14/08/2024 16:10 GMT+7

Thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới

Việt Nam có nhiều thế mạnh lớn trong sản xuất và xuất khẩu, nhưng việc tiếp cận thị trường nội địa, đặc biệt qua kênh thương mại điện tử, vẫn còn hạn chế.

Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” - Ảnh: VGP

Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” - Ảnh: VGP

Ngày 14-8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”.

Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho hay đã và đang làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, trong số đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được với thương mại điện tử.

Tiếp cận thị trường nội địa qua kênh online còn hạn chế

Tuy nhiên, ông Anh đánh giá mặc dù Việt Nam có thế mạnh rất lớn về sản xuất, ví dụ như ngành may mặc, song những sản phẩm này chưa tiếp cận được quá nhiều trong thị trường nội địa.

Nguyên nhân là bởi hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu.

Qua khảo sát thị trường Việt Nam, ông Tuấn Anh nói doanh nghiệp đang phải đối diện với những thử thách như làm thế nào để hiểu và tiếp cận các phương thức của thương mại điện tử, hiểu về thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng luôn thay đổi liên tục để có thể bắt kịp với trào lưu.

Bà Lại Việt Anh, phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho hay bộ đã làm việc với những sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, nhất là trong cao điểm mùa vụ.

“Chúng tôi vẫn phối hợp với Shopee, Lazada, Tiki hoặc các sàn thương mại quốc tế để tổ chức những gian hàng Việt và những tuần lễ hàng Việt, để hỗ trợ bà con có thể tiêu thụ hàng hóa một cách tối ưu” - bà Việt Anh cho hay.

Về lâu dài hơn, ngoài việc tiêu thụ theo mùa vụ những sản phẩm đặc trưng theo vùng miền, đặc trưng của địa phương, bộ cũng phối hợp với các sàn để xây dựng những thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, hướng đến đưa những sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài; xây dựng và phát triển thương hiệu trực tuyến cho hàng hóa Việt Nam, đây cũng là một trong những định hướng ưu tiên.

Sau cùng là quy hoạch và phát triển mạng lưới logistics, tỉ trọng logistics hiện nay tương đối cao trong giá thành sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử.

Có chiến lược hỗ trợ hộ kinh doanh, cửa hàng chuyển đổi số

Theo ông Trần Minh Tuấn - vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023 lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp 15-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. 

Cùng với đó, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Hiện nay Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9.000 chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch COVID-19. 

Do đó việc đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn. Tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.

"Không gian cho thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở" - ông Tuấn nói và cho hay Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng.

Đối mặt cơn lốc hàng Trung QuốcĐối mặt cơn lốc hàng Trung Quốc

4 - 5 triệu đơn hàng/ngày từ Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Taobao… tạo nên dòng chảy hàng hóa trị giá 1,3 - 1,9 tỉ USD/tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên