Ông Lê Quang Thưởng - Ảnh: M.HOA
Theo khoản 8 điều 2 quy định này, một trong những việc mà ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện là chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.
* Thưa ông, vì sao vấn đề nêu gương ngày nay trở thành một vấn đề lớn đến mức phải có một quy định về việc này?
- Trước đây chưa có quy định về nêu gương mà chỉ có quy định về tiêu chuẩn cán bộ, những việc cán bộ đảng viên được làm, không được làm.
Bây giờ nêu thành quy định trách nhiệm nêu gương, theo tôi có mấy lý do, đó là tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, với nhiều mặt tích cực nhưng cũng đồng thời bộc lộ những thiếu sót khuyết điểm mà do mặt trái của kinh tế thị trường tác động.
Những người vững vàng thì không sao, còn những người "liêu xiêu" thì dễ rơi vào những cạm bẫy.
Ví dụ những năm vừa qua, từ chỗ đánh giá "một số" cán bộ hư hỏng, có khuyết điểm vi phạm đến mức bị xử lý tới nay đã thành "một số không ít", trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị đã bị xử lý.
Từ tình hình mới đó, kỳ này trung ương ra quy định nêu gương để xây dựng tinh thần trách nhiệm và giữ gìn phẩm chất đạo đức, nhất là lãnh đạo cấp cao, là rất cần thiết.
* Quy định đặt ra vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể, Ban Tổ chức trung ương. Việc này nên làm như thế nào cho hiệu quả?
- Trong số các kênh thông tin để giám sát, theo tôi kênh từ người dân, báo chí, dư luận xã hội là rất quan trọng.
Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều trường hợp do các kênh này phát hiện ra những mặt trái, khuyết điểm, còn việc tự phát hiện trong nội bộ thì ít bởi trong nội bộ mà nói ra thì nể nang, sợ bị trù dập.
Ở TP.HCM gần đây có quy định xử lý thông tin từ 4 nguồn cũng là một cách làm tốt.
* Nói về mạng xã hội, quy định 08 cũng cập nhật thực tế hiện nay khi quy định không được trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Ông đánh giá ra sao về thực tế này?
- Theo tôi, mạng xã hội phản ánh sinh hoạt xã hội phong phú, nhiều góc cạnh hơn, là một kênh giám sát xã hội rộng rãi buộc người cán bộ cũng phải ý thức giữ mình.
Nhưng việc gì cũng có hai mặt của nó. Mạng xã hội có mặt trái là có thể khiến cán bộ không dám hoạt động tích cực bởi những người làm việc tốt, hiệu quả thì nhiều khi dễ va chạm, mất lòng.
Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp đưa lên mạng là vì nội bộ mất đoàn kết, lợi dụng mạng xã hội để hạ bệ nhau.
Vì vậy, người dân khi tiếp nhận thông tin cần cảnh giác, đặt câu hỏi. Cơ quan quản lý cũng phải cảnh giác.
Có thông tin phải kiểm tra nhưng mỗi người đều có công việc của mình, nếu chỉ hằng ngày ngồi đối phó với dư luận thì không còn thời gian làm việc.
Do đó, các bộ phận như ủy ban kiểm tra các cấp phải ghi nhận thông tin, phân tích xem đúng sai tới đâu để xử lý.
Cần linh hoạt để ai muốn từ chức là được ngay
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội phản ánh đúng thực tế. Cụ thể, trong ngành giáo dục là những sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mất điểm vì những việc như đường cao tốc vừa làm đã bong tróc.
Ở các nước phương Tây, xảy ra việc gì nghiêm trọng thuộc trách nhiệm của ông bộ trưởng nào thì ông đó lập tức phải từ chức.
Ở nước ta chưa có chuyện đó, thậm chí khi khủng hoảng xảy ra, các vị ứng phó cũng còn lúng túng.
Việc nêu gương từ chức là cần thiết. Nhưng theo tôi thực tế với cơ chế của ta hiện nay rất khó.
Sẽ phải đưa ra ban chấp hành để thảo luận, bỏ phiếu, rất nhiều quy trình nên người muốn từ chức cũng không thể từ chức ngay hoặc không thể thực hiện được.
Trong tương lai phải linh hoạt chỗ này, nếu cán bộ nào ý thức được mình có khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ chức được ngay thì sẽ hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận