còn bây giờ, theo năm tháng, xã hội có nhiều đổi thay. Sự chân thành và mối quan hệ sâu sắc ngày xưa đã dần biến mất. Thay vào đó là những lượt "thả tim" hay "like" qua loa, hời hợt...

Bạn có cảm nhận như tôi?

Mạng xã hội nhiều tính năng hấp dẫn, sao tôi vẫn cảm thấy cô đơn - Ảnh 3.Đề xuất siết quảng cáo của nghệ sĩ, KOL trên mạng xã hội

Dự Luật Quảng cáo sửa đổi đề xuất bổ sung các quy định nhằm siết việc người nổi tiếng, có ảnh hưởng quảng cáo sản phẩm tràn lan trên mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên